Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ② Tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp và “hậu bối”

Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ② Tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp và “hậu bối”

“Công tư phân minh”

Dù có thân thiết với nhau tới cỡ nào thì phân biệt việc công và chuyện tư là điều vô cùng cần thiết trong công việc. Nếu là đồng nghiệp, thì chắc hẳn bạn và những người đồng nghiệp đã có mốc thời gian vào công ty cùng nhau, đã cùng nhau trải qua những khó khăn bước đầu nên có cơ hội để thân thiết với nhau nhiều hơn so với những nhân viên khác trong công ty.

Tuy nhiên, dù thân thiết tới cỡ nào thì việc gọi nhau bằng “biệt danh” hay công khai những chuyện cá nhân của nhau tại cơ quan là điều tuyệt đối cấm. Vì từ những câu chuyện như vậy, các cá nhân có sự hiểu lầm lẫn nhau và có thể dẫn tới tình trạng “xin thôi việc”. Xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên lẫn nhau là sự trợ giúp đắc lực giúp gắn kết tinh thần làm việc “team work”, đẩy cao tiến độ và hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, nếu có các “hậu bối” (những người gia nhập công ty sau mình) vào công ty, hãy nhớ lại khoảng thời gian bắt đầu đầy khó khăn của bạn và cố gắng giúp đỡ người đến sau. Tôi tin từ những cơ hội như vậy, tình đồng nghiệp trong công ty sẽ trở nên thân mật hơn. Chẳng ai trong chúng ta muốn đi làm tại một công ty mà mối quan hệ giữa các nhân viên luôn ở trong trạng thái căng thẳng phải không nào?

Cách gây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp

Biết rõ nghi thức về lễ nghi

Mặc dù khởi điểm là giống nhau, nhưng hãy tôn trọng người đồng nghiệp và thực hiện lễ nghi chào hỏi như cấp trên hay tiền bối. Cảm ơn vì họ đã luôn chăm sóc, giúp đỡ hoặc thành thật xin lỗi khi đã gây ra điều gì phiền phức.

Phân biệt “chuyện công và việc tư” rõ ràng

Dù mối quan hệ có thân thiết tới đâu thì trong công sở, hãy tuân thủ theo đúng quy tắc của người Nhật, gọi nhau bằng “họ” chứ không gọi tên trực tiếp. Hơn nữa trong khi đang làm việc, tuyệt đối tránh đề cập đến các câu chuyện đời tư cá nhân, làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc.

Giúp đỡ lẫn nhau

Do khởi điểm là giống nhau nên những người vào công ty cùng một thời điểm rất dễ để có thể cùng nhau nỗ lực và trưởng thành. Hãy luôn cố gắng khích lệ và giúp đỡ nhau trong công việc các bạn nhé!

Không vay mượn

Việc vay, mượn tiền đồng nghiệp chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Hoặc ngoài vấn đề tiền bạc, trong công việc không phải lúc nào cũng chỉ nhận sự giúp đỡ từ một phía mà phải có sự tương tác lẫn nhau giữa hai bên. Do đó, đừng “vay mượn” kể cả trong công việc nhé.

Cách tiếp xúc và chỉ đạo “hậu bối”

Chủ động nói chuyện

Để giúp cho người vào sau có thể nhanh chóng bắt nhịp được với công việc ở công ty, hãy chủ động bắt chuyện với người đó và định hướng câu chuyện để hai bên nhanh chóng kết thân với nhau.

Theo dõi, bảo ban trong khoảng thời gian dài

Nhớ lại chính bản thân mình trong khoảng thời gian đầu khi mới gia nhập công ty. Tuyệt đối không làm cho đối phương cảm thấy lo lắng, sốt ruột hay chen ngang vào công việc của họ. Không trách mắng khi họ mắc lỗi mà cùng nhau suy nghĩ cách giải quyết vấn đề.

Đưa ra những chỉ đạo rõ ràng

Chỉ đạo của cấp trên xuống cấp dưới hay của tiền bối với hậu bối trong công ty là điều cơ bản dễ gặp. Trong trường hợp muốn nhờ vả một công việc nào đó, hãy chia sẻ toàn bộ vấn đề và nói rõ sẽ nhờ làm phần nào, mục nào. Do người mới vào công ty có thể còn thiếu kinh nghiệm và chưa bắt nhịp được với môi trường làm việc mới nên bất cứ chỉ đạo nào đều phải truyền đạt một cách rõ ràng.

Chung sức giúp đỡ lẫn nhau

Các bạn mới vào công ty thường có xu hướng quan sát mọi người xung quanh và học hỏi kinh nghiệm. Nếu có thể hãy góp sức giúp đỡ các nhân viên mới và biết đâu, bạn cũng có thể học hỏi thêm nhiều điều cho bản thân thì sao nhỉ?

Chú ý : Có một điều tuyệt đối không được làm đó là “So sánh nhân viên mới này với nhân viên mới khác”. Khi trao đổi cùng các nhân viên mới, hãy thẳng thắn bày tỏ quan điểm, khen những điểm tốt và chú ý những điểm cần khắc phục. Tuyệt đối không áp đặt, không cho đối phương cơ hội giải thích và so sánh với những nhân viên khác trong công ty.

Chia sẻ từ những người trong cuộc

“Dừng ngay việc giao tiếp như bạn bè trước mặt khách hàng” – đó là chia sẻ của cô A, 30 tuổi, nhân viên thiết kế và quảng cáo.

Cô chia sẻ :”Dù có thân thiết với nhau tới chừng nào, tôi nghĩ là cũng nên loại bỏ cách xưng hô như bạn bè bên ngoài hay sử dụng những ngôn từ không phù hợp nơi công sở. Nhất định phải thay đổi suy nghĩ của những bạn trẻ ấy. Công ty là nơi làm việc chứ không phải nơi chỉ tới để chơi. Đặc biệt, tôi muốn các bạn chú ý điều này khi đứng trước mặt khách hàng”.

Cô cũng chia sẻ, cô đã từng gặp trường hợp nhân viên của công ty đối tác nói chuyện với đồng nghiệp trước mặt khách hàng như sau :”Ê, không phải hôm qua cái B nó chuẩn bị tài liệu hết rồi à? Đi lấy mang lại đây cho tao đi”. Và người sếp của cô nhân viên đó cảm thấy vô cùng xấu hổ trước mặt khách hàng như thể chỉ muốn có cái lỗ nào để chui xuống. Và những hành động hay câu nói như vậy trước mặt khách hàng là vô cùng thất lễ.

Duy trì một mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp ở công ty chính là liều thuốc bổ mỗi ngày giúp bạn có động lực đi làm và tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, hãy trở thành những người đồng nghiệp và tiền bối biết giúp đỡ những người xung quanh chứ đừng thu mình một góc riêng và thay đổi thái độ theo cảm xúc nhé.