Từng là một cựu sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật, từng trải nghiệm cuộc sống thực tế tại Nhật qua quãng thời gian một năm thực tập, đang làm việc tại một công ty Nhật thì đây có lẽ là những điều từ đáy lòng mình tôi muốn chia sẻ với các bạn sinh viên năm cuối chuyên ngành tiếng Nhật – thế hệ mà chắc chỉ một vài tháng nữa thôi có thể sẽ trở thành đồng nghiệp của mình.
Hành trình từ khi bắt đầu học tiếng Nhật – tốt nghiệp – làm việc trong công ty Nhật là một hành trình theo mình cảm nhận đều là những con dốc, nhưng con dốc cao tới đâu và vượt qua nó như thế nào có lẽ chỉ bản thân bạn mới biết rõ, còn những gì người ngoài trông thấy chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.
Về kinh nghiệm đi làm cho nhân viên mới, mình đã từng chia sẻ qua bài viết “Nhân viên mới vào công ty Nhật cần lưu ý điều gì?“, các bạn có thể tìm đọc và tham khảo trước khi đi xin việc nhé. Còn bài viết ngày hôm nay, điều mình muốn chia sẻ là lối suy nghĩ và định hướng cho con đường tương lai nếu bạn chọn tiếng Nhật là “người bạn đồng hành”.
Tiếng Nhật là kỹ năng để bạn tồn tại
Dĩ nhiên, ngoài những kỹ năng mềm cần có, thì bạn nên ưu tiên và dành thời gian nhiều nhất cho tiếng Nhật. Có thể không ngoa khi nói rằng, tiếng Nhật sẽ là “lẽ sống để bạn tồn tại”. Bởi lẽ nếu tiếng không tốt chẳng khác gì bạn đang là một chú cá con bơi giữa biển lớn cả. Một câu hiểu sai nghĩa, một mệnh lệnh không được thông suốt sẽ dẫn tới một kết quả không thể lường trước được.
Sau khi đi làm, khoảng thời gian bạn dành cho tiếng Nhật chủ yếu là thời gian ở trên công ty, qua mỗi công việc lại là một bài học mới về tiếng Nhật chứ không còn là những cô / cậu mọt sách ngày ngày cắm cúi vào những trang sách quyển vở để nhồi nhét tiếng Nhật nữa. Để tránh những căng thẳng dồn nén, hãy chia nhỏ các mục cần học và tranh thủ mỗi ngày khoảng 30 phút tới 1 tiếng để hoàn thành mục tiêu của mình.
Và tới lúc này, phần bạn nên lưu tâm là tiếng Nhật business – tiếng Nhật dùng trong công việc, các cấu trúc câu và từ vựng thường dùng trong văn phòng, cũng như các mẫu email cho đối tác và báo cáo cho cấp trên.
Trình độ tiếng Nhật không thể hiện qua tấm bằng bạn đang sở hữu
Các kỳ thi tiếng Nhật hiện tại đều chỉ tổ chức với hình thức thi trên giấy kiểm tra trình độ của người học qua các phần thi : chữ Hán, từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu, nghe hiểu. Do đó phần nào chưa thể đánh giá một cách khách quan năng lực của người học.
Tới khi đi làm, truyền đạt ra sao để cấp trên và đồng nghiệp dễ hiểu nhất? Đối ứng mail ra sao với đối tác hay dịch ra sao để câu văn trở nên thuần Việt nhất có thể mới là những việc bạn cần lưu tâm. Qủa thực để đạt được những tấm bằng N1, N2 là bao mồ hôi công sức cũng như sự cố gắng miệt mài của các bạn nhưng nếu không vận dụng được tiếng Nhật một cách thực tế thì họa chăng tấm bằng đang nằm sai vị trí và giảm đi khá nhiều ý nghĩa.
Vì đi làm là một cuộc trải nghiệm…
Dĩ nhiên, cuộc trải nghiệm nào thì cũng đáng mong chờ và hành trình nào thì cũng có niềm vui cộng với cả nỗi buồn nữa. Và cuộc hành trình từ khi tốt nghiệp tới lúc đi làm có lẽ mình sẽ mãi chẳng bao giờ quên. Đâu đó mình có được nghe người ta nói rằng “Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia rất giống nhau nên mới duy trì được mối quan hệ hữu hảo như vậy”, nhưng đi làm rồi mình mới nhận thấy “Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia khác xa nhau mới đúng chứ”.
Mình không đánh đồng tất cả nhưng đa phần người Việt Nam thì xuề xòa, làm mọi việc một cách qua loa miễn sao có thể hoàn thành công việc, còn người Nhật thì tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ và với họ công việc có lẽ là mục tiêu cao cả nhất trên cuộc đời này. Dĩ nhiên, công việc là bước hiện thực hóa giúp bạn có kinh tế để lo cho cuộc sống nhưng đó không phải là tất cả mục đích của việc đi làm. Làm việc là để trau dồi bản thân, học hỏi thêm những điều mới, tiếp xúc với những người có tư duy giúp bạn tiến bộ, tìm được mục đích sống và cuối cùng mới là kiếm tiền.
Bước chân vào doanh nghiệp Nhật Bản – nơi đề cao tinh thần tập thể và tác phong cũng như nội quy chặt chẽ sẽ đôi khi làm bạn rất khó chịu vì như bị bó buộc trong một thế giới khác nhưng sẽ là một địa điểm lý tưởng để bạn trải nghiệm những va vấp, học cách đứng lên và trưởng thành hơn.
Lắng nghe và chia sẻ là điều người Nhật luôn mong muốn ở bạn
Lằng nghe và chia sẻ là 2 điều mình nhận ra rõ nhất khi làm việc cùng người Nhật. Nếu có ý kiến cho rằng người Nhật khô khan, chỉ biết làm theo nguyên tắc thì xin bác bỏ 50% luận điểm này. Đúng là họ luôn chỉ biết làm theo quy tắc và nội quy nhưng trong bất cứ trường hợp nào cần phải thảo luận cùng nhau thì người Nhật cực kỳ biết lắng nghe và tỏ ra rất có thiện chí với ý kiến của bạn. Họ luôn mong muốn bạn nói ra suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn để cùng tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề chứ không hề hướng tới việc quan hệ cấp trên – cấp dưới gây trở ngại, không dám chia sẻ sự thật dẫn tới vấn đề không được giải quyết.
Lắng nghe và chia sẻ là 2 điều không chỉ trong công việc mà có lẽ bạn còn phải học tập cả trong cuộc sống. Và bước chân vào công ty Nhật chắc hẳn là môi trường tuyệt vời để bạn hiện thực hóa các kỹ năng này.
Tổng kết
Chắc chắn tới khi nào còn sức lực, thì khi ấy tôi vẫn gắn bó với các công ty Nhật, bởi con đường tôi và các bạn chọn đều đang gắn với 2 từ “Nhật Bản” và “tiếng Nhật”. Có thể sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ có những con đường khác nhau chứ không phải tất cả đều theo số đông là đi làm ở công ty Nhật. Nhưng dù ở bất cứ lựa chọn nào, cũng đừng quên những tiếng Nhật, quên đi văn hóa Nhật các bạn được học trên giảng đường Đại học nhé. Không ít thì nhiều, chắc chắn nó sẽ giúp ích cho tương lai và cải thiện những tính cách thiếu sót chính trong con người bạn.