Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng ghê gớm mà đại dịch Covid-19 gây ra cho toàn thế giới năm 2020. Không nằm ngoài luồng sóng đó, Covid-19 cũng đang khiến Nhật Bản đứng trước một thách thức vô cùng lớn lao khi tác động đến du lịch, và nền kinh tế của toàn xã hội. Áp lực với ngành kinh doanh và sản xuất khẩu trang tăng lên cũng như nhu cầu kiểm tra sức khỏe đề nặng lên vai ngành y tế.
Không chỉ có vậy, giao thương với nước ngoài chững lại một cách đáng kể, sự gián đoạn sản xuất với các nhà máy cũng đặt chính phủ Nhật Bản vào tình thế vô cùng khó khăn. Nhưng cú đánh nặng nề nhất phải kể tới việc “Olympic Tokyo 2020” bị hoãn sang năm 2021, theo nhận định của các chuyên gia, đây là tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Nhật Bản bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Giấc mơ về Olympic Tokyo 2020
Trong phiên họp của Uỷ ban Olympic quốc tế IOC lần thứ 125 vào ngày 07/09/2013 tại Argentina, Tokyo đã chọn là chủ nhà của Thế vận hội mùa hè năm 2020 sau khi đạt được số phiếu bình chọn cao hơn so với 2 đối thủ là thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Madrid (Tây Ban Nha). Sau lần tổ chức đầu tiên vào năm 1964, đây là lần thứ hai Nhật Bản được đón nhận vinh dự này.
Với cương vị là nước chủ nhà, Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các môn thi đấu diễn ra cũng như để chào đón khoảng 90 triệu khách du lịch dự kiến sẽ tới tới tham quan và cổ vũ cho các đội tuyển.
Theo ước tính từ ban tổ chức Thế vận hội mùa hè 2020, ngân sách mà Nhật Bản bỏ ra cho sự kiện này lên tới 1,35 nghìn tỷ yên. Con số này chưa bao gồm các chi phí liên quan khác, ví dụ như việc Nhật Bản chuyển địa điểm thi đấu của môn marathon từ Tokyo sang Sapporo vào tháng 10/2019, tiêu tốn của nước này gần 30 triệu USD.
Nếu theo dõi jNavi thường xuyên, chắc hẳn các bạn không thể bỏ qua bài viết có tựa đề “Tokyo chuẩn bị cho Thế Vận hội” để có thể thấy được sự háo hức và trông đợi vào kỳ Thế vận hội này của nước chủ nhà.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng quá lớn của đại dịch viêm phổi cấp Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tránh tụ tập đông người nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng vì đây là một loại virus lây truyền giữa người và người đặt ra một thách thức vô cùng lớn cho các nhà tổ chức. Tối ngày 24/3/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo nước này sẽ hoãn Olympic sang mùa hè năm 2021 sau khi được sự chấp thuận của Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC).
Việc hoãn Olympic sang năm 2021 gây nên những ảnh hưởng rất tiêu cực tới Nhật Bản có thể kể tới như sau :
- Tổn thất hàng tỷ USD liên quan tới ngân sách cải tạo hệ thống giao thông và địa điểm thi đấu
- Thiệt hại nặng nề cho các công ty đã đổ tiền đầu tư và kỳ vọng vào Thế vận hội
- Thiệt hại lớn cho các đơn vị truyền thông, quảng cáo cho giải đấu
- Các đơn vị truyền hình chịu ảnh hưởng lớn do gánh nặng về tiền bản quyền
- Việc rời lịch tổ chức sang năm 2021 có thể gây trùng lặp với một số giải đấu khác, tạo nên sự cạnh tranh khán giả và khó khăn cho các vận động viên thi đấu
- Gánh nặng lớn cho đất nước Nhật về việc khôi phục hình ảnh đất nước sau các thảm họa thiên nhiên như : động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân…
Vậy là, tuy ngọn đuốc Olympic đã được chuyển từ Hy Lạp về tới Nhật Bản, nhưng việc thắp sáng nó trong kỳ Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 chỉ còn trong giấc mơ của người Nhật và những dự định trên các trang giấy.
Nhật Bản đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch
Tính tới 9 giờ sáng ngày 31/3/2020, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 19 ca nhiễm so với ngày hôm qua vượt mốc 2000 người nhiễm bệnh (tính cả du khách và nhân viên trên tàu du lịch Diamond Princess). Và dẫn đầu về số người nhiễm bệnh là thủ đô Tokyo với 443 người nhiễm bệnh.
Để đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học nhằm tránh sự lây nhiễm lớn ra cộng đồng, cũng như một số cơ quan đã có động thái yêu cầu nhân viên ở nhà làm việc từ xa tránh tụ tập quá đông nơi công sở. Song các nhà hàng và quán ăn vẫn hoạt động bình thường.
Người Nhật vốn nổi tiếng là sạch sẽ và kỹ tính. Không cần phải tới khi Covid-19 tới người Nhật mới đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, vì đó là các thủ tục hàng ngày mà từ khi còn nhỏ người Nhật đã bắt đầu dạy con. Nên có lẽ, không cần mất quá nhiều công sức để yêu cầu người dân đeo khẩu trang kháng khuẩn và tăng cường vệ sinh cá nhân.
Ngoài ra, đối mặt với tình trạng khan hiếm khẩu trang trên toàn quốc, chính phủ Nhật Bản cũng cam kết sẽ thúc đẩy sản xuất đảm bảo số lượng khẩu trang cung cấp ra thị trường, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và ổn định tâm lý cho người dân.
Thay vì xét nghiệm đại trà, Nhật Bản cũng khoanh vùng người xuất / nhập cảnh và có động thái tích cực ngay từ sân bay nhằm tránh để lọt người nhiễm bệnh lây lan ra cộng đồng. Vào cuối tuần qua, chính phủ cũng kêu gọi các trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên đóng cửa và người dân tự chủ động cách ly ở trong nhà tránh ra đường khi không cần thiết.
Bên cạnh đó, chính quyền Tokyo cũng kêu gọi người dân không tập trung ngắm hoa anh đào mặc dù đây là thời điểm hoa nở rộ nhất trong năm. Công viên Ueno – một trong những công viên lớn nhất thu hút người dân tới tham quan mỗi dịp hoa nở cũng được lệnh đóng cửa không đón khách tham quan.
Người Việt Nam ở Nhật Bản cần làm gì để phòng dịch?
Một số người Việt Nam ở Nhật đã kịp quay về trên những chuyến bay cuối cùng trước khi các hãng hàng không Việt Nam tạm ngưng khai thác các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, các bạn hiện đang ở Nhật cũng đừng quá lo lắng nhé. Trong khoảng thời gian nhạy cảm này hãy lưu ý những điều dưới đây nhé.
Sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận
Cũng như Việt Nam, Nhật Bản cũng có rất nhiều đối tượng lợi dụng tình hình này để tung các thông tin không đúng gây nhiễu loạn thông tin và hoang mang trong dư luận, trục lợi bất chính cho bản thân. Do đó, mỗi khi tiếp nhận nguồn thông tin mới các bạn hãy lưu ý xác nhận xem :
- Nguồn tin đó xuất phát từ đâu?
- Ai là người phát ngôn ra thông tin đó? (Cơ quan hoặc tổ chức nào? Có uy tín hay không?)
Vừa qua, ở Nhật Bản nổi lên thông tin dịch bệnh ở Trung Quốc bùng phát khiến các doanh nghiệp sản xuất giấy vệ sinh ở Nhật Bản không đủ nguồn nguyên liệu sản xuất giấy vệ sinh. Điều này đã tạo nên cơn sốt không nhỏ ở Nhật khi người dân đổ xô tới các siêu thị mua dữ trự giấy vệ sinh, gây nên tình trạng náo loạn ở siêu thị và hết sạch mặt hàng giấy vệ sinh trên các kệ hàng.
Sau khi chính phủ Nhật Bản đã hoàn toàn bác bỏ thông tin này, rằng Nhật Bản vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu sản xuất giấy vệ sinh, đủ cung cấp cho người dân trong cả nước. Và rõ ràng những thông tin lan tràn trên Internet kia là hoàn toàn bịa đặt, thiếu căn cứ.
Hãy tham khảo thêm bài viết “Để không bị lừa ở Nhật” để biết các trường hợp bạn có thể phải đối mặt và phòng tránh nhé.
Đảm bảo các thao tác vệ sinh cá nhân
Trong thời kỳ dịch bệnh, 3 nguyên tắc dưới đây phải tuyệt đối đảm bảo :
- Luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét với những người xung quanh
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn
- Tránh tụ tập nơi đông người nhằm loại bỏ nguy cơ lây bệnh
Ngoài ra, duy trì một cơ thể khỏe mạnh với đầy đủ chất dinh dưỡng và tăng lượng vitamin so với mọi ngày cũng là một điều vô cùng cần thiết. Không thể ra ngoài nhưng hãy tìm kiếm các bài tập trong nhà để duy trì một cơ thể khỏe mạnh nhé.
Tranh thủ học tiếng Nhật thôi nào
Có thể nói đây có lẽ sẽ là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong năm của các bạn do không phải đi học hay đi làm thêm gì cả. Khác hẳn với những ngày mệt mỏi vì phải chạy đua với thời gian đi học rồi đi làm, hãy tranh thủ khoảng thời gian này để ôn luyện lại những gì đã được học, hoặc chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi JLPT tới đây nhé.
Mới đây trang luyện thi JLPT https://tryjlpt.com/ đã mở miễn phí tất cả các đề thi từ N1-N5 để giúp cho giáo viên và thí sinh tận dụng khoảng thời gian này để ôn luyện chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi JLPT tới.
Tổng kết
Dịch bệnh vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức cho tất cả mọi người. Cơ hội sống chậm lại để nhìn nhận lại bản thân, những gì đã làm được và những gì chưa làm được. Cũng là thách thức đối với Nhà nước trong việc đưa ra đối sách và phương án xử lý. Trong lúc này, hãy là những người thông thái biết tiếp nhận và xử lý các thông tin chính xác, cũng như biết tự bảo vệ an toàn cho chính mình và gia đình nhé.