Bí quyết thành công của người Nhật là gì?

Bí quyết thành công của người Nhật là gì?

Là một nhân viên công ty Nhật, là một người theo học tiếng Nhật đã bao giờ bạn tự hỏi “Liệu một đất nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản nhưng tại sao vẫn khiến cả thế giới nể mình khán phục?”. Sự thành công của đất nước Nhật Bản nói chung và những người Nhật Bản nói riêng tới từ đâu xuất phát từ nguyên do nào? Từ góc nhìn của một người Việt Nam từng sống tại Nhật Bản và đang làm việc tại một công ty Nhật, tôi xin được chia sẻ cùng các bạn qua bài viết ngày hôm nay.

Sự đúng giờ

Người Nhật rất nghiêm khắc với bản thân về vấn đề giờ giấc. Đó chính là một đức tính tốt thể hiện sự coi trọng công việc và thái độ tôn trọng người khác.

Việc tới đúng giờ ở đây không phải là tới chính xác so với giờ hẹn mà định nghĩa đúng giờ của người Nhật là tới sớm 5 hoặc 10 phút so với giờ đã hẹn trước. Không chỉ có con người luôn tuân thủ mọi cách nghiêm ngặt quy định ấy mà đến cả các phương tiện giao thông như tàu hỏa hay xe buýt cũng tuyệt đối tuân thủ giờ giấc, hiếm khi thấy các phương tiện giao thông tại Nhật Bản chậm giờ trừ trường hợp ảnh hưởng bởi các phương tiện giao thông.

Tôn trọng và giữ lời

Nhật Bản được xem là đất nước có tỉ lệ người nói lời “Cảm ơn” và “Xin lỗi” nhiều nhất trên thế giới. Mọi tầng lớp trong xã hội Nhật Bản đều thể hiện sự tôn trọng nhau qua những cử chỉ nhỏ nhất trong đời sống, chẳng hạn như cái cúi đầu chào nhau, những nụ cười chào hỏi khi gặp mặt hay sự thân thiện khi trao đổi hay bàn bạc công chuyện. Xin nhớ “nâng cao giá trị của người khác cũng là một cách để nâng tầm giá trị bản thân”.

Việc nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” là một hành động bày tỏ sự trân trọng và đề cao mối quan hệ với đối phương. Chính vì lẽ đó các bạn có thể thấy các công ty Nhật Bản thường có sự kết nối và cộng tác với nhau rất tốt trong công việc.

Nghiêm túc và cẩn thận

Nếu là một nhân viên trong công ty Nhật, chắc hẳn bạn sẽ để ý thấy các đồng nghiệp hay cấp trên người Nhật luôn là những người rất chỉn chu và cẩn thận trong công việc. Trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, họ luôn rất cẩn thận xem xét kĩ vấn đề trước và sau khi làm.

Ngoài ra một khi đã bắt đầu công việc họ luôn dành toàn bộ tâm trí và sức lực của mình để hoàn thành công việc được giao một cách nhanh và chính xác nhất. Đôi khi sự quá nghiêm túc và cẩn thận trong công việc của người Nhật bị đánh giá là một hành động cực đoan nhưng chính điều đó lại là một bí quyết tạo nên những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới.

Kỹ lưỡng và chu đáo

Ngày còn ở bên Nhật, tôi làm công việc tiếp đón trong một khách sạn và luôn được chủ khách sạn cũng như các đồng nghiệp căn dặn “Phải đứng vẫy tay chào khách tới khi không còn thấy bóng xe của khách nữa”, dù trời nắng , mưa hay tuyết rơi hành động tiễn khách đó đều được thực hiện mỗi ngày, điều này để thấy được sự chu đáo của người Nhật.

Ngoài ra trong các công ty Nhật, trước khi tiếp nhận một nhân viên mới, máy tính cá nhân hay các dụng cụ văn phòng cho người đó đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhằm giúp nhân viên mới có sự hòa hợp và bắt nhịp với công việc mới một cách nhanh chóng và thoải mái nhất.

Luôn chủ động trong giải quyết công việc

Văn hóa Ho – Ren – So của Nhật được nhắc tới trong bài viết “Điểm đặc trưng trong doanh nghiệp Nhật Bản : Văn hóa Ho – Ren – So” là một nét văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản mà các bạn cần ghi nhớ. Để công việc có thể diễn ra một cách trôi chảy, việc liên tục cập nhật tình hình bằng cách báo cáo vấn đề đã và đang làm gì? Hay liên lạc báo cáo kết quả công việc và thảo luận các bước tiếp theo luôn là việc các nhân viên công ty Nhật phải ghi nhớ và được cấp trên đánh giá rất cao.

Nếu kịp thời báo cáo và trao đổi công việc, bạn sẽ là người luôn biết mình đang gặp khó khăn và khúc mắc ở đâu để gỡ rối thì tin tôi đi sau một thời gian quen với nhịp độ công việc, bạn sẽ trở thành một người luôn biết chủ động giải quyết công việc của mình và biết phải làm gì tiếp theo.

Ngăn nắp và khoa học

5S là tên của một phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc. Nó được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật gồm: Seiri (整理 Sàng lọc), Seiton (整頓 Sắp xếp), Seiso (清掃 Sạch sẽ), Seiketsu (清潔 Săn sóc), và Shitsuke (躾 Sẵn sàng).

  • Sàng lọc: có nghĩa là phân loại, tổ chức các vật dụng theo trật tự. Đây chính là bước đầu tiên doanh nghiệp cần làm trong thực hành 5S. Nội dung chính là phân loại, di dời những thứ không cần thiết, có thể bán đi hoặc tái sử dụng.
  • Sắp xếp: Sau khi đã loại bỏ các vật dụng không cần thiết thì công việc tiếp theo là tổ chức các vật dụng còn lại một cách hiệu quả theo tiêu chí dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ trả lại.
  • Sạch sẽ: Thường xuyên vệ sinh,giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ thông qua việc tổ chức vệ sinh tổng thể và tổ chức vệ sinh hàng ngày máy móc vật dụng và khu làm việc. Điều này hướng tới cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu rủi ro, tai nạn đồng thời nâng cao tính chính xác của máy móc thiết bị (do ảnh hưởng của bụi bẩn).
  • Săn sóc: Luôn luôn kiểm tra, duy trì 3S ở trên. Bằng việc phát triển việc này, các hoạt động vệ sinh sẽ được cải tiến dần dựa theo tiêu chuẩn đã đặt ra và tiến tới hoàn thiện 5S trong doanh nghiệp.
  • Sẵn sàng: Nghĩa là rèn luyện, tạo nên một thói quen, nề nếp, tác phong cho mọi người trong thực hiện 5S.

Liên tục cải tiến và không ngừng học hỏi

Bước tiến không ngừng của kinh tế Nhật Bản một phần chính là nhờ vào sự chuyên cần và không ngừng cải tiến cũng như cập nhật những gì mới và tiên tiến nhất trên thế giới. Việc cải tiến liên tục đem lại một nguồn lợi không hề nhỏ cho doanh nghiệp vì sẽ giảm bớt được giá thành sản xuất và cải thiện năng suất làm việc. Hơn nữa điều này cũng giúp cách doanh nghiệp “làm mới mình”, tránh khỏi những lối mòn làm giảm hiệu suất công việc.

Tổng kết

Trên đây là cảm nhận của tôi về người Nhật sau khi đã có khoảng thời gian làm việc chung cùng với người Nhật. Dĩ nhiên ngoài những yếu tố đó, quan trọng nhất là “Chăm chỉ, kiên trì và không sợ thất bại”. Tùy từng môi trường công ty và văn hóa doanh nghiệp, hãy cố gắng thích nghi và không ngừng làm mới mình mỗi ngày nhé!