Bị ốm và phải nghỉ làm dài ngày là điều không ai mong muốn và gây ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống cũng như công việc của mỗi người. Ở Việt Nam hay Nhật Bản đều có chế độ nghỉ phép cho người lao động tương xứng với thâm niên và thỏa thuận giữa họ và công ty. Tuy nhiên, có những trường hợp người lao động gặp nhiều căn bệnh nặng, phải nghỉ dài ngày vượt quá có cả số ngày phép đang có để điều trị bệnh.
Nghỉ làm không lương, áp lực từ chi phí chữa bệnh và trang trải cuộc sống là điều khiến các lao động nước ngoài ở Nhật thực sự lo lắng. Vậy đâu là giải pháp trong trường hợp này? Để phòng tránh việc đánh mất quyền lợi của chính bản thân mình, hãy cùng xem “Cách xin trợ cấp khi nghỉ ốm dài ngày ở Nhật” qua bài viết này nhé!
Trợ cấp đau ốm là gì?
Trợ cấp ốm đau (傷病手当金) là tiền trợ cấp bạn nhận được khi nghỉ ốm do bị thương hay bị bệnh phải nhập viện điều trị hoặc an dưỡng tại nhà theo chỉ định của bác sĩ ít nhất từ 4 ngày trở lên và được bác sĩ chứng nhận không đủ điều kiện sức khoẻ để đi làm.
Nếu là bị bệnh hay bị thương trong quá trình làm việc (tại nạn lao động) thì sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động (労働災害保険) chứ không nhận trợ cấp nghỉ ốm dài ngày của bảo hiểm xã hội (社会保険).
Và một lưu ý quan trọng khác, đó là chỉ có những người đang đi làm và đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng trợ cấp này. Còn những người chỉ làm trong công ty tư nhân và chỉ đóng bảo hiểm quốc dân thì sẽ KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP NÀY.
Như vậy tổng kết lại, để có thể nhận được trợ cấp ốm đau cần đáp ứng đủ các điều kiện sau :
- Bị thương / bị bệnh không phải do công việc
- Nghỉ việc trên 4 ngày để phục vụ cho việc điều trị bệnh
- Không có thu nhập trong khoảng thời gian nghỉ điều trị này
- Được bác sĩ chứng nhận là không đủ điều kiện sức khỏe để làm việc trong thời gian này
Khoản tiền nhận trợ cấp ốm đau có thể nhận được và thời gian hưởng chế độ
Số tiền trợ cấp ốm đau bạn nhận được vào khoảng 2/3 tháng lương của bạn.
Công thức tính trợ cấp ốm đau như sau :
【Tiền lương trung bình trong 1 tháng của 12 tháng trước ngày nghỉ ốm】: (30 ngày) x 2/3 |
Để có thể nhận được trợ cấp trong khoảng thời gian này, bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau :
- Vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian ốm này
- Nếu công ty vẫn chi trả một phần lương thì bạn sẽ không nhận được trợ cấp này (cần chứng minh không có thu nhập)
- Chỉ được nhận một khoản trợ cấp trong cùng một thời điểm. Ví dụ như bạn bị ốm trong thời gian nghỉ sinh con thì chỉ được chọn trợ cấp thai sản hoặc trợ cấp ốm đau. Hoặc nếu bạn bị ốm nặng buôc phải nghỉ việc thì sẽ không được hưởng trợ cấp ốm đau nữa mà phải xin trợ cấp thất nghiệp.
- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 1 năm
Tối đa bạn có thể nghỉ và được nhận trợ cấp ốm đau trong thời gian là 1 năm 6 tháng để nhập viện và chữa trị cho cùng một loại bệnh.
Thủ tục xin nhận trợ cấp ốm đau
Bước 1 : Liên hệ với phòng hành chính – nhân sự của công ty để xin hỗ trợ về việc hoàn thành thủ tục xin trợ cấp ốm đau
Bước 2 : Hoàn thành tờ khai của mẫu đơn xin trợ cấp (có thể in ra viết tay hoặc đánh máy đều được)
Tờ khai xin trợ cấp ốm đau
Tham khảo Mẫu tờ khai xin trợ cấp ốm đau
Bước 3 : Sau khi điền đầy đủ thông tin trong tờ khai, mang tới bệnh viện và xin chứng nhận của bác sĩ điều trị
Bước 4 : Nộp trực tiếp tại công ty bảo hiểm bạn đóng hoặc nộp thông qua phòng hành chính – nhân sự của công ty bạn đang làm việc
Bước 5 : Chờ công ty bảo hiểm duyệt đơn xác nhận và chuyển tiền trợ cấp cho bạn. Thời gian chờ là khoảng chừng 1 tháng để công ty bảo hiểm hoàn thành thủ tục và giấy tờ.
Tổng kết
Ốm đau dài ngày là điều không ai mong muốn cả, tuy nhiên khi ốm đau là lại được nhận trợ cấp từ chính các khoản bảo hiểm xã hội bạn vẫn đang đóng hàng thàng thì quả là một nguồn khích lệ tinh thần và hỗ trợ cho cuộc sống rất đáng quý trong thời điểm khó khăn phải không nào? Hãy lưu bài viết này lại ở một góc riêng nào đó và đề phòng các trường hợp bất trắc bạn phải sử dụng tới nó nhé.
Hy vọng các bạn luôn duy trì được sức khỏe ổn định trong những ngày tháng làm việc tại Nhật!
Nguồn tham khảo : Bài viết về Trợ cấp ốm đau – Hiệp hội bảo hiểm sức khỏe Nhật Bản (協会けんぽ)