Với những lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, việc hiểu rõ các hình thức tuyển dụng tại nước sở tại là vô cùng quan trọng vì việc này góp phần ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các bạn khi làm việc ở nước ngoài. Mỗi hình thức đều có những đặc trưng riêng cho cả nhà tuyển dụng cũng như người lao động. Hay có những bất cập riêng các bạn cần cân nhắc kỹ.
Hôm nay, jNavi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần biết trước mỗi hình thức tuyển dụng mà doanh nghiệp đưa ra để cân nhắc cho phù hợp nhé!
Các hình thức tuyển dụng ở Nhật Bản
Tại Nhật hiện áp dụng 2 hình thức làm việc chính là : Nhân viên chính thức và nhân viên không chính thức
Nhân viên chính thức
Trong tiếng Nhật gọi là 正社員 là hình thức tuyển dụng mà người lao động và doanh nghiệp tiếp nhận ký hợp đồng vô thời hạn với các điều khoản nhất định. Ngoài tiền lương chi trả hàng tháng theo đúng hợp đồng thì tiền lương sẽ còn tăng theo thâm niên làm việc hoặc theo đánh giá hiệu quả công việc (KPI). Tùy vào năng lực cũng như yêu cầu công việc mà có thể sẽ được đề cử lên các chức vụ cao và được hưởng các ưu đãi khác như sử dụng dịch vụ công ty với giá khuyến mại hay mua cổ phiếu của công ty…
Nhân viên không chính thức
Bao gồm các hình thức tuyển dụng sau :
- Nhân viên làm việc bán thời gian (part time)
- Nhân viên thời vụ
- Nhân viên hợp đồng
- Nhân viên phái cử
- Freelancer
Nhân viên làm việc bán thời gian (part time) được tuyển dụng trực tiếp bởi công ty cần nhân sự làm việc trong thời gian do công ty sắp xếp, tính tiền lương theo giờ.
Nhân viên thời vụ được tuyển dụng để làm việc trong một thời gian ngắn (tùy theo yêu cầu hoặc dự án của công ty), làm việc toàn thời gian và được tuyển dụng trực tiếp bởi công ty cần nhân sự.
Nhân viên hợp đồng làm việc theo thời gian ký hợp đồng (từ 6 tháng đến tối đa là 3 năm) làm việc toàn thời gian hoặc theo sự thỏa thuận giữa nhân sự và công ty và được tuyển dụng trực tiếp bởi công ty cần nhân sự. Những công việc đòi hỏi chuyên môn cao hoặc tuyển dụng những người trên 60 tuổi thì hợp đồng có thời hạn tối đa là 5 năm. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng theo thời gian trên, 2 bên sẽ thỏa thuận với nhau để đi tới thống nhất có tiếp tục gia hạn hợp đồng hay không.
Nhân viên phái cử là nhân sự nằm trong hệ thống của công ty tuyển dụng, khi các công ty khác cần nhân sự ở những vị trí nhất định thì công ty tuyển dụng sẽ đứng ở vị trí trung gian phái cử nhân viên đến làm việc cho công ty đó. Hợp đồng thường có thời hạn 6 tháng đến 3 năm tùy thuộc vào vị trí làm việc, sau khi kết thúc hợp đồng thì nhân viên phái cử sẽ được công ty tuyển dụng tìm cho một công việc khác.
Freelancer là những người làm việc độc lập, tự do, được trả tiền để thực hiện công việc của khách hàng, hợp đồng thường diễn ra trong một thời gian ngắn để có thể là vài ngày hoặc vài tháng. Đặc điểm của người hoạt động với hình thức freelancer là cung cấp dịch của mình và tự thỏa thuận thù lao với bên cần dịch vụ, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như IT, biên – phiên dịch…
So sánh nhân viên hợp đồng và nhân viên chính thức
Với người nước ngoài sang làm việc tại Nhật Bản, ngoài nhân viên bán thời gian dành cho các đối tượng du học sinh thì “Nhân viên hợp đồng” và “Nhân viên chính thức” là 2 hình thức được tuyển dụng nhiều nhất. Cùng so sánh xem giữa 2 hình thức này có những khác biệt gì nhé.
So sánh | Nhân viên chính thức | Nhân viên hợp đồng |
Thời hạn hợp đồng | Không có quy định cụ thể, nhân sự làm việc cho tới khi nghỉ hưu hoặc chuyển việc | Có thời gian quy định cụ thể (tối đa là 3 hoặc 5 năm) |
Thời gian làm việc | Làm theo quy định của công ty, thường trong giờ hành chính | Tùy theo yêu cầu của công ty, có sự thỏa thuận giữa công ty và người lao động |
Địa điểm làm việc | Phụ thuộc vào điều chuyển của công ty, có thể di chuyển sang các chi nhánh khác | Làm việc tại địa điểm ghi trong hợp đồng, thường không có sự dịch chuyển |
Chế độ thưởng | Tùy vào chế độ của từng doanh nghiệp | Chỉ thưởng theo năm (tùy vào công ty) hoặc không có chế độ thưởng cho nhân viên hợp đồng |
Thăng tiến và tăng lương | Xét tăng lương theo quy định về phúc lợi của công ty, có thể được thăng chức | Hầu như không được thăng chức do khả năng chuyển việc cao. Chế độ tăng lương tùy theo từng công ty, không cố định |
Bảo hiểm & trợ cấp | Tùy vào chế độ và phúc lợi của từng công ty | Chế độ trợ cấp và bảo hiểm thấp hơn nhân viên chính thức. Các trợ cấp như đi lại, nhà ở có thể không có hoặc rất thấp. |
Ưu và nhược điểm của 3 hình thức : Nhân viên chính thức – hợp đồng – phái cử
So sánh | Nhân viên chính thức | Nhân viên hợp đồng | Nhân viên phái cử |
Ưu điểm | Công việc đảm bảo duy trì ổn định, trừ trường hợp do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế hoặc dịch bệnh. Thu nhập ổn định, được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi của công ty. Có nhiều ngày nghỉ phép hơn so với các loại hình tuyển dụng còn lại. | Tuyển dụng dễ dàng hơn so với nhân viên chính thức. Ngoài ra, hợp đồng có kỳ hạn nên có thể thỏa thuận lại với công ty về lương và điều kiện làm việc khi gia hạn hợp đồng. Chủ động trong thời gian của bản thân. | Có cơ hội để trải nghiệm nhiều công việc mới, đặc biệt với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp do nhu cầu của công ty khách hàng. Được học hỏi kiến thức ở đa dạng các dự án và công ty khác nhau. |
Nhược điểm | Yêu cầu về trách nhiệm lớn, có thể bị điều chuyển sang chi nhánh hoặc bộ phận khác. Có thể phải làm thêm giờ tùy theo yêu cầu công việc. | Không ổn định bằng nhân viên chính thức, có thể phải tìm công việc mới khi thời hạn hợp đồng kết thúc do nhu cầu công việc của công ty liên quan tới nghiệp vụ của bạn đã hết hoặc hủy hợp đồng do không đáp ứng được yêu cầu công việc. Các khoản phúc lợi và trợ cấp xã hội thấp. | Công việc không ổn định và thường xuyên phải thay đổi, đòi hỏi việc liên tục phải học tập và làm quen với môi trường mới và thậm chí là cuộc sống mới ở địa phương khác. Khó đi sâu vào việc rèn luyện một kỹ năng nhất định. |
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ các hình thức tuyển dụng đang hiện hành ở Nhật Bản. Đứng trước mỗi công việc, hãy nhận định những điểm có lợi cũng như bất cập của nó nhé. Tùy vào mục đích của bản thân cũng như yêu cầu công việc của công ty, cân nhắc giữa 2 yếu tố đó cộng với khả năng của bạn để tìm được công việc phù hợp là vô cùng quan trọng, bởi mỗi hình thức đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Chúc các bạn ứng tuyển được một công việc phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai nhé.