Những bạn đang sinh sống, làm việc ở Nhật Bản, bạn đã từng nghe đến thuật ngữ HSP chưa?
Trong công việc, trong cuộc sống, bạn có phải dễ mệt mỏi, dễ chán nản không? Nếu có thì có thể bạn là một HSP đó. HSP là vấn đề xã hội nóng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông của Nhật Bản. Nếu bạn chưa biết đến từ này, qua bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn một vài hiểu biết sơ bộ về thuật ngữ HSP.
HSP được đánh giá nhìn nhận khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau.
- 1. HSP (Highly Sensitive Person) – Người nhạy cảm cao là gì?
- 2. Trắc nghiệm tính cách HSP người nhạy cảm cao
- 3. Đặc điểm của người nhạy cảm cao
- 4. Đương đầu với việc bạn là một HSP
- 5. HSP không phải là khuyết điểm mà là món quà
- 6. Các công việc phù hợp với người siêu nhạy cảm
- 7. Sách dành cho người nhạy cảm
- 8. Tổng kết
HSP (Highly Sensitive Person) – Người nhạy cảm cao là gì?
HSP là từ viết tắt của Highly Sensitive Person, có nghĩa là người nhạy cảm cao. Thuật ngữ này lần đầu tiên được nghiên cứu và giới thiệu bởi tiến sĩ Elaine Aron năm 1991, chỉ những người nhạy cảm với các kích thích, được sinh ra mang một tính cách rất tinh tế. Do nhạy cảm cao nên họ hay quan tâm đến cảm xúc của người khác, khiến bản thân dễ gặp phải stress.
Theo tiến sĩ Elaine Aron, HSP không phải là hiếm, nó chiếm từ 15%~20% dân số, cứ 5 người trên thế giới thì có 1 người có tính cách như vậy.
Những HSP thường dễ tự căm ghét mình vì khác biệt so với 80% dân số còn lại và cảm thấy áp lực khi cố tỏ ra mình bình thường để thích nghi với môi trường xã hội xung quanh.
Tham khảo phát biểu của tiến sĩ Elaine Aron về HSP- người nhạy cảm cao
Trắc nghiệm tính cách HSP người nhạy cảm cao
Nếu bạn đang băn khoăn “Liệu mình có phải là một HSP hay không”? Hãy cùng tham gia bài test trắc nghiệm tính cách HSP theo link dưới đây nhé.
Nếu trùng hợp từ 15 điểm trên tổng số 27 điểm thì có thể bạn là một HSP.
Theo kết quả trắc nghiệm, dù có phải là một HSP đi chăng nữa, bạn cũng hãy thoải mái tiếp nhận nó. Ngược lại, nếu không phải là một HSP, chúng ta có thể học cách tương tác với tính khí của một HSP vì họ có thể là người thân, là bạn bè xung quanh của chúng ta?
Để kết luận mình có phải là một HSP hay không? Đầu tiên bạn cần nhận thức về nó, tìm hiểu thử các công tin liên quan đến nó, sau đó là nhờ đến tư vấn của bác sỹ.
Đặc điểm của người nhạy cảm cao
Một HSP có những đặc điểm dưới đây:
Xử lý kỹ lưỡng thông tin
Rất giỏi đọc vị không khí, con người, địa điểm nhưng khi đi sâu quá mức cần thiết sẽ khiến họ cảm thấy mệt mỏi.
Dễ nhạy cảm quá mức bởi tác động bên ngoài
Một HSP thường cực kỳ nhạy cảm, có xu hướng phản ứng quá mức khi tiếp nhận bằng cả 5 giác quan đối với môi trường xung quanh như đối với đám đông, tiếng ồn – ánh sáng, mùi vị của thức ăn, trang phục, sự thay đổi của khí hậu thời tiết. Ngoài ra, họ còn nhạy cảm với cảm xúc của đối phương, bầu không khí xung quanh.
Dễ đồng cảm
Một trong những đặc trưng nữa của một HSP là họ đọc được cảm xúc của bố mẹ và những người xung quanh, và thường so sánh với bản thân mình. Ngoài ra, khi đọc tiểu thuyết hay xem phim truyền hình, họ có xu hướng quá nhập tâm vào nhân vật trong tác phẩm.
Trái tim mỏng manh dễ vỡ
Ai cũng có một đường ranh giới của trái tim giống như đường biên giới để bạn được là chính mình. Những HSP, họ dễ bị tác động bởi người khác vì ranh giới trái tim của họ mỏng manh dễ vỡ. Mặc dù nhạy cảm và đồng cảm sâu sắc với cảm xúc của mọi người nhưng ngược lại việc đồng điệu quá mức, bị cuốn vào cảm xúc, suy nghĩ của đối phương dễ làm mất đi cá tính, màu sắc của bản thân.
Dễ mệt mỏi
Người thuộc HSP rất nhạy cảm với những kích thích từ môi trường xung quanh, họ dễ cảm thấy mệt mỏi. Họ thường có xu hướng quá để tâm đến những thứ xung quanh, dù thú vị nhưng cũng sẽ khiến họ cảm thấy mệt mỏi.
Không phải chỉ khi làm một việc gì đó mới dễ cảm thấy mệt mỏi. HSP thường thu thập các kích thích xung quanh như chiếc ăng ten vì vậy họ bị kiệt sức ngay cả khi ở chỗ đông người hay khi bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực của những người xung quanh.
Tự phủ nhận bản thân mạnh mẽ
Một HSP ngoài việc có cảm xúc tinh tế, không thuộc tuýp người hay chỉ trích đối phương trong mối quan hệ đối nhân xử thế. Họ tốt bụng và có xu hướng ưu tiên đối phương.
Mặt khác, họ để ý đến cảm xúc của đối phương, dù là việc rất nhỏ có xu hướng nhận lỗi về bản thân mình trước rằng: “Chẳng phải là do lỗi của mình hay sao”.
Những suy nghĩ tiêu cực khiến họ không tự tin vào bản thân, trở thành mục tiêu trêu trọc của người khác. Vì che giấu cảm xúc nên họ không thích giao tiếp với người khác, là một trong những đặc trưng tính cách của một HSP.
Nói một cách khác, chúng ta có thể hiểu HSP là những người có trạng thái Ăng-ten luôn bị kéo căng hơn so với người bình thường khác. Ăng-ten nhạy cảm có thể nắm bắt được cảm xúc của người khác qua hành động, cử chỉ nhỏ nhưng ngược lại vì nhạy cảm nên nó tiếp nhận quá nhiều thứ khác nhau khiến nó là yếu tố gây ra căng thẳng .
Người ta nhận thấy rằng, ở người Nhật thường có tỉ lệ HSP cao hơn so với các nước khác do ảnh hưởng của nền văn hóa.
Đương đầu với việc bạn là một HSP
Như đã đề cập ở trên, tỉ lệ số người thuộc HSP trên thế giới chiếm 20% dân số và họ là những người nhạy cảm cao, đó là bẩm sinh. Họ có suy nghĩ là mình khác biệt so với 80% còn lại của thế giới.
Trong cuộc sống có nhiều lúc cảm thấy đau khổ, phiền não, chán nản trong cuộc sống. Một HSP sẽ biết cách tiếp nhận và chế ngự được cảm xúc thì mọi thứ trong cuộc sống sẽ theo chiều hướng tốt.
Chấp nhận sự nhạy cảm như một phần của mình
Sự nhạy cảm khiến bạn đau khổ, tự ti, bởi vì bạn không chấp nhận nó, bạn thấy nó xấu xí và đáng kinh tởm, coi nó như một thứ khuyết tật trên người mình vậy. Chỉ khi bạn biết cách chấp nhận, yêu thương và sống chung với nó, bạn mới có thể có được sự tự tin, lạc quan như bạn muốn.
Chế ngự cảm xúc
HSP phải học cách tự bảo vệ mình, cách đối mặt với những lời chỉ trích, những thất bại, nếu không sẽ rất dễ ngã gục. Sếp mắng, bạn bè chê cười, bị bồ đá,…đừng vội phiền não. Thay vì cảm thấy tự ái thì hãy tiếp thu rồi làm sao để mình tốt hơn mỗi ngày, đó mới là điều HSP nên làm, phải làm.
Hãy tạo cho mình lối sống tích cực và một vài sở thích cá nhân
Hãy chơi với những người bạn có lối sống tích cực, an ngủ đúng giờ, chơi thể dục thể thao. Chơi thể thao vừa nâng cao sức khỏe vừa giải tỏa được stress. Ngoài ra đọc sách, chơi đàn, học vẽ, học viết… Những thứ đó khiến bạn không bao giờ cảm thấy buồn chán. Đọc nhiều không chỉ giúp hiểu hơn về thế giới, về những người xung quanh mà còn hiểu hơn về chính bản thân mình nữa.
HSP không phải là khuyết điểm mà là món quà
Về cơ bản, khi bộ não nhận thông tin, nó sẽ tiến hành xử lý các thông tin đó qua các bộ lọc và nhận thức về môi trường xung quanh. Người nhạy cảm cao đơn giản là có nhiều bộ lọc này hơn so với những người khác.
Ưu điểm của người nhạy cảm cao:
- Mô tả tốt hơn người bình thường về các lỗi sai và điểm khác biệt.
- Rất tỉ mỉ.
- Rất sáng tạo.
- Tập trung cao độ.
- Nhận ra được những thay đổi dù nhỏ của môi trường
- Xử lý kỹ lưỡng thông tin đầu vào.
- Nhận thức sâu sắc về những suy nghĩ cá nhân và tình trạng cơ thể.
- Để ý tới việc giúp đỡ người khác.
Vì vậy “Nhạy cảm cao” hay “Cực kỳ nhạy cảm” không phải là một chứng rối loạn tâm lý, cũng không phải là rối loạn thần kinh. HSP là một món quà, nếu chúng ta biết tiết chế nó một cách hợp lý sẽ giúp phát huy điểm mạnh của bản thân.
Các công việc phù hợp với người siêu nhạy cảm
– Thích giúp đỡ con người, động vật, môi trường: Có thể lựa chọn những công việc liên quan như các tổ chức về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường hay các tổ chức từ thiện,…
– Có khả năng nắm bắt cảm xúc cũng như lắng nghe những chia sẻ, tâm sự của người khác: Công việc như tư vấn, bác sĩ tâm lý, …
– Có khả năng giảng giải, truyền đạt thông tin, ngôn ngữ phức tạp một cách dễ hiểu hơn: Công việc phù hợp như giáo viên, nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch,…
– Muốn chăm sóc mọi người xung quanh: Công việc phù hợp như y tá, hộ lý, bác sĩ, bác sĩ thú y,…
– Mô tả tốt hơn người bình thường về các lỗi sai và điểm khác biệt, rất tỉ mỉ, rất sáng tạo, tập trung cao: Phù hợp khi lựa chọn các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Viết code là quá trình đòi hỏi sáng tạo, là việc mà một người có khả năng chi tiết và trực giác mạnh mẽ thực hiện tốt nhất. Điều đó có nghĩa là những người nhạy cảm cao có lợi thế đặc biệt khi là một kỹ sư phần mềm, lập trình ứng dụng điện thoại, thiết kế trang web… Phần lớn những ngành nghề thuộc về công nghệ thông tin không quá câu nệ về phong cách do đó có thể tạo ra bầu không khí làm việc thoải mái và độc lập hơn.
Sách dành cho người nhạy cảm
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu 7 cuốn sách dành cho người nhạy cảm hiểu thấu chính mình.
- Người Nhạy Cảm – Món Quà Hay Lời Nguyền Link mua sách
- Đừng Tủi Thân Link mua sách
- Trí Tuệ Xúc Cảm Link mua sách
- Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn Link mua sách
- Món quà của sự không hoàn hảo Link mua sách
- Phi Lý Trí Link mua sách
- Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông Link mua sách
Tổng kết
Dễ mệt mỏi, dễ chán nản là những biểu hiện mà nếu kéo dài sẽ gây ra stress và thêm nữa có thể gây ra những biểu hiện bất thường về mặt tâm sinh lý của con người. Dễ mệt mỏi, dễ chán nản có thể là biểu hiện chứng tỏ bạn là một người nhạy cảm cao (HSP).
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu thuật ngữ người nhạy cảm cao, những đặc trưng để nhận biết HSP và bài trắc nghiệm tính cách HSP người nhạy cảm cao. Nếu là một HSP, thông qua bài viết hi vọng phần nào giúp bạn hiểu thêm về bản thân, có những biện pháp để kiểm soát cảm xúc cũng như phát huy những ưu điểm mà một HSP có và trở thành một HSP thật “Cool”. Ngược lại, nếu không phải một HSP, đây cũng là thông tin hữu ích giúp bạn học cách tương tác tốt với tính khí của một HSP.