Những yếu tố cấu thành nên quyết định “chuyển việc”

Những yếu tố cấu thành nên quyết định “chuyển việc”

Sau khi hoàn thành chương trình học và sở hữu một lượng kiến thức cũng như một vốn ngoại ngữ nhất định, ai cũng muốn tìm cho mình một công việc phù hợp để thể hiện năng lực của bản thân và quan trọng nhất là kiếm được một khoản thu nhập ít nhất là đủ chi tiêu, sinh hoạt. Tuy nhiên, không phải cũng thành công và tìm kiếm được môi trường ngay từ công việc đầu tiên, nên “chuyển việc” là điều tất yếu có thể xảy ra.

Vậy nên chuyển việc trong thời điểm nào? Những yếu tố nào là điểm quan trọng thúc đẩy vấn đề “chuyển việc”? jNavi sẽ giải đáp qua bài viết ngày hôm nay.

Nên tìm một môi trường mới khi…

“Tôi không phù hợp với văn hóa công ty”

Một phần không thể bỏ qua khi đi làm chính là văn hóa công ty nơi bạn làm việc. Nếu không thể hòa nhập cùng cấp trên hay các đồng nghiệp xung quanh, e rằng việc tới công ty mỗi ngày sẽ thật “nhàm chán và uể oải”. Và có lẽ bạn sẽ không tìm thấy động lực làm việc và thành công ở một môi trường như vậy.

Nếu không thể tự thay đổi bản thân để gắn kết với công ty thì có lẽ “chuyển việc” là phương án hữu hiệu bạn nên nghĩ tới ở thời điểm đó.

“Những gì học hỏi được ít hơn kỳ vọng của tôi…”

Học hỏi được những bí quyết kinh doanh, làm việc và những kỹ năng mới là một trong mong muốn của đa số nhân viên công ty. Tuy nhiên nếu đặt phép tính “Thỏa mãn =Thực tế – Kỳ vọng” thì khi “thực tế” nhỏ hơn “kỳ vọng”, thì chắc chắn rằng bạn đang có suy nghĩ công việc hiện tại không mang lại cho bản thân những cơ hội mới.

Trong trường hợp này, có 2 cách giải quyết bạn có thể nghĩ tới :

  • Chuyển việc để tìm cho bản thân những cơ hội học hỏi mới
  • Đề xuất xin tham gia các dự án hay nghiệp vụ mới để giúp học hỏi và cải thiện kỹ năng

“Tôi cảm thấy công việc hiện tại thật nhàm chán”

Đây là cảm giác của hầu hết các nhân viên văn phòng sau một thời gian chỉ làm một công việc và nghiệp vụ duy nhất. Mỗi sáng thức dậy, suy nghĩ đầu tiên sẽ là hôm nay tới công ty sẽ làm gì? Có ý tưởng gì mới cho công việc hôm nay không? Điều đó chứng tỏ việc bạn đang rơi vào trạng thái khủng hoảng và không hề có động lực để tiếp tục công việc này.

Lựa chọn một môi trường mới với công việc năng động hơn có vẻ như cũng không phải là là một phương án quá ngạc nhiên nhỉ?

“Tôi bất đồng quan điểm với cấp trên quá nhiều”

Khi cách quản lý và điều hành công việc của cấp trên khiến bạn cảm thấy không phục, khi bạn luôn nỗ lực làm việc nhưng cấp trên lại không ghi nhận công sức ấy của bạn thì quả thật cảm giác ấy vô cùng khó chịu và bất mãn. Thực tế cho thấy đây cũng là lý do lớn nhất khiến nhân viên muốn “nhảy việc”.

Nếu không còn cách nào khác để cải thiện mối quan hệ này cũng như không tìm được tiếng nói chung với cấp trên thì “chuyển việc” vào thời điểm đó là một phương án tất yếu.

“Tôi không thể làm việc cùng những người đồng nghiệp như vậy”

Không thể phủ nhận rằng đồng nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực làm việc cho bạn. Nếu mối quan hệ giữa bạn và những người đồng nghiệp trở nên tốt đẹp, thì không chỉ giúp cho tinh thần của bạn trở nên tốt hơn mà còn có thể hỗ trợ nhau trong rất nhiều trường hợp.

Tuy nhiên, nếu làm việc trong môi trường đồng nghiệp luôn gây khó chịu và phiền phức cho bạn, hoặc luôn khiến bạn gặp phải những tình huống rắc rối không đáng có thì quả thật mỗi ngày đi làm đều khiến cho bạn cảm thấy rất mệt mỏi và chán nản.

Có thể lúc này , bạn sẽ nghĩ ngay đến cách giải quyết là “chuyển việc” nhưng cũng nên cân nhắc tới tình huống nếu chuyển sang công ty khác cũng gặp phải trường hợp tương tự thì như thế nào? Sẽ lại tiếp tục nghĩ đến giải pháp “chuyển việc” ư? Nên trong trường hợp này tôi thực sự khuyên bạn nên suy nghĩ kỹ cũng như tìm các biện pháp khắc phục để cải thiện “mối quan hệ công sở” chứ không nên vội vàng “chuyển việc”.

“Tôi muốn theo đuổi đam mê đích thực của mình”

Đây có lẽ là lý do ai cũng đã từng nghĩ tới nhưng không mấy người dám thực hiện nó. Bởi bản thân muốn sự ổn định, không dịch chuyển, vì bản thân muốn làm bố mẹ yên tâm với công việc ổn hiện tại, và vì ti tỉ các lý do khác nữa. Nhưng nếu như bạn không cảm thấy thỏa mãn và hài lòng với bản thân, bạn muốn thực hiện ước mơ từ xa xưa của mình thì hãy liều mình “chạy theo mơ ước” một lần xem. Chính bản thân các bạn là người nắm giữ hạnh phúc và là người hiểu rõ nhất bản thân mình muốn gì.

Khi chuyển việc cần lưu ý những điều gì?

Đọc kỹ thông tin tuyển dụng

Đừng vì những “bất mãn” với công ty cũ mà vội vàng ứng tuyển vào một công ty khác trong khi bạn chưa biết gì về công ty đó. Ở mỗi vị trí ứng tuyển đều có những bản mô tả công việc rất rõ ràng được gửi tới các ứng viên. Hãy đọc thật kỹ nội dung đó và xác minh lại với “người phụ trách tuyển dụng” nếu còn điểm gì chưa rõ. Vì đó không chỉ là quyền lợi của cá nhân bạn trong tương lai mà còn để tránh lặp lại sự “bất mãn” giống như ở công ty cũ và lại tiếp tục phải “nhảy việc”.

Ai cũng muốn được ổn định công việc để đạt được những thành tựu cao trong sự nghiệp, nên để hạn chế nhất sự dịch chuyển, hãy cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ trước khi bước vào một môi trường mới nhé.

Xác định rõ mục tiêu mới

Khi “chuyển việc” cần xác định rõ

  • Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong công việc mới là gì?
  • Đâu là ngành nghề bạn theo đuổi?
  • Mức lương mong muốn là bao nhiêu?
  • Các chế độ và phúc lợi bạn muốn có là gì?
  • Nơi làm việc trong bán kính bao xa tính từ nhà bạn?

Sau khi tự trả lời được những câu hỏi trên, bạn mới nên bắt tay vào tìm kiếm công việc mới, tránh trưởng hợp “luẩn quẩn” vì không hiểu mình đang ở đâu và muốn gì.

Xem xét năng lực của bản thân

Ngoài việc đặt ra quá nhiều kỳ vọng và tìm hiểu về công ty mới cũng nên nhìn nhận lại năng lực của chính bản thân mình. Dù cho công ty có phù hợp với mọi tiêu chuẩn bạn đặt ra thì điều quan trọng hơn là “năng lực của bạn có phù hợp với vị trí đó không?“, tránh gặp phải tình trạng “hụt hẫng” vì không đạt được thỏa thuận giữa hai bên.

Cái nhìn về “quyết định chuyển việc” của doanh nghiệp Nhật Bản

Khi làm việc trong công ty Nhật Bản, có một điều nhất định các bạn phải lưu ý là cái nhìn của xã hội Nhật Bản về vấn đề “chuyển việc”.

Với người Nhật mà nói, thông thường họ sẽ làm việc cho một công ty cố định tới tuổi nghỉ hưu, do lối suy nghĩ rằng “gắn bó suốt đời với một công ty là chân thành và ổn định”. Còn “chuyển việc” là một hành động tiêu cực về “sự trốn chạy” và là điểm trừ của người “ngại đương đầu với khó khăn, thử thách”.

Trong các công ty Nhật Bản, có một văn hóa được truyền tai nhau cho rằng nên gắn bó với một công ty ít nhất là 3 năm, và quan trọng là khi chuyển việc bạn phải lý giải được tại sao lại dẫn tới quyết định ấy.

Giả sử, bạn đã liên tục thay đổi công việc trong 1 năm hoặc đã có kinh nghiệm thay đổi tới 3-4 công ty trong vòng 5 năm thì có rất nhiều trường khó có thể vượt qua được vòng sàng lọc hồ sơ.

Nếu bạn là một người có xu hướng “nhảy việc” (liên tục muốn thay đổi công việc) thì bạn nhất định phải giải thích được lý do tại sao lại thay đổi công việc với bộ phận nhân sự của công ty bạn muốn gia nhập. Vui lòng tham khảo các bài viết về “bí quyết phỏng vấn vào công ty Nhật”

Tổng kết

“Chuyển việc” có lẽ là một quyết định không mấy ai mong muốn và cũng không muốn lặp đi lặp lại. Nhưng nếu thực tế giúp bạn có một môi trường mới năng động hơn và học hỏi được nhiều hơn thì có lẽ đây là một quyết định nên cân nhắc.

Chúc các bạn luôn giữ được tinh thần làm việc vui vẻ và tự tin với lựa chọn của mình.