“Hạnh phúc” của người Nhật là gì?

“Hạnh phúc” của người Nhật là gì?

Bạn có biết có một bài văn do sinh viên Việt Nam viết được đăng trên báo Nhật đã trở thành một chủ đề nóng trong thời gian gần đây không? Dưới đây là nội dung chi tiết bài viết:

Cho tới khi tới Nhật, tôi vẫn đã nghĩ Nhật Bản là một cường quốc tuyệt vời.

Từ ngày đầu tới Nhật, tôi đã nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa Nhật Bản và đất nước Việt Nam của tôi về việc phát triển các thành phố hay sự phong phú trong cuộc sống sinh hoạt của mọi người. Và tôi đã nghĩ chắc là những người Nhật họ đang cảm thấy vô cùng hạnh phúc với những gì mà đất nước họ đang sở hữu.

Tuy nhiên, tới nay đã 10 tháng kể từ khi tôi đặt chân tới Nhật Bản và tôi cảm thấy thực tế không phải như vậy. Nhật Bản là một trong những nước có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới.

Trên tàu điện, tôi thấy rõ những gương mặt mệt mỏi vì thiếu ngủ. Người Nhật họ không mấy khi cười và trên gương mặt luôn biểu hiện như đang lo lắng một điều gì đó.

Người Nhật rất siêng năng và làm việc chăm chỉ để xây dựng Nhật Bản như hiện tại. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ chỉ nghĩ tới việc cống hiến cho nơi làm việc hay công ty mà quên đi mất việc tận hưởng những thành quả mà chính họ đã làm ra.

Việt Nam vẫn là một nước nghèo nhưng sống lạc quan ngay cả khi khó khăn, và hiếm khi nghĩ tới việc tự tử. Sự giàu có về kinh tế không phải lúc nào cũng dẫn đến hạnh phúc.

Người Nhật đang cố gắng vì điều gì? Hạnh phúc là gì? Tôi nghĩ rằng tự mình sẽ đi tìm kiếm câu trả lời cho điều đó.

Du học sinh tên Nguyễn tỉnh Chiba

Chuyên mục Tiếng nói mỗi sáng, báo buổi sáng ngày 10/07/2016.

Và người Nhật cũng đã có những bình luận như dưới đây về bài viết của bạn du học sinh người Việt.


  • Quả là một du học sinh hiểu rõ về người Nhật.
  • Người Việt đã dạy cho người Nhật những điều mà chúng tôi không nhận ra.
  • Theo như lời của cô gái này thì tôi sống vì cái gì nhỉ?
  • Người Nhật không thể hiện ra ngoài cảm xúc của mình. Cô bạn này không am hiểu sâu sắc về văn hóa Nhật Bản.

Tôi thấy bài viết này chính là cách nhìn về người Nhật qua con mắt của một người Việt, được trình bày một cách trôi chảy, mạch lạc. Và qua bài viết này, tôi cảm thấy nó hàm chứa nhiều ý nghĩa khi giúp nhiều người Nhật dành thời gian để suy nghĩ về khái niệm “hạnh phúc”.

“Hạnh phúc” với người Nhật

Trong các cuộc khảo sát quốc tế về hạnh phúc của người dân, Nhật Bản tiếp tục duy trì thứ hạng thấp trong số các quốc gia phát triển.

Trên SNS của người Nhật, tôi thường thấy những dòng trạng thái như “Tôi không muốn đến công ty (trường học)”, “Tôi muốn nghỉ”, “Tôi rất mệt”, còn những dòng trạng thái thể hiện niềm vui như “Tôi hạnh phúc!” thì tôi lại không mấy khi trông thấy.

Nhiều người Nhật khi được hỏi rằng “Bạn có hạnh phúc không?” thì vẫn trả lời rằng “Có, tôi hạnh phúc chứ”. Tại sao lại như vậy? Có lẽ bởi biểu hiện của sự “hạnh phúc” không có trong phong tục của người Nhật.

Kể cả bạn được người khác khen “Trong cậu vui đấy nhỉ?” thì người ta cũng sẽ từ chối và nói “Không đâu, còn nhiều vất vả lắm”. Đó là văn hóa từ xưa của người Nhật rồi.

Sự thật lòng và vẻ bề ngoài

  • Nếu có được khen “Anh có một cô vợ thật tuyệt vời” thì cũng có những ông chồng đáp lại rằng “Không, có gì đâu mà”.
  • Hay kể cả có được khen “Anh chị có đứa con ngoan thật đấy” thì cũng có những ông bố bà mẹ đáp lại rằng “Không không, nó là đứa trẻ chẳng nghe lời mọi người trong nhà gì cả”.

Ngay cả khi trên thực tế đó có là một người vợ tốt hay một đứa con ngoan thì cách trả lời ngược lại là một điều quá đỗi bình thường ở Nhật.

Tóm lại, người Nhật sẽ phân chia rất rõ ràng hai khái niệm “thật lòng” và “xã giao”, để biết được thực sự trong lòng họ nghĩ gì là điều không thể trừ khi bạn chơi thân với họ trong khoảng thời gian rất dài.

Có nhiều người Nhật không hề biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài nên tôi nghĩ rất khó cho du học sinh đó hiểu được “cái hạnh phúc” mà đến cả người Nhật cũng không biết gọi tên là gì.

Nhiều nhân viên văn phòng có khuôn mặt tối tăm, mệt mỏi trên tàu nhưng khi trở về nhà họ lại cho những thành viên trong gia đình ở nhà đang chờ đợi mình thấy khuôn mặt “tươi cười” không thường thấy ở ngoài. Cha tôi cũng là một người có hai khuôn mặt hoàn toàn khác nhau, khuôn mặt của “Công ty” (một người đáng sợ) và khuôn mặt của “Bố” (một người tốt bụng).

Khi uống rượu, một người Nhật thường ngày trầm tính lại luôn nói to và gây ồn ào, vì vậy đối với người nước ngoài tôi nghĩ họ cho rằng người chúng tôi “là những người bí ẩn”.

Đất nước có rất nhiều người tự tử – Nhật Bản

Thông tin một năm có khoảng 20.000 người Nhật chết do tự sát cho thấy “Nhật Bản là nước có tỉ lệ tự tử cao trên thế giới” trong bài viết được đăng lên là hoàn toàn chính xác.

Đặc biệt, gần đây tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên gia tăng và nó đang thực sự trở thành vấn đề mang tính xã hội.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia phát triển trên thế giới, nhưng theo cảm nhận của du học sinh này thì “việc phát triển các thành phố hay sự phong phú trong cuộc sống sinh hoạt của mọi người” là môi trường tất yếu đối với những người Nhật sinh ra sau khi kinh tế đã phát triển.

Ngay cả khi bạn nói chuyện với người Nhật và khen họ rằng “Bạn thật hạnh phúc khi được sinh ra ở một đất nước giàu có như Nhật Bản” thì với những người Nhật ít có cơ hội được tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau thì thật khó để họ có thể “nói lời cảm ơn” tới bạn.

Ngoài ra, cụm từ như “Sự giàu có về kinh tế không hẳn sẽ tạo nên hạnh phúc“, tôi nghĩ nó khác với việc cứ trẻ em sinh ra trong nhà giàu ở bất cứ quốc gia nào cũng là những đứa trẻ hạnh phúc.

“Hạnh phúc” là định nghĩa mang tính cá nhân của mỗi người nên chắc rằng sẽ rất khó để đo lường hay đánh giá mức độ hạnh phúc của người khác.

Bối cảnh hiện tại của Nhật Bản

Tại sao Nhật Bản lại có tỉ lệ tự tử cao? Để trả lời cho câu hỏi đó, tôi xin đưa ra 2 ý kiến.

① Tính cách không chia sẻ nỗi buồn với người khác

Người Nhật đặc biệt là đàn ông không giỏi trong việc chia sẻ nỗi buồn của mình với người khác. Điều này là do lòng tự trọng của họ không muốn cho người khác biết “điểm yếu” của mình.

Ngoài ra, ở Nhật Bản, từ khi còn nhỏ người ta thường dạy rằng “Mọi người đang gặp khó khăn, vì vậy, không phải chỉ có bạn đang khổ sở đâu”. Khi một đứa trẻ nhỏ đang gây ồn ào ở nơi công cộng, cha mẹ sẽ cẩn thận, so sánh với những người khác, nói rằng “Những đứa trẻ xung quanh đang yên lặng nên con cũng hãy yên lặng đi”.

Tôi nghĩ với cách suy nghĩ đó, khi người Nhật có điều gì đó phiền muộn thì việc suy nghĩ cũng trở thành một nguyên nhân chính của việc đó “Đừng có nói là những người xung quanh cũng khổ sở“, “Bản thân tôi phải làm gì…?

② Bản thân không nhận ra mình đang tiệm cận chứng “trầm cảm”

Có thể nói, Nhật Bản là một xã hội khó có thể nhận ra được chứng trầm cảm. Tại sao tôi lại nói vậy? Như tôi đã trình bày ở trên, cụm từ “Tất cả mọi người đều đang khổ sở không phải mình bạn đâu” thì đối với những người mắc chứng “trầm cảm”, họ sẽ luôn khiến cho tâm trạng mình trở nên “Đau khổ ư? Không được phép nói như vậy” “Không được phép dằn vặt khổ sở tới mức như thế“.

Ngay cả trong công ty Nhật Bản nơi tôi làm việc cũng có những đồng nghiệp, những người tiền bối và cấp trên mắc chứng “trầm cảm”, và chỉ tới khi phải nghỉ việc để tới viện điều trị họ mới biết mình mắc chứng trầm cảm.

Ở xã hội Nhật Bản nơi mà vấn đề “tư vấn tâm lý” không phát triển thì có rất ít cơ hội để được nói chuyện về tư vấn tâm lý hay chia sẻ những nỗi buồn của mình với ai đó, nên vấn đề “chăm sóc tâm lý” đang được chính phủ Nhật Bản chú trọng.

Tổng kết

Suy nghĩ thế nào là hạnh phúc là một điều quan trọng, nhưng quan niệm về hạnh phúc lại tùy thuộc vào mỗi người, và người quyết định có hạnh phúc hay không lại chỉ có bản thân mình mà thôi.

Có những người cho rằng “Hạnh phúc là làm cho cuộc sống tốt hơn ở hiện tại”, nhưng cũng có những người lại nghĩ “Hạnh phúc là được sống trong hòa bình như bây giờ”, còn tôi thì nghĩ rằng có rất nhiều người Nhật đang tràn ngập những suy nghĩ về các thế hệ sau.

Việt Nam là một đất nước đang phát triển và người dân ở đất nước này đang sống với hy vọng rằng “Ngày mai sẽ là một ngày tốt hơn“. Thật ra, điều này cũng giống với Nhật Bản ngày xưa, “Chúng tôi không giàu có, nhưng chúng tôi làm việc vì một tương lai tươi sáng và hạnh phúc” và đó là câu chuyện của thời đại cha mẹ chúng tôi.

Khi Việt Nam kết thúc giai đoạn tăng trưởng về kinh tế và trở thành đất nước giàu có như những quốc gia phát triển, tôi không biết người Việt liệu có còn lạc quan, luôn mỉm cười như bây giờ nữa không. Cho đến thời điểm đó, tại thời điểm hiện tại, hãy thử đối chiếu đất nước mình với một đất nước phát triển như Nhật Bản, để thấu hiểu rằng liệu phát triển có đi kèm theo khái niệm hạnh phúc.