Cửa hàng tiện lợi ở Nhật

Cửa hàng tiện lợi ở Nhật

Lần này, tôi xin chia sẻ với các bạn về “Cửa hàng tiện lợi” ở Nhật.

”Konbini” là từ rút gọn của từ Convenience Store trong tiếng Anh. Cửa hàng tiện lợi có thể trông thấy tại bất cứ thành phố nào của Nhật, nếu tới Nhật thì bạn cũng sẽ sử dụng cửa hàng tiện lợi đấy.

Trên toàn nước Nhật có tới hơn 50,000 của hàng tiện lợi. Đối với người Nhật, họ cho rằng cửa hàng tiện lợi là thứ gì đó ”không thể thiếu được” vì ở đó có tất cả những gì bạn cần.

Trong cửa hàng có rất nhiều mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống như đồ ăn, thức uống, đồ dùng sinh hoạt, báo và tạp chí, các loại vé và cả máy in.

Tôi đã tổng hợp lại những thông tin bạn nên biết ở những cửa hàng tiện lợi như vậy nên các bạn hãy đọc bài viết này nhé!

Phân loại cửa hàng tiện lợi

Hôm nay tôi sẽ giới thiệu với các bạn 3 công ty lớn chiếm khoảng 90% thị phần các cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản.

Seven Eleven

Xuất phát điểm là một cửa hàng nhỏ tại Mỹ, cho tới bây giờ nó đã trở thành một doanh nghiệp Nhật Bản sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất nước Nhật với hơn 20,000 cửa hàng. Hiện tại, Seven Eleven được mở rộng ở hơn 15 quốc gia, và ở Việt Nam cũng có tới hơn 20 cửa hàng của thương hiệu này. Cái tên Seven Eleven bắt nguồn từ việc ngày xưa ”cửa hàng này kinh doanh từ 7 giờ sáng tới 11 giờ đêm”.

Lawson

Đây là cửa hàng bắt nguồn từ một cửa hàng sữa nhỏ của Lawson tại Mỹ. Hệ thống này đã có hơn 14,000 cửa hàng tại Nhật và đang mở rộng thêm ra 5 quốc gia khác. Ngoài cửa hàng với tên Lawson ra, còn có cửa hàng tên là “Natural Lawson” – nơi bạn có thể mua các món đồ tự nhiên tốt cho sức khỏe và cửa hàng “Lawson Store 100” – nơi có thể mua những món đồ tốt với giá chỉ từ 100 yên.

Family Mart

Đây là cửa hàng tiện lợi có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tại Nhật, hệ thống này có tới hơn 16,000 cửa hàng, hiện cũng đang mở rộng thêm 7 cửa hàng ở nước ngoài, và cũng có hơn 140 cửa hàng tại Việt Nam. Vào năm 2016, sau khi hệ thống Family Mart kết hợp thương hiệu với 2 công ty là “Circle K” và “Sunkus” thì số lượng cửa hàng vượt lên đứng thứ 2 trong ngành. Cái tên “Family Mart” được đặt với mong muốn “Tạo được mối quan hệ như là gia đình với khách hàng của họ”.

Các cửa hàng tiện lợi khác

Ngoài ra còn rất nhiều cửa hàng tiện lợi khác như Mini Stop, Daily Yamazaki hay New Day (JR), nhưng trong bài viết này tôi chỉ xin giới thiệu 3 thương hiệu cửa hàng tiện lợi đang ở vị trí “top” đầu.

Cửa hàng tiện lợi là nơi như thế nào?

Ở Nhật có rất nhiều siêu thị. Khi đi mua sắm thì có nhiều thứ mua ở siêu thị sẽ rẻ hơn. Dẫu thế tại sao ở Nhật vẫn có nhiều cửa hàng tiện lợi đến như vậy? Sau đây tôi xin chia sẻ với các bạn về điều này.

Những việc có thể làm được ở cửa hàng tiện lợi

  • Mua sắm
  • Sử dụng không gian ăn uống
  • Rút tiền, chuyển khoản hoặc gửi tiền bằng máy ATM
  • Trả tiền điện và tiền ga v.v.v
  • Nhận và gửi đồ
  • Mua vé
  • Sử dụng máy in để in hoặc photo
  • Mua tem, bưu thiếp hoặc thiệp năm mới
  • Đăng ký, thanh toán bảo hiểm (bảo hiểm ô tô v.v.v)

Cửa hàng tiện lợi không chỉ để mua sắm mà còn có thể sử dụng được rất nhiều dịch vụ như thế. Và đó chính là điểm khác với siêu thị. (Với việc cung cấp nhiều dịch vụ như vậy, có vẻ như cũng vất vả cho nhân viên của cửa hàng tiện lợi trong việc ghi nhớ nhỉ)

Hoạt động trong suốt 24 giờ

Còn một điểm nữa khác với siêu thị là cửa hàng tiện lợi bán hàng cả ngày mà không nghỉ. Điều này với những người làm việc vào sáng sớm hay đêm muộn quả là tiện lợi. Thời sinh viên, khi đi làm thêm đến tối muộn, trên đường về nhà tôi thường ghé qua cửa hàng tiện lợi. Trong lúc đường phố đã tối om lại thấy cửa hàng tiện lợi đang bật điện sáng thì sao lại không muốn thử vào nhỉ?

Quy mô của cửa hàng tiện lợi

Ở Nhật, cửa hàng tiện lợi có quy mô nhỏ hơn siêu thị. Vì diện tích nhỏ nên khách đi vào cửa hàng tiện lợi có thể đi quanh cửa hàng mà không mất thời gian. Hơn nữa, tuy nhỏ nhưng tất cả các mặt hàng khách cần thì cửa hàng tiện lợi đều có. Điều này có được là do các mặt hàng được chuẩn bị theo mùa và theo nhu cầu của khách hàng.

Ví dụ như ① Gần công ty ② Gần trường học ③ Gần bệnh viện, tại 3 khu vực này tôi nghĩ nhu cầu của khách hàng sẽ khác nhau.

  • ① Với nhân viên công ty… thì mặt hàng bán chạy sẽ là đồ ăn trưa, thiết bị văn phòng và cà phê.
  • ② Với học sinh sinh viên… thì mặt hàng bán chạy sẽ là nước hoa quả, bánh kẹo hay các loại đồ ăn nhanh v.v.v
  • ③ Với bệnh nhân, gia đình … thì mặt hàng bán chạy là đồ uống, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu hay tạp chí để giết thời gian.

Sau khi tiến hành điều tra phân tích tất cả mọi mặt như thế thì những thứ cần thiết sẽ được tổng hợp lại. Một thời gian trước đây, nếu đi mua sắm ở cửa hàng tiện lợi thì có nút để nhân viên của hàng nhập độ tuổi của khách hàng đó.

Dữ liệu sẽ được tổng hợp dựa trên những thông tin ”Khách là Nam/nữ, khoảng bao nhiêu tuổi, đã mua cái gì vào khoảng thời gian nào”. Các cửa hàng tiện lợi luôn cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để phân tích xem khách hàng thích mặt hàng như thế nào, ưa chuộng mặt hàng gì.

Các mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi

Có những thứ chỉ có thể mua được ở cửa hàng tiện lợi thôi. Ví dụ như những loại đồ ăn do chính các cửa hàng tiện lợi phát triển. Các cửa hàng tiện lợi còn bày bán các sản phẩm mang thương hiệu riêng như cơm nắm, bánh, bim bim và họ cũng đang rất nỗ lực để phát triển những sản phẩm này.

Trong quá trình phát triển những sản phẩm này thì cũng có nhiều sản phẩm đã có sự hợp tác với các nhà sản xuất thực phẩm nổi tiếng. Điều đó làm người tiêu dùng chúng tôi rất vui vì cho rằng “Hương vị của nhà sản xuất ấy chúng tôi có thể mua được ở cửa hàng tiện lợi”.

Tôi xin giới thiệu với các bạn một chút về các loại đồ ăn được ưa chuộng tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi

Seven Eleven

  • Kem ốc quế (khoảng 190 yên)
  • Kem xoài (khoảng 140 yên)
  • Cà phê (khoảng từ 100 yên)
  • Khoai sấy (khoảng 180 yên)
  • Mỳ Tomita Ramen (khoảng 230 yên)

※ ”Tomita” là cửa hàng xếp hàng gọi món được bình chọn là ”Cửa hàng mì số 1 Nhật Bản”. Nếu xếp hàng ở của hàng này có khi phải đợi đến 2 tiếng đồng hồ đấy.

Lawson

  • Gà rán (khoảng từ 216 yên)
  • Món Oden (một dạng lẩu của Nhật) (khoảng 80 yên)
  • Máy bán cà phê (cà phê tùy chọn giá khoảng 100 yên)
  • Cơm nắm (khoảng 100 yên)

Family Mart

  • Gà Family (khoảng 180 yên)
  • Gà rán (khoảng 108 yên)
  • Mỳ cốc hoặc các thực phẩm đông lạnh (khoảng 200 yên)
  • Bánh mỳ (khoảng 108 yên)

Dưới đây là danh sách các sản phẩm mà các cửa hàng tiện lợi của Nhật đã nỗ lực để phát triển thương hiện riêng nên các bạn hãy thử ăn và so sánh xem nhé. Chắc chắn là bạn sẽ được thưởng thức những món ngon mà không thể mua được ở siêu thị đâu.

  • Cơm nắm
  • Món Oden
  • Các món ăn vặt nóng hổi (loại đồ ăn nóng có ở cạnh quầy tính tiền)
  • Cơm hộp
  • Bánh mỳ
  • Đồ đông lạnh (Mỳ ramen, cơm rang hay mỳ Ý)
  • Đồ ngọt
  • Kem

Lợi ích của cửa hàng tiện lợi

Đối với nhiều người, cửa hàng tiện lợi là nơi ghé qua thường xuyên mỗi ngày. Bằng việc nhận được sự tin tưởng từ những người dân trong vùng hay trở lên thân thiết với nhân viên cửa hàng mà từ đó cửa hàng tiện lợi cũng trở thành một nơi mà mọi người có thể giao tiếp với nhau. Ngoài ra, với việc kinh doanh 24/7 thì tôi nghĩ đây là một điểm rất có ích cho việc phòng chống tội phạm trong khu vực.

Ngoài ra, vào một dịp nào đó mọi người hãy thử kết thân với nhân viên ở cửa hàng tiện lợi mà bạn hay ghé qua nhé..

Thời còn là học sinh, mỗi ngày tôi đều ghé cửa hàng tiện lợi và và mua món bánh yêu thích của mình là “Black Thunder“. Vào một ngày nọ, bánh “Black Thunder” được bán rất nhiều tại lối vào của các cửa hàng. Sau đó, nhân viên của hàng đã nói với tôi rằng: “Cảm ơn anh vì đã luôn tin tưởng chúng tôi, anh có muốn mua một hộp bánh Black Thunder không?”

Lúc đó, tôi tưởng họ nghĩ mình là “Khách hàng của Black Thunder” nên đã vô cùng xấu hổ. Tuy nhiên sau đó tôi biết được là do mình tạo được mối quan hệ tốt với cửa hàng trưởng và các nhân viên trong cửa hàng.

Mọi người cũng hãy tìm cho mình ”một cửa hàng tiện lợi gần nhà mà mỗi ngày bạn đều muốn qua đó”nhé. Biết đâu lại có được những mối quan hệ tuyệt vời thì sao nhỉ?

Cửa hàng tiện lợi ở hiện tại

Ở bài viết “Việt Nam từ cái nhìn của người Nhật” tôi cũng đã viết rồi, nhưng từ khoảng 3~4 năm trước, trong các cửa hàng tiện lợi ở Nhật số lượng nhân viên nước ngoài đã tăng lên khá nhiều. Trong đó, số lượng nhân viên Việt Nam, đặc biệt là ở Tokyo, đã tăng lên.

Hiện nay, do tình trạng thiếu nhân lực nên những cửa hàng tiện lợi của Nhật đang phải bổ sung thêm nhân sự là người nước ngoài. Ngoài ra, với những cửa hàng tiện lợi kinh doanh 24/24 giờ thì do có ít người có thể làm từ 0 giờ tối đến 6 giờ sáng nên cũng có những trường hợp 1 nhân viên phải làm việc liên tục trong khoảng thời gian dài.

Tại những cửa hàng như vậy, có trường hợp nhân viên làm việc quá sức mà bị ngất. Gần đây, việc này đã trở thành một vấn đề mang tính xã hội tại Nhật. Các cửa hàng sẽ thực hiện cuộc điều tra khảo sát với các cửa hàng trưởng trên toàn quốc về việc có nên thay đổi thời gian kinh doanh hay không? Vì có những cửa hàng mà tuy mở cửa suốt đêm nhưng chẳng có vị khách nào tới cả nên tùy vào từng khu vực mà thời gian kinh doanh có thể thay đổi.

Tổng kết

Không chỉ là mua sắm mà tôi đã tập trung giới thiệu cho các bạn về ”sự tiện lợi” cũng như ”sức hấp dẫn” của các cửa hàng tiện lợi. Khi đến Nhật, nhất định mọi người hãy thử một lần vào cửa hàng tiện lợi nhé!