Phòng bệnh cảm nắng ở Nhật Bản trong mùa hè

Phòng bệnh cảm nắng ở Nhật Bản trong mùa hè

Say nắng, hay còn gọi là cảm nắng là một căn bệnh phổ biến thường gặp ở Nhật Bản. Một phần vì nhiệt độ khá cao (ở ngưỡng 36-38 độ), và nữa là ở Nhật mùa hè ngắn hơn mùa đông nên cơ thể khó thích nghi với thời tiết nóng, oi bức của mùa hè. Đó là lý do dẫn tới việc số lượng bệnh nhân nhập viện do bệnh say nắng ở nước này tăng cao khi hè sang.

Khái niệm về bệnh cảm nắng / say nắng

Cảm nắng trong tiếng Nhật gọi là 熱中症ねっちゅうしょう.

Đây là căn bệnh phổ biến thường gặp trong mùa hè khi thân nhiệt đột ngột tăng cao do ảnh hưởng bởi nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt xảy ra trong những ngày nắng nóng cao điểm. Khi mắc phải bệnh này, bạn sẽ thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu… và ở những người đã có sẵn bệnh lý nền còn có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Đây không phải căn bệnh quá nghiêm trọng và không thể chữa khỏi nếu như biết xử trí đúng cách.

Theo các số liệu công bố từ Bộ y tế Nhật Bản thì tháng 5 tới tháng 7 là thời điểm số người nhập viện do cảm nắng tăng cao nhất, đặc biệt là vào những ngày chính hè tháng 7.

Các triệu chứng và đối tượng thường mắc bệnh cảm nắng

Triệu chứng bệnh

  • Thân nhiệt cơ thể tăng cao, sốt từ 38-40 độ
  • Toàn thân mẩn đỏ
  • Bủn rủn chân tay, đi đứng không vững
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Cảm thấy buồn nôn, khó thở
  • Vã mồ hôi không kiểm soát

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc cảm nắng

  • Người già, người có tiền sử mắc cái bệnh huyết áp
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Những người làm việc trực tiếp ngoài trời
  • Những người tập luyện thể thao hoặc vận động nặng dưới trời nắng
  • Người thay đổi môi trường đột ngột từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời nắng

Cách phòng bệnh cảm nắng hiệu quả

  • Mặc quần áo chất vải cotton thấm hút mồ hôi
  • Luôn mang theo mũ, và ô để chống nắng
  • Bổ sung đủ lượng nước và muối cần thiết cho cơ thể
  • Rèn luyện sức khỏe, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để cơ thể tăng sức đề kháng chống chọi được với mọi điều kiện thời tiết
  • Hạn chế các hoạt động ngoài trời nắng để giảm nguy cơ mắc bệnh
  • Nếu đi từ phòng điều hòa ra ngoài, nên tăng nhiệt độ điều hòa trước khoảng 30 phút sao cho chênh lệch thấp với nhiệt độ ngoài trời
  • Tránh các hoạt động mạnh gây đổ nhiều mồ hôi

Cách xử trí khi bị cảm nắng

Khi ở một mình

Đây là một trường hợp khá nguy hiểm vì không có ai bên cạnh giúp đỡ bạn. Lúc này hãy nhanh chóng di chuyển tới nơi có bóng râm, uống từng ngụm nước nhỏ và dùng khăn khô lau những nơi đổ mồ hôi nhiều.

Nếu có thể hãy liên lạc ngay với người nhà hoặc gọi cấp cứu để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu cố gắng gượng thì rất có thể sau đó bạn sẽ bị ngất xỉu đấy.

Khi đang đi bộ trên đường

Nếu bắt đầu thấy cơ thể có các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt thì hãy nhanh chóng tìm một bóng râm để ngồi nghỉ, cởi bớt khuy áo hoặc cà vạt cho cơ thể thoát nhiệt. Hãy nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh để họ đưa bạn về nhà hoặc trong trường hợp khẩn cấp thì tới bệnh viện nhé.

Khi vừa bước ra khỏi tàu điện

Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn và là yếu tố chính gây cảm nắng. Vì bạn mởi ra khỏi tàu điện, môi trường điều hòa khá ngột ngạt kèm theo đông người bước ra bên ngoài khiến bạn chưa kịp thích nghi. Nếu thấy có dấu hiệu khó chịu trong người, hãy tìm sự trợ giúp từ nhân viên nhà ga hoặc những hành khách đang ở gần bạn nhé.

Đeo khẩu trang làm tăng nguy cơ cảm nắng?

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản ban hành quy định yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Nhưng quả thực việc phải đeo khẩu trang trong những ngày hè nóng bức như hiện tại thật là rất khó chịu và có thể làm tăng nguy cơ cảm nắng so với bình thường. Do bởi :

  • Việc đeo khẩu trang khiến bạn khó thở và nhiệt độ khó thoát ra ngoài ở vùng mặt
  • Việc phải thở qua lớp khẩu trang làm bạn mất nhiều năng lượng, làm thân nhiệt dễ cao hơn bình thường

Dẫu biết là vô cùng bí bách và khó chịu nhưng hiện tại phòng bệnh đang là ưu tiên số một nên mỗi chúng ta hãy tự giác chấp hành nhé. Để duy trì việc đeo khẩu trang cũng như vẫn đảm bảo sức khỏe không bị cảm nắng, hãy nhớ :

  • Luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể, uống từng ngụm nhỏ ngay cả khi bạn không khát nước
  • Tập luyện thể dục thể thao và tập ngâm bồn nóng để quen với việc chịu nóng và ra mồ hôi của cơ thể
  • Nếu cảm thấy quá bức bối với việc đeo khẩu trang, hãy tìm một nơi thoáng đãng, vắng người và cởi bỏ khẩu trang ra để hít thở đều một chút

Tổng kết

Cơn nắng mùa hè quả là khó chịu và không ai mong muốn. Tuy nhiên qua luật của tự nhiên là phải có mùa nóng và mùa lạnh nên cơn nắng mùa hè là một phần tất yếu trong cuộc sống mà thôi. Hãy cố gắng duy trì sức khỏe để vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lây bệnh do Chính phủ đề ra, vừa đảm bảo một thể lực tốt nhất các bạn nhé.