Thuế thu nhập cá nhân ở Nhật

Thuế thu nhập cá nhân ở Nhật

Đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi “Thuế thu nhập cá nhân là gì?”, “Tôi phải chi trả bao nhiêu cho khoản thuế thu nhập cá nhân tháng này?” hay “Tôi không thể tự tính được thuế thu nhập cá nhân của mình”.

Đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân, không chỉ của người mang quốc tịch nước đó mà còn của người hiện đang sinh sống tại nước sở tại. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các thủ tục liên quan đến việc đóng thuế? Hay một năm có nghĩa vụ trích thu nhập đóng thuế ra bao nhiêu? Tính thuế như thế nào cho chính xác? Nhằm giúp giải đáp tất cả các thắc mắc đó, bài viết hôm nay xin được đề cập tới việc “Đóng thuế thu nhập cá nhân ở Nhật”.

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Như đã đề cập đến trong bài viết “Cách đọc bảng lương tại Nhật“, thuế thu nhập cá nhân là một khoản khấu trừ có quy định rõ ràng.

Thuế thu nhập cá nhân thực chất là khoản thuế tính theo mức lương hàng tháng. Có quy định rõ ràng về mức thuế phải nộp dựa trên tiền lương thực tế. Đối với học sinh, sinh viên hay du học sinh, tiền thuế thu nhập cá nhân sẽ được khấu trừ trực tiếp vào lương và thông báo cho người lao động trong bảng lương cuối tháng.

Nguyên tắc của thuế thu nhập là trích xuất từ số tiền lương trong một năm của bạn. Tính từ ngày mùng 1 tháng 1 tới 31 tháng 12 năm đó. Thuế thu nhập không phải là khoản khấu trừ sau khi đã tổng hợp lại thu nhập cố định trong một năm mà trên thực tế khoản thuế này sẽ được trừ gộp vào lương của bạn mỗi tháng.

Đặc biệt điều các độc giả quan tâm có lẽ là chính sách đóng thuế thu thập cá nhân cho người nước ngoài đang cư trú tại Nhật. Câu trả lời là “Không có một mức thuế chung áp dụng cho tất cả người nước ngoài mà sẽ được quyết định bởi tình trạng cư trú của mỗi cá nhân”.

Phân nhóm đối tượng phải đóng thuế ở Nhật

Để phục vụ cho mục đích đóng thuế và tính toán chính xác các khoản thuế, những người nước ngoài sinh sống ở Nhật được chia thành 3 nhóm tính theo thời gian cư trú không liên quan đến loại visa. Xin lưu ý điều kiện đóng thuế với người nước ngoài tùy thuộc vào các yếu tố như quốc tịch (có quy định trong hiệp ước thuế), thời gian lưu trú, tình trạng lưu trú… Để biết mình thuộc đối tượng nộp thuế nào hãy hỏi người quản lý ở nơi bạn làm việc nhé.

Không lưu trú

Nhóm “Không lưu trú” áp dụng cho các đối tượng sinh sống dưới 1 năm tại Nhật Bản. Những người không lưu trú có nghĩa vụ đóng thuế cho các khoản thu nhập có ở Nhật Bản, không bao gồm các khoản thu nhập khác ở nước ngoài. Dù bạn là du học sinh đi làm thêm hay người nước ngoài đang sinh sống làm việc tại Nhật Bản, để biết chính xác mình thuộc đối tượng chịu thuế nào hãy hỏi người quản lý nơi bạn làm việc nhé.

Lưu trú tạm thời

Là những người có visa lưu trú ở Nhật trong khoảng thời gian từ 1-5 năm, và không có ý định hoặc không đáp ứng đủ điều kiện được cấp tư cách lưu trú vĩnh viễn tại Nhật. Đối tượng này sẽ phải nộp thuế cho tất cả các nguồn thu nhập, trừ nguồn thu nhập ở nước ngoài không gửi tới Nhật Bản.

Lưu trú vĩnh viễn

Đây là nhóm đối tượng đã có thời gian sống ở Nhật từ 5 năm trở lên và có nguyện vọng cũng như đáp ứng đủ các điều kiện để cư trú vĩnh viễn tại Nhật. Những người này sẽ phải chịu thuế cho tất cả các khoản thu nhập phát sinh ở Nhật hay nước ngoài.

Cơ chế hoạt động của thuế thu nhập cá nhân?

Thuế thu nhập cá nhân sẽ đánh trực tiếp vào khả năng đóng thuế (khả năng thực sự về việc chịu trách nhiệm đóng thuế). Thu nhập chịu thuế là thu nhập thực tế sau khi đã khấu trừ các khoản bảo hiểm xã hội và trợ cấp dành cho người phụ thuộc.

Thuế sẽ khấu trừ trực tiếp từ lương được trả hàng tháng. Nếu không còn khoản thu nhập nào khác ngoài lương, thì không nhất thiết phải nộp thêm tờ khai thuế mà công ty sẽ thực hiện việc quyết toán thuế thu nhập cho cá nhân đó vào cuối năm sau.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân dựa trên thu nhập thực tế có khấu trừ người phụ thuộc tham khảo tại đây.

Do đó, nếu bạn đang làm các công việc bán thời gian hoặc thời vụ để kiếm thêm thu nhập, bạn hoàn toàn có thể đăng ký nhiều người phụ thuộc để giảm bớt khoản thuế thu nhập phải nộp. Với những người có thu nhập dưới 88.000 Yên/ tháng hoặc 1.030.000 Yên/ năm là các đối tượng được miễn không phải đóng thuế. Do đó, nếu có những tháng thu nhập chịu thuế vượt quá 88.000 Yên/ tháng nhưng tổng thu nhập năm không vượt quá mức 1.030.000 Yên/ năm thì bạn có thể nhận được khoản hoàn thuế vào thời điểm điều chỉnh cuối năm.

Với các khoản thu nhập thực tế trên 1.030.000 Yên/ năm thì khoản thuế thu nhập được tính như sau :

Thu nhập chịu thuế / nămThuế suấtSố tiền khấu trừ
Dưới 1.950.000 Yên5%0 Yên
1.950.000 Yên ~ 3.300.000 Yên10%97.500 Yên
3.300.001 Yên ~ 6.950.000 Yên20%427.500 Yên
6.950.001 Yên ~ 9.000.000 Yên23%636.000 Yên
9.000.001 Yên ~ 18.000.000 Yên33%1.536.000 Yên
18.000.001 Yên ~ 40.000.000 Yên40%2.796.000 Yên
Trên 40.000.000 Yên45%4.796.000 Yên

Ví dụ thực tế cách tính thuế thu nhập cá nhân

Tôi đưa ra một ví dụ về các mục được liệt kê trong bảng lương như sau :

  • Tiền lương cơ bản : 300.000 Yên
  • Phụ cấp làm thêm giờ : 20.000 Yên
  • Hỗ trợ chi phí giao thông đi lại : 9000 Yên
  • Khấu trừ bảo hiểm sức khỏe : 18.800 Yên
  • Khấu trừ bảo hiểm hưu trí : 29.280 Yên
  • Khấu trừ bảo hiểm thất nghiệp : 987 Yên
  • Số người phụ thuộc : 1 (vợ hoặc chồng ; người phải nuôi dưỡng hoặc người sống nhờ theo)

Tổng số tiền phải nộp thuế : 300.000 Yên + 20.000 Yên = 320.000 Yên


Tổng số tiền bảo hiểm xã hội phải chi trả : 18.800 Yên + 29.280 Yên + 987 Yên = 49.067 Yên


Sau khi khấu trừ các khoản tiền bảo hiểm xã hội, số lương thực lĩnh là 320.000 Yên – 49.067 Yên = 270.933 Yên


Tính tới đây có thể thấy mức thu nhập thực tế của người này nằm trong khoảng “260.900 Yên ~ 270.200 Yên” và có một người phụ thuộc, do đó sẽ chịu mức thuế thu nhập cá nhân là “5670 Yên”.

Cách nộp thuế thu nhập cá nhân tại Nhật

Thuế ở Nhật được nộp theo hình thức tự khai rồi nộp hoặc thuế thu tại nguồn. Đối với hình thức tự khai tự nộp, người nộp thuế sẽ tự chủ động khai báo thu nhập và nộp thuế theo quy định.

Trong khi đó, hình thức thu thuế tại nguồn sẽ trích thuế suất trực tiếp từ nguồn tiền lương của người lao động và được nộp bởi công ty người đó đang làm việc. Cũng chính nhờ hệ thống này mà đã giảm thiểu được rất nhiều rủi ro và đơn giản hóa thủ tục nộp thuế.

Hầu hết, những người áp dụng hình thức tự khai tự nộp thuộc các trường hợp sau:

  • Cá nhân rời Nhật Bản trước thời điểm kết thúc năm.
  • Khi chủ sở hữu lao động hoặc công ty chủ quản không giữ lại thuế của người lao động để khấu trừ cùng trong lương.
  • Người đó làm việc cho nhiều hơn 1 công ty (có 2 khoản thu nhập)
  • Nếu thu nhập hàng năm lớn hơn mức 20.000.000 Yên
  • Nếu mức thu nhập bên ngoài lớn hơn mức 20.000.000 Yên

Tổng kết

Không chỉ có “Thuế thu nhập cá nhân”, đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người dù bạn đang sống ở đâu. Như đã đề cập ở trên, thủ tục thuế với những bạn mới sang làm việc tại Nhật hoặc du học sinh lần đầu đi làm thêm có thể là khá khó hiểu nhưng bất cứ khúc mắc gì hãy trực tiếp liên hệ với tòa thị chính gần nhất nơi bạn sống hoặc những người cùng công ty để giải đáp thắc mắc nhé.