Các bạn đã từng nghe nói đến “bệnh dị ứng phấn hoa” bao giờ chưa ạ? Tháng 3 tới tháng 4 hàng năm ở Nhật, khi thời tiết bắt đầu ấm dần lên cũng là thời điểm bạn sẽ thấy đa phần người Nhật ra đường đều đeo khẩu trang. Bạn đang nghĩ tới việc họ phòng cúm ư? Không đâu, mọi người đeo để tránh hít phải bụi phấn hoa đó.
Căn bệnh này không có gì là đáng sợ nhưng gây rất nhiều phiền toái cho chính bản thân người mắc và cả những người xung quanh. Vậy hôm nay hãy cùng jNavi tìm hiểu xem rốt cuộc căn bệnh này như thế nào và cách phòng tránh nó nhé.
Nguyên nhân gây bệnh dị ứng phấn hoa?
Dị ứng phấn hoa trong tiếng Nhật gọi là 花粉症
Kết thúc mùa đông lạnh giá với tuyết rơi dày thì tháng 3~ tháng 4 hàng năm ở Nhật được coi là mùa xuân với tiết trời ấm áp, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hoa bước vào mùa nở rộ. Đây cũng chính là lúc các loại phấn hoa có cơ hội phát tán đi khắp nơi, gây nên “bệnh dị ứng phấn hoa” cho rất nhiều người.
Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ bụi phấn của cây tuyết tùng (杉) – một loại cây lấy gỗ của Nhật hoặc cây gỗ bách xoắn Hinoki. Các loại cây này thụ phấn nhờ gió, những đợt gió mạnh thổi qua khiến phấn hoa tuyết tùng bị cuốn theo, hòa lẫn vào trong không khí gây nên các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, ngạt mũi, khó thở. Các triệu chứng trên xuất hiện khi virus hoặc các yếu tố môi trường khác xâm nhập vào cơ thể những người mẫn cảm qua đường hô hấp, mũi, miệng.
Năm 1964 là lần đầu tiên Nhật Bản xác nhận có người mắc bệnh dị ứng liên quan đến hoa tuyết tùng. Và kể từ đó, mỗi năm lượng người mắc bệnh dị ứng phấn hoa không ngừng gia tăng, tới nay ước đạt khoảng 30 triệu người. Nghĩa là cứ 4 người thì sẽ có một người mắc bệnh dị ứng phấn hoa, đặc biệt rơi vào đối tượng những người trung niên và trẻ tuổi.
Thông thường thì những người mới tới Nhật sẽ không bị mắc bệnh này nhưng sau một thời gian sống ở Nhật, miễn dịch cơ thể với phấn hoa trở nên yếu dần và lượng phấn hoa tiếp xúc qua mỗi năm dần tăng lên nên sau một vài năm cơ thể cũng sẽ trở nên mẫn cảm với phấn hoa và bị mắc bệnh này như người bản xứ.
Các triệu chứng bệnh dị ứng phấn hoa
Có rất nhiều người nhầm lẫn căn bệnh này với bệnh cảm thông thường do khá giống nhau về triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh dị ứng lớn hơn về tiết diện tiếp xúc bởi gây dị ứng ở cả mũi, họng và mắt.
- Mũi : sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, những bệnh nhân nặng có thể bị chảy máu mũi
- Họng : gây ngứa và đau rát cổ họng
- Mắt : ngứa và gây chảy nước mắt, nếu nặng có thể gây sưng phù vùng mắt
Điều trị dị ứng phấn hoa như thế nào?
Trong những năm gần đây, để ngăn chặn việc mắc bệnh dị ứng phấn hoa, người Nhật thường áp dụng phương pháp uống thuốc phòng bệnh trước khi lượng phấn hoa tăng lên. Khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 (khi lượng phấn hoa chưa phát tán) bạn nên tới các phòng khám tai – mũi – họng để nhận thuốc uống tăng sức đề kháng nhằm ngăn chặn mắc bệnh dị ứng phấn hoa. Sau khi nhận thuốc, bạn cần uống thuốc hàng ngày theo đúng liều lượng cũng như chỉ định của bác sỹ, miễn dịch cơ thể có thể sẽ quen dần với phấn hoa và không còn gây dị ứng khó chịu.
Còn nếu đã mắc phải các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa như ở trên, hãy lập tức tới bệnh viện.
- Nếu chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi hãy tới Khoa Tai Mũi ( 耳鼻科)
- Nếu có thêm triệu chứng đau họng hãy tới Khoa Tai Mũi Họng (耳鼻咽喉科)
- Nếu ngứa, đau mắt hoặc khó chịu ở mắt hãy tới Khoa Mắt (眼科)
- Nếu ngứa hoặc gây khô da hãy tới Khoa Da liễu (皮膚科)
- Nếu có thêm các triệu chứng khác hãy tới Khoa Dị ứng (アレルギー科)
Các biện pháp phòng tránh bệnh dị ứng phấn hoa
- Đeo khẩu trang y tế : Do số lượng người Nhật đeo khẩu trang y tế khá nhiều nên công nghệ làm khẩu trang phòng chống virus của Nhật cũng khá phát triển. Có rất nhiều loại khẩu trang được tung ra thị trường nhằm mục đích phòng bệnh “dị ứng phấn hoa”. Bạn có thể tìm mua tại các siêu thị hoặc nhà thuốc trên toàn quốc nhé.
- Sử dụng các sản phẩm xịt chống phấn hoa : Có rất nhiều sản phẩm xịt chống phấn hoa với thành phần an toàn sử dụng được cho cả trẻ em và phụ nữ mang thai.
- Sử dụng thuốc xịt mũi : Các loại thuốc xịt rửa mũi được bán tại các nhà thuốc được khuyến khích sử dụng mỗi ngày để rửa trôi lượng phấn hoa hít phải.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt : Nhằm làm giảm các triệu chứng ngứa và cay mắt do phấn hoa, các loại thuốc nhỏ mắt chuyên dụng cũng được khuyên dùng.
- Thuốc giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng : Nếu các loại thuốc xịt không hiệu quả bạn có thể tìm thêm các loại thuốc uống được bán rộng rãi tại các nhà thuốc ở Nhật.
- Kính chống phấn hoa : Đây là một sản phẩm độc đáo đặc trưng riêng cho mùa phấn hoa hoành hành của hãng J!NS và hãng ZOFF
Ngoài ra, hãy luôn nhớ giữ gìn vệ sinh cho cơ thể bằng cách luôn giữ sạch chân tay và lập tức thay quần áo khi đi từ bên ngoài trở về nhà. Cũng đừng quên rũ sạch quần áo trước khi giặt để chắc chắn rằng bụi phấn hoa không còn dính lại nhé.
Chúc các bạn luôn đảm bảo sức khỏe và không bị bụi phấn hoa “làm phiền” nhé.