Trong bối cảnh công việc, kinh doanh hoặc trong cuộc sống thường ngày, khi ở một mình với người Nhật thôi thì bạn sẽ nói như thế nào?
Ví dụ như trong một bài viết khác có tiêu đề “Những thất bại trong cách ứng xử ở công ty Nhật” có đề cập tới việc khi ngồi trên xe taxi cùng người trong công ty, việc suốt cả chặng đường không nói câu gì không thể nói là một cách ứng xử tốt.
Tôi sẽ cho bạn lời khuyên về cách xây dựng mối quan hệ tốt với những người Nhật – những người vốn nhạy cảm với quyền riêng tư và khoảng cách giữa họ và những người xung quanh là rất lớn.
Câu hỏi được người Nhật ưa thích
Thông tin cá nhân
Quê quán
- 「〇〇さんは、どちらのご出身ですか」”Anh/ chị 〇〇 tới từ đâu vậy?”
- 「そこでは、何が有名ですか(食べもの?歴史的な建物?)」”Ở đó có gì nổi tiếng không? (chẳng hạn như đồ ăn hay các tòa nhà cổ?)”
Có rất nhiều người Nhật Bản cảm thấy tự hào về “vùng đất” nơi mình sinh ra và lớn lên. Bất cứ ai cũng có thể nói về đồ ăn hay những câu chuyện lịch sử nổi tiếng ở vùng đất quê hương mình, do đó đây có thể coi là một chủ đề phù hợp. Chắc chẳng có ai mà không muốn trả lời những câu hỏi về quê hương mình đâu nhỉ?
Quá trình học tập và làm việc tính đến nay
- 「〇〇さんは、学生時代何をしていましたか?」”Anh/chị 〇〇 thời còn là sinh viên có đi làm gì không?”
- 「〇〇さんは、新卒から今の会社で働いていますか?」”Anh/chị 〇〇 từ sau khi tốt nghiệp tới giờ vẫn làm việc tại công ty bây giờ à?”
- 「〇〇さんは、どのようにして技術を習得したんですか?」”Anh/chị 〇〇 đã học hỏi công nghệ bằng cách nào vậy?”
Đặc biệt là với nam giới, mọi người thường nói họ thích những câu chuyện liên quan tới quá khứ nhưng không chỉ mình họ mà với tất cả người Nhật họ rất thích những câu chuyện hoặc truyền thuyết “về các anh hùng dân tộc” hay chính những câu chuyện đáng tự hào của bản thân (câu chuyện oai hùng hay những con người tài ba). Ví dụ:
- Ngày xưa đã vô địch trong cuộc thi thể thao
- Ngày xưa từng có kết quả học tập xuất sắc ở trường
- Được đánh giá cao trong công ty và từng trở thành quản lý
- Người làm ra △△ đầu tiên ở Nhật Bản chính là anh/chị 〇〇
Nếu đối phương có thể đáp lại những câu hỏi mà bạn đưa ra như vậy thì có lẽ người đó đang muốn nói chuyện với bạn một cách tích cực hơn. Điều quan trọng ở đây là việc thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Nếu bạn truyền đạt ý tưởng như “Tôi cũng muốn được trở thành người như anh/chị 〇〇” thì có thể bạn sẽ được phía đối phương đánh giá cao hơn đấy.
Sở thích / Sở trường
Có rất nhiều đàn ông Nhật Bản trong độ tuổi từ 30~60 quan tâm tới các lĩnh vực sau đây:
- Xem thể thao
- Xem tivi
- Nghe nhạc
Xem thể thao ở đây có thể là bóng chày, bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, bóng bàn, cầu lông, bơi lội. Trong số đó có cả những môn thể thao không thực sự quen thuộc ở Việt Nam nhưng nếu có hiểu biết về nó, cuộc nói chuyện sẽ trở nên sôi động hơn.
- “Anh thích môn thể thao nào?”
- “Anh có đi xem thể thao không?”
- “Anh thích thể loại nhạc nào?”
Với việc đặt ra những câu hỏi như vậy, biết đâu bạn lại được mời tới sân vận động để cùng xem một trận đấu thể thao và có có hội được giao tiếp ngoài công việc đấy.
Những việc xảy ra gần đây
Để cuộc nói chuyện diễn ra một cách tự nhiên hơn, tôi nghĩ có thể nói về chủ đề “những điều đang diễn ra gần đây”. Ví dụ:
- “Hôm nay trời lạnh/ nóng nhỉ. Mai có vẻ như trời sẽ mưa đấy”.
- “Trước đây tôi đã từng đi △△ rồi. Anh/ chị 〇〇 đã từng tới đó bao giờ chưa?”
- “Hôm qua, tôi xem thời sự có tin □□. Anh/ chị có biết tin □□ không?”
Nếu cứ tiến hành cuộc hội thoại như vậy, tôi tin sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra cả.
Điều quan trọng ở đây tôi nghĩ là trong thời gian ở Nhật làm sao để thu thập được thông tin. Trên mạng internet, tivi, báo chí hay tạp chí hãy luôn tìm cách tiếp cận các nguồn thông tin liên quan tới Nhật Bản.
Bằng cách đó, với “thái độ” biểu hiện luôn hướng về Nhật Bản thì có thể đối phương sẽ nghĩ rằng “muốn chỉ dạy cho bạn nhiều điều hơn về Nhật Bản”.
Những câu hỏi nên chú ý
Về gia đình
Khi hỏi về gia đình, các bạn nên thận trọng. Bởi vì có thể có trường hợp đối phương đã mất đi người thân như là bố mẹ, anh chị em hoặc con cái. Nếu nói chuyện về gia đình, tôi nghĩ tốt hơn hết là nên bắt đầu từ bản thân bạn.
Tôi nghĩ tốt nhất là cho đối phương xem ảnh con hoặc bố mẹ bạn, sau đó nếu đối phương nói chuyện với bạn về gia đình họ thì bạn có thể hỏi được nhiều điều hơn.
Những câu hỏi mang tính cá nhân như “Đã kết hôn chưa? Đã có bạn trai/ bạn gái chưa?” là những câu hỏi nên hạn chế ngay cả với cấp trên hay bạn bè người Nhật. Ngoài ra còn có những cách hỏi tuyệt đối nên tránh đó là “Sao lại không kết hôn?” hoặc “Chưa có người yêu à?”.
Về công việc
Ngoài nơi làm việc ra, có lẽ rất nhiều người Nhật có suy nghĩ thích nói chuyện về công việc. Tuy nhiên, sau khi công việc kết thúc mà vẫn tiếp tục câu chuyện liên quan đến công việc e rằng đây không phải là một chủ đề hay.
Bạn có thể mang lại cho đối phương ấn tượng rằng bạn là một người “nghiêm túc” nhưng nếu bạn bị đối phương nhìn nhận rằng bạn “không thể thay đổi chế độ ON/OFF trong công việc” thì e rằng họ sẽ cảm thấy không muốn nói chuyện với bạn.
Ngoài ra, việc nói chuyện liên quan tới công việc ở ngoài nơi làm việc ở một môi trường mà bạn không biết có ai đang nghe thấy câu chuyện đó không thì tuyệt đối không được tiết lộ các thông tin như là tên công ty đối tác, v.v…
Về dự định / lịch trình
- “Tuần sau anh nghỉ hôm nào vậy?” / “Cuối tuần anh sẽ làm gì?”
- “Hôm nay anh đi đâu vậy?” / “Ngày mai anh rảnh không?”
Bạn phải tuyệt đối cẩn thận với những câu hỏi mang tính cá nhân như vậy. Ở Nhật, sau khi kết thúc công việc, số người muốn tận hưởng ngày nghỉ một mình đang ngày càng tăng lên. Theo dõi trên SNS, có những người dùng bữa tại nhà hàng một mình, có những người đi hát karaoke một mình…
Có rất nhiều người cảm thấy không muốn bị quấy rầy trong khoảng thời gian riêng tư đó.
Nếu có ý định vào ngày nghỉ muốn đi đâu đó cùng đối phương thì việc bắt chuyện và hỏi họ rằng :”Hôm đó anh/ chị có rảnh không?” thì sẽ không có vấn đề gì cả. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng “Chẳng có chuyện gì để nói cả, thử hỏi xem sao” thì tôi khuyên là không nên hỏi những câu như vậy.
Tại sao lại như vậy, bởi vì sau đó cuộc hội thoại sẽ không tiếp tục kéo dài.
- “Cuối tuần tôi sẽ thong thả nghỉ ngơi tại nhà”.
- “Hôm nay tôi sẽ đi về nhà đấy”.
Với những người tự tin, họ có thể tiếp tục câu chuyện với đối phương sau khi nhận được câu trả lời đó mà không có vấn đề gì cả. Còn nếu là tôi trong trường hợp nhận được câu trả lời như vậy, chắc sẽ không còn tự tin mà nói chuyện tiếp (cười).
Câu chuyện liên quan đến chính trị quốc tế
Dù ở bất cứ quốc gia nào, những chuyện liên quan tới chính trị cũng nên được chú ý.
Nhật Bản có liên quan tới vấn đề lịch sử và lãnh thổ với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Mỹ nên sẽ có những tin tức chính trị về những vấn đề đó. Vấn đề mà tôi nhận thấy đó là những tin tức chính trị từ cộng đồng Nhật Bản đi vào Việt Nam có những thông tin bị viết sai lệch.
Sẽ rất nguy hiểm cho những người không biết lịch sử của đất nước và mối quan hệ giữa các quốc gia khi xem tin tức của Nhật Bản và truyền bá nó trên các phương tiện truyền thông.
Ví dụ, khi mà nói chuyện về chủ đề là mối quan hệ chính trị Hàn-Nhật không được tốt, nếu bạn bày tỏ quan điểm thẳng thắn rằng “Hàn Quốc là đất nước không tốt đẹp gì” thì có khả năng đối phương bạn đang nói chuyện có cha mẹ, họ hàng, vợ hoặc chồng mang quốc tịch Hàn Quốc và họ sẽ bác bỏ những điều bạn nhận định ở trên.
Ở Nhật có rất nhiều người có nguồn gốc tổ tiên ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Hãy cẩn thận với những câu chuyện có nội dung liên quan tới bản sắc dân tộc của người Nhật như vậy nhé. Còn nếu trong trường hợp vẫn muốn nói tới những câu chuyện như vậy trước tiên đừng bày tỏ quan điểm của bạn mà điều quan trọng đầu tiên chẳng phải là lắng nghe ý kiến của đối phương hay sao “Anh/ chị nghĩ sao về vấn đề này?”.
Tổng kết
Các bạn thấy sao nhỉ? Điều quan trọng là làm cho “cuộc nói chuyện qua lại” diễn ra một cách tự nhiên (Ở Nhật người ta gọi việc trao đổi ý kiến qua lại là bắt và ném bóng).
Không chỉ là đặt câu hỏi, cách nói chuyện của bạn cũng là một điều rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ toàn là bạn nói thôi thì cũng không tốt. Nếu tỉ lệ là 1 : 3 (bạn nói : đối phương nói) thì hãy chú tâm lắng nghe câu chuyện của đối phương. (Điều này trong tiếng Nhật nên hạn chế nhé).
Trong một cuộc hội thoại như vậy, những “câu hưởng ứng” tự nhiên như :
- そうですか。 Thật vậy à?
- すごいですね。Thật tuyệt vời.
- 大変ですね。 Vất vả nhỉ.
- 勉強になります。 Tôi sẽ ghi nhớ.
- 知りませんでした。Tôi không hề biết đấy.
Những câu nói như vậy thường hay được sử dụng.
Những “câu hưởng ứng” dưới đây vì sẽ đem lại ấn tượng xấu cho đối phương, nên hãy chú ý đừng sử dụng nó nhé.
- なるほどです。(Ra là vậy à – đây không phải là kính ngữ)
- へー、そうですか。(Ơ thế á? へー、あー là những từ ngữ nếu sử dụng với người lớn tuổi hơn là rất mất lịch sự, cũng không nên sử dụng trong môi trường công ty).
Có những người rất vất vả trong việc giao tiếp với người Nhật, từ đây nếu những bạn có cơ hội giao tiếp với người Nhật có thể tham khảo bài viết này thì tôi sẽ cảm thấy vô cùng phấn khởi.