Theo thống kê của Bộ tư pháp Nhật Bản, tính tới tháng 6 năm 2018 số lượng du học sinh Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Nhật Bản ước đạt hơn 80,000 người, chiếm tới 28% số người Việt Nam hiện đang có visa thường trú tại Nhật Bản. Có thể nói đây là một con số rất lớn, cũng như một nguồn nhân lực nước ngoài hùng hậu phù hợp với các công việc làm thêm giờ tại Nhật (baito).
Tuy nhiên, do mong muốn tìm được việc làm thêm một cách nhanh chóng nhất, không ít du học sinh đã vội vàng lựa chọn một công việc không phù hợp hoặc bị lừa bởi các công ty môi giới việc làm. Do đó, hôm nay jNavi xin chia sẻ với các bạn kinh nghiệm tìm kiếm cũng như xin việc làm thêm tại Nhật.
Xin giấy phép đi làm thêm
Giấy phép đi làm thêm hay còn gọi là “giấy chứng nhận hoạt động ngoài tư cách lưu trú” 「 資格外活動許可書 」.
Quy định chung về việc làm thêm tại Nhật cũng như chế độ làm thêm với du học sinh nước ngoài đã được jNavi chia sẻ qua bài viết “Những lưu ý khi tuyển dụng du học sinh nước ngoài làm việc bán thời gian“. Các bạn có thể đọc tham khảo thêm và chia sẻ rộng rãi tới bạn bè của mình nhé.
Về giấy phép đi làm, đây là một quy định bắt buộc và bạn cần xuất trình giấy này khi đi xin việc làm thêm hoặc ngay sau khi được nhận vào làm. Theo quy định, nhiệm vụ chính của du học sinh là học tập và không được tham gia các hoạt động khác ngoài quy định. Tuy nhiên, do Nhật Bản đang rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng nên các quy định dần được nới lỏng hơn. Sinh viên nước ngoài được phép đi làm thêm với điều kiện có “Giấy chứng nhận hoạt động ngoài tư cách lưu trú”.
Điều kiện để được cấp giấy phép đi làm thêm
Du học sinh cần nắm rõ và đảm bảo các yêu cầu sau :
- Đối với sinh viên hệ chính quy / du học sinh : làm việc tối đa 28 tiếng / tuần
- Đối với nghiên cứu sinh / sinh viên dự bị đại học : làm việc tối đa 14 tiếng / tuần
- Trong các kỳ nghỉ : có thể làm việc tối đa 8 tiếng / ngày
- Không được làm việc tại các tụ điểm giải trí (quán bar, vũ trường, quán rượu). Nếu bị phát hiện du học sinh / sinh viên có thể bị đuổi học và tước tư cách lưu trú.
Thủ tục xin cấp giấy phép làm thêm
- Giấy chứng nhận cho phép đi làm thêm từ nhà trường (Gặp bộ phận phụ trách du học sinh hoặc giáo viên phụ trách để được hướng dẫn)
- Đơn đăng ký xin phép đi làm thêm ( 資格外活動許可書 ) (Tham khảo Trang Web của Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản)
- Giấy xác nhận là du học sinh của trường
- Phiếu xác minh công dân ( 住民票 ) lấy ở tòa thị chính nơi bạn sinh sống
- Giấy chứng nhận đang tham gia quá trình học tập (在学証明書 )
- Bản photo thẻ học sinh
- Thẻ lưu trú
- Hộ chiếu
Sau khi chuẩn bị đủ tất cả các giấy tờ, bạn mang tới Cục quản lý xuất nhập cảnh địa phương nơi bạn sống để làm thủ tục. Thời gian để hoàn thiện và trả kết quả là khoảng 2 tuần.
Các sai lầm khi tìm việc làm thêm ở Nhật
Không kiểm chứng thông tin đăng tải trên tờ rơi hoặc Internet
Có thể thấy các thông tin tuyển dụng được đăng tải một cách lan tràn trên mạng Internet và các mặt báo. Chúng tôi khuyên bạn nên gọi điện trước xác minh các thông tin như : địa chỉ làm việc, cụ thể công việc, mức lương được trả, hình thức trả lương, thời hạn hợp đồng… Nếu tới phỏng vấn đừng quên yêu cầu được phép tham quan nơi làm việc và đọc kĩ các điều khoản có ghi trong hợp đồng, tránh trường hợp bị giữ các giấy tờ cá nhân và ăn quỵt lương nhé.
Đặt niềm tin quá lớn vào các công ty môi giới việc làm
Tất cả các công ty môi giới việc làm đều là trung gian giữa nơi đang cần tuyển nhân viên và du học sinh tìm việc làm. Bỏ qua những công ty uy tín thì vẫn còn một lượng lớn các công ty không minh bạch. Tuy nhiên do là trung gian không hiểu rõ công việc mà các du học sinh sẽ phải làm nên việc tư vấn rất mơ hồ và đôi khi là sai sự thật.
Nếu không tìm hiểu kỹ các bạn còn có thể bị thu rất nhiều khoản phí từ công ty môi giới như phí giữ chỗ, phí làm hồ sơ, phí đào tạo…
Do đó, hãy tỉnh táo xác nhận thông tin được giới thiệu bằng cách hỏi thăm bạn bè, người quen hoặc dành thời gian tới phỏng vấn trực tiếp trước khi đồng ý làm việc trước những lời mời ngon ngọt.
Đánh giá sai năng lực của bản thân
Mức tiền lương sẽ tương xứng với công sức mà bạn bỏ ra. Bạn đừng nên kỳ vọng quá nhiều hoặc tin tưởng vào các lời chào mời về mức lương “trên trời”. Họa chăng đó chỉ là việc bạn đánh giá sai về năng lực thực tế, không xác định được bản thân đang đứng ở đâu mà thôi.
Đặc biệt, khi làm thêm ở nước ngoài, yếu tố ngoại ngữ là một trong những điều tiên quyết. Nếu tiếng Nhật của bạn ở mức khá đồng nghĩa với việc bạn có thêm nhiều cơ hội về công việc và xứng đáng với một mức lương cao hơn.
Việc khả năng tiếng Nhật chưa tốt không phải là điều đáng xấu hổ, mà đáng trách là hiểu sai về năng lực ấy và không tìm được một công việc như mong muốn.
Các công việc phù hợp cho du học sinh ở Nhật
Với các bạn mới sang Nhật và đang bắt đầu học tiếng Nhật :
- Rửa bát, dọn dẹp ở nhà hàng
- Phát báo
- Phân loại và đóng gói hàng hóa
- Nhân viên siêu thị
Đây là các công việc không yêu cầu giao tiếp nhiều nhưng khá vất vả và nặng nhọc.
Với các bạn tiếng Nhật ở trình độ giao tiếp và đã có kinh nghiệm đi làm thêm :
- Thu ngân tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi
- Phục vụ tại quán cà phê, nhà hàng
Các công việc này yêu cầu giao tiếp khá nhiều với khách hàng và giúp tiếng Nhật giao tiếp của bạn khá lên trông thấy.
Còn với các bạn đã có thể giao tiếp thành thạo ở trình độ thương mại, các bạn hoàn toàn có thể xin các công việc như biên – phiên dịch tiếng Nhật, dạy tiếng Việt cho người Nhật hoặc xin vào thực tập tại các công ty tiếp nhận thực tập sinh.
Vậy điều cần chú ý khi tìm việc là gì?
Cải thiện kỹ năng tiếng Nhật
Đầu tư vào yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất, do chủ yếu là công việc chân tay không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng nên nếu tiếng Nhật của bạn tốt thì không có lý gì nhà tuyển dụng lại từ chối bạn.
Hầu hết các công việc sẽ yêu cầu nhân viên có năng lực tiếng Nhật ở mức từ N3 trở lên. Nếu chỉ mới đang học tiếng thì bạn vẫn có thể có cơ hội xin được công việc qua người quen giới thiệu, và trong thời gian đầu bạn buộc phải chấp nhận các công việc ít giao tiếp và không ngừng học tiếng Nhật để nhanh chóng tìm việc vị trí làm việc ở trình độ cao hơn.
Nếu thời gian đầu có thể trang trải chi phí ở Nhật thì bạn có thể chỉ cần tập trung học tiếng Nhật không cần đi làm thêm. Nhưng tôi khuyên bạn nên ra ngoài làm việc vào thời gian rảnh rỗi để có thể mở rộng các mối quan hệ cũng như tìm cho mình cơ hội được giao tiếp tiếng Nhật với người bản xứ.
Chuẩn bị 1 bản CV “đẹp”
CV là một trong những yếu tốt rất quan trọng trong quá trình đi xin việc. Và các nhà tuyển dụng khắt khe Nhật Bản ắt hẳn không bỏ qua yếu tố này.
Về cách viết CV, các bạn có thể tham khảo tại bài viết :
“Cách viết sơ yếu lý lịch“
Mỗi công việc và vị trí cần tuyển lại có một yêu cầu và đặc thù riêng. Bạn có thể sử dụng một mẫu chung để viết CV nhưng không thể sử dụng một bản CV để nộp ứng tuyển vào tất cả các vị trí nhé. Hãy cân nhắc kỹ các yếu tố nhà tuyển dụng đang cần và PR bản thân hợp lý sao cho phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.
Tập luyện kỹ năng quản lý thời gian
Bạn cần xác định trước nếu đi làm thêm thì bạn sẽ khá bận rộn với lịch trình nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm. Nếu không làm chủ được thời gian và sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý có thể cuộc sống cá nhân của bạn sẽ bị đảo lộn lên rất nhiều, trường hợp tệ nhất là không đảm bảo sức khỏe để duy trì việc học trên lớp.
Ưu tiên lớn nhất dành cho việc học, bạn nên cân đối giữa các lịch sinh hoạt khác như ăn, ngủ, nghỉ cũng như có thời gian dành riêng cho bản thân để khám phá Nhật Bản.
Làm quen với cuộc sống đầy áp lực
Người Nhật tỉ mỉ trong công việc và luôn dành 100% sức lực khi làm việc. Do đó kể cả đi làm thêm những công việc chân tay thôi thì áp lực cho bạn sẽ là rất lớn. Có thể bạn sẽ mất cả tháng đầu để làm quen với cách làm việc của người Nhật.
Nếu xác định trước tư tưởng và vững ý chí, rèn luyện các kỹ năng của bản thân sẽ giúp bạn làm quen một cách nhanh chóng, bắt kịp với môi trường làm việc tạo ra năng suất cao của người Nhật và hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
Tổng kết
Nhật Bản không phải toàn những điều màu hồng, mà là vùng đất hứa dành cho những người giàu ý chí và chăm chỉ. Việc làm thêm chăm chỉ không những giúp bạn trang trải chi phí sinh hoạt khi ở Nhật mà còn tạo cơ hội để bạn có thể cải thiện kỹ năng tiếng Nhật một cách đáng kể. Những hãy lưu ý đừng làm thêm quá giờ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra nhé.