Khi tới Nhật du học, ngoài mục đích chính là học tập thì các bạn du học sinh còn quan tâm tới một việc khác nữa, đó là “đi làm thêm” (アルバイト). Việc đi làm thêm với mục đích chính là kiếm tiền để trang trải thu nhập tại Nhật, và cũng là cơ hội để các bạn du học sinh được trải nghiệm nhiều hơn cuộc sống thực tế ở Nhật.
Tuy nhiên, có thể do sự bất đồng khá lớn về văn hóa khiến cho nhiều bạn du học sinh gặp phải những khó khăn nhất định khi đi làm thêm tại Nhật. Và để hóa giải điều đó, cùng theo chân jNavi tìm hiểu xem làm thế nào để có thể bắt nhịp với môi trường làm thêm ở Nhật một cách nhanh chóng và suôn sẻ nhất nhé!
Xin việc làm thêm tại Nhật có khó không?
Với một đất nước đang thiếu nhân lực “trầm trọng” như Nhật Bản thì câu trả lời cho câu hỏi trên là “Xin việc làm thêm ở Nhật không hề khó“. Chỉ đơn giản là phụ thuộc vào trình độ lúc đi xin việc của bạn, tiếng Nhật của bạn càng tốt thì bạn càng có cơ hội xin được những việc làm tốt hơn và được hưởng mức lương cao hơn.
Nếu bạn đang sinh sống tại những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Kanagawa, Kobe, Hiroshima… thì cơ hội kiếm được việc làm thêm của bạn là rất lớn, còn nếu lui về các vùng quê thì có thể sẽ ít cơ hội hơn cho bạn. Đa phần việc làm thêm là những việc lao động chân tay như bồi bàn, rửa bát, dọn dẹp… nên để có thể vừa đi học, vừa đi làm cũng đòi hỏi các bạn một thể lực tốt và một sự sắp xếp thời gian biểu phù hợp nhé.
Về bí quyết để có thể tìm kiếm việc làm thêm ở Nhật, mình đã chia sẻ qua bài viết “Bí kíp tìm việc làm thêm tại Nhật“, các bạn có thể tìm đọc để hiểu thêm về các quy định về việc đi làm thêm ở Nhật cho du học sinh và cách để tìm được một công việc làm thêm phù hợp với bản thân nhé.
Những sai lầm du học sinh thường mắc phải
Đi làm muộn
Dẫu biết khá là vất vả khi vừa phải đi làm, vừa phải đi học. Tuy nhiên, bạn nên sắp xếp thời gian biểu hợp lý, theo dõi thời gian đi tàu hoặc đi xe buýt để không bị muộn làm.
Nhật Bản là đất nước coi trọng kỷ luật về giờ giấc hàng đầu trên thế giới, do đó việc bạn đi làm muộn phần nào đó ảnh hưởng đến công việc chung và khiến các “ông chủ người Nhật” khá là không vừa lòng. Như mình đã chia sẻ trong rất nhiều bài viết trước đó, nhiều người nước ngoài lần đầu tới Nhật cho rằng việc lỡ đi muộn 5-10 phút thì không sao cả nhưng thực chất với người Nhật “đúng giờ là khi bạn tới sớm hơn 5-10 phút để chuẩn bị sẵn sàng bắt tay vào công việc“.
Ngoài ra, một số lý do đi làm muộn thực sự rất khó chấp nhận như : ngủ quên, tàu tới muộn (tàu ở Nhật khi tới muộn sẽ phát thông báo trước và cấp giấy chứng nhận muộn tàu ở ga đến). Tôi từng nghe được một câu chuyện thực tế của một anh quản lý người Nhật, anh chia sẻ rằng có một du học sinh làm thêm ở quán ăn của anh, lần đầu đi muộn cô ấy nói rằng do hôm nay tàu đến muộn nên tới trễ. Đích thân người quản lý đã gọi điện tới công ty đường sắt chủ quản và nhận được câu trả lời rằng “Hôm nay không có chuyến tàu nào bị muộn cả”. Lần thứ hai bạn gái đó đi muộn, cũng với ly do tương tự và ngay lập tức đã bị cho nghỉ làm. Bạn có thể sai lầm rồi sửa chữa sai lầm chứ tuyệt đối không được nói dối để biện minh cho sai lầm của mình.
Do đó, nếu bạn có việc bận đột xuất ở trường, hay các công việc giấy tờ khác cần phải thu xếp thì hãy gọi điện tới nơi làm thêm hoặc liên lạc với người quản lý ít nhất 1 tiếng trước khi công việc bắt đầu để họ sắp xếp người làm thay bạn.
Sử dụng điện thoại trong giờ làm việc
Đặc điểm của ngành dịch vụ là tính chất công việc không ổn định, có những lúc rất vắng khách nhưng lại có khi khách đến tới tấp. Tranh thủ lúc vắng khách, nhiều bạn du học sinh đi làm thêm đã lấy điện thoại ra và sử dụng trong chính giờ làm việc. Đây là một sai lầm nghiêm trọng nhưng lại rất nhiều bạn mắc phải.
Theo quy định, trong giờ làm điện thoại không được mang theo trong người mà phải cất vào tủ đồ cá nhân và để ở chế độ im lặng. Việc bạn để điện thoại trong người và thi thoảng lại lấy ra xem là sai quy định và có thể sẽ bị khiển trách vì làm việc riêng trong giờ đấy nhé.
Cũng tương tự như những nhân viên đang làm việc trong công ty Nhật, nếu bạn đang có việc cần phải nghe hoặc gọi điện thoại, bạn có thể xin phép ra ngoài nghe điện thoại rồi lại tiếp tục quay trở lại làm việc chứ không nên lén lút sử dụng điện thoại trong giờ làm.
Nghỉ làm không xin phép hoặc báo muộn
Với đặc trưng công việc ngành dịch vụ sau khi đã sắp xếp đủ người cho ca làm ngày hôm đó và phân công công việc cụ thể rồi thì việc bạn nghỉ làm mà không báo trước hoặc báo sát giờ làm thực sự đưa quản lý của bạn vào một tình thế rất khó giải quyết. Câu hỏi được đặt ra là “Liệu có kịp tìm người làm thay công việc của bạn hay không?”, và nếu có khỏa lấp được công việc của bạn ngày hôm đó thì quản lý cũng sẽ đánh giá bạn cực kỳ ích kỷ, và thiếu trách nhiệm với công việc.
Hoặc nếu bạn không muốn tiếp tục công việc ở đây nữa thì cũng nên báo trước khoảng 1 tháng cho quản lý để họ sớm tìm được người mới, cũng như kịp đào tạo cho quen việc để thay thế bạn trước khi nghỉ. Nếu chỉ muốn im lặng mà ra đi thì thực sự là hành động bột phát rất thiếu suy nghĩ và để lại cho những người ở chỗ làm ấn tượng không tốt về bạn đấy.
Hãy thể hiện mình là một người có trách nhiệm với công việc và luôn biết hòa nhập với văn hóa của người nước ngoài nhé.
Tự tiện sử dụng hoặc mang đồ của nơi làm việc về nhà
Đây là sai lầm thường xuyên mắc phải của du học sinh. Lý do là bởi các bạn cho rằng có thể tự do sử dụng đồ của nơi mình làm việc hoặc mang chúng về nhà. Chẳng hạn bạn đang làm việc trong nhà hàng, bạn nghĩ rằng bạn có thể mang đồ ăn ở đó về nhà ăn, chỉ là một chút thôi có đáng bao nhiêu đâu.
Nhưng không! Hành động đó của bạn có thể được coi là ăn trộm ở Nhật. Với bất cứ món đồ nào không thuộc quyền sở hữu của mình, bạn bắt buộc phải thanh toán rồi mới được phép đem ra khỏi cửa hàng. Với nhân viên, mình tin rằng bất cứ nơi nào cũng có những ưu đãi riêng về giá, hãy thanh toán trước khi mang món đồ đó ra ngoài, đừng vì một chút ít ỏi đồ mang về mà đánh mất niềm tin của người khác nơi bạn cũng như đánh mất luôn công việc hiện tại nhé.
Quá mải mê kiếm tiền
Đã có rất nhiều trường hợp các bạn du học sinh vì quá mải mê kiếm tiền trang trải cuộc sống mà quên đi mục đích chính khi tới Nhật của mình là để học tập. Bỏ bê việc học trên lớp, thường xuyên vắng mặt, điểm số các bài kiểm tra dần sa sút… là những biểu hiện rõ nhất cho việc này.
Thực tế, nếu biết cân đối việc chi tiêu số tiền bạn kiếm được từ việc đi làm thêm có thể vừa đủ để bạn trang trải sinh hoạt phí ở Nhật. Nhưng nếu so với số tiền bạn kiếm được sau khi đã tốt nghiệp và có một trình độ nhất định thì con số ấy quả thực rất nhỏ. Đừng vì cái lợi trước mặt mà đánh rơi cả tương lai phía trước của mình các bạn nhé.
Chấm công hộ nhau
Thực tế đã từng trải nghiệm công việc làm thêm ở Nhật nên mình hiểu khá rõ điều này. Ở Nhật vẫn còn nhiều khá nơi chấm công bằng thẻ, do đó việc bạn tới muộn hoặc về sớm nhưng vẫn có thể nhờ người chấm công giúp là khá dễ dàng. Bạn có thể qua mắt được 1 vài lần đầu nhưng sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện. Và việc này được coi là một hành động gian dối, có thể bị đuổi việc ngay lập tức.
Tới nay để tránh những việc tương tự có thể xảy ra, rất nhiều nơi làm việc ở Nhật đã lắp hệ thống điểm dành bằng vân tay hoặc lắp camera ở nơi quẹt thẻ chấm công. Do đó, nếu muốn xin đi muộn hoặc về sớm, bạn chỉ cần nêu một lý do chính đáng với quản lý thì mình tin họ cũng không làm khó cho bạn.
Tổng kết
Quả thật, Nhật Bản là đất nước cực kỳ thiếu nhân lực trẻ nên cơ hội tìm được một công việc làm thêm đủ để trang trải cuộc sống ở đây không hề khó khăn. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, không phải vì thiếu nhân lực mà các ông chủ Nhật Bản sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê những người không có trách nhiệm hay gian dối trong công việc.
Việc vươn ra nước ngoài học hỏi cũng là một cách để khẳng định vị thế của Việt Nam cũng như nâng cao chính giá trị bản thân bạn. Hãy trau dồi khả năng tiếng Nhật, luôn nỗ lực sống và làm việc một cách tích cực để giúp hình ảnh của người trẻ Việt Nam vươn xa hơn ra thế giới nhé.