Những “bí quyết” luyện nghe và đọc hiểu tiếng Nhật mà bạn cần nắm vững

Những “bí quyết” luyện nghe và đọc hiểu tiếng Nhật mà bạn cần nắm vững

Sau bài viết giới thiệu về “Các kỳ thi năng lực tiếng Nhật tại Việt Nam“, có thể nhận thấy đọc hiểu và nghe hiểu là 2 kĩ năng xuất hiện trong bất cứ bài thi tiếng Nhật nào. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều bạn thì đây dường như lại là 2 kĩ năng khó nhất đòi hỏi sự trau dồi kiến thức và luyện tập trong thời gian dài.

Có khá nhiều bạn sau khi đi thi về tỏ ra khá nuối tiếc vì “Đọc không hiểu gì?” và “Không nghe được gì”. Vậy nguyên nhân của vấn đề đó là gì? Hay bạn vẫn đang loay hoay đi tìm cách cải thiện tình hình nhưng vẫn không nhận được kết quả mong muốn?

Không chỉ phục vụ cho việc ôn luyện trong các kỳ thi năng lực tiếng Nhật, việc thành thạo 2 kĩ năng “nghe hiểu – đọc hiểu” còn giúp ích bạn rất nhiều trong công việc ở công ty và giao tiếp trôi chảy với người bản xứ.

Hãy cùng jNavi tìm hiểu xem những bí quyết đó là gì nhé.

Tầm quan trọng của việc luyện nghe và đọc hiểu tiếng Nhật

Trong nghe – nói – đọc – viết là 4 kĩ năng cần thiết của người học tiếng Nhật, theo đánh giá của những người đang theo học thì sau kĩ năng “nói”, “nghe” được coi là một trong những kĩ năng khó, đòi hỏi người học cần nắm vững kiến thức để có thể vận dụng. Nếu có thể “nghe hiểu” đồng nghĩa với việc bạn có khả năng thẩm âm và giao tiếp được tiếng Nhật.

Không nói tới giai đoạn bắt đầu, nhưng sẽ thật xấu hổ nếu trải qua vài năm học tiếng Nhật mà vẫn phải nhờ đối phương nhắc đi nhắc lại một vài lần câu nói mới hiểu đối phương đang nói gì. Do đó, để không khiến bản thân rơi vào tình thế bị động, việc luyện nghe tiếng Nhật là việc vô cùng quan trọng và cần thiết.

Tương tự như vậy, đọc hiểu cũng là một kĩ năng “khá khó nhằn” bởi lượng chữ Hán cũng như các cấu trúc ngữ pháp khá nhiều trong tiếng Nhật. Và cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian rèn luyện để nâng cao kĩ năng. Sẽ thật vất vả cho bạn nếu gặp khó khăn với các văn bản và hợp đồng sau khi gia nhập công ty với lý do “vì đọc không hiểu”.

Biết được tầm quan trọng của kỹ năng đọc và nghe là như vậy nhưng không phải ai cũng biết cách học và thực hành thế nào để có kết quả như mong muốn.

Bật mí mẹo “luyện tập kĩ năng đọc hiểu”

Đọc để hiểu nội dung bao quát chứ không phải để hiểu từng câu

Có một sai lầm rất lớn các bạn học tiếng Nhật hay mắc phải là luôn cố dịch tất cả bài đọc vì nghĩ rằng như vậy sẽ giúp bạn nắm được nội dung của toàn bài. Nhưng thật đáng tiếc, điều đó không giúp cho bạn hiểu và còn khiến bạn cảm thấy nản với vô số từ mới và cấu trúc ngữ pháp mà bạn không hề biết.

Do đó, trình tự một bài đọc hiểu các bạn nên làm như sau:

  • Đọc lướt nội dung toàn bài để nắm được chủ đề chung toàn bài
  • Tìm ra câu chủ đề khái quát nội dung toàn đoạn (câu chủ đề sẽ thường nằm ở đầu hoặc cuối đoạn)
  • Tìm kiếm những từ khóa xuất hiện nhiều trong bài và gạch chân
  • Sau khi đã làm được tất cả 3 bước trên mới quay lại đọc kĩ, phân tích từng câu, ghi chép lại từ và cấu trúc ngữ pháp mới và tập dịch

Chọn sách đọc phù hợp với khả năng

Khi bắt đầu bước vào học tiếng Nhật, bạn chỉ nên chọn cho mình những cuốn sách luyện đọc ngắn, đơn giản và có ít Hán tự. Vì việc đọc những đoạn ngắn như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy dễ dàng hơn, tránh các cảm xúc tiêu cực như chán nản, và tiếp thêm cho bạn động lực để tiến bộ.

Với trình độ sơ cấp N4-5, các bạn học theo bộ sách Minna No Nihongo thì đều có bài đọc ở cuối sách và các sách đọc hiểu phụ lục đi kèm. Đó là tài liệu cơ bản nhưng rất hữu ích giúp các bạn củng cố kiến thức cơ bản đã học trong bài. Trước khi nghĩ tới việc có thể đọc được những cuốn sách dày cộp và chi chít chữ Hán thì các bài đọc trong sách giáo khoa chính là thử thách của bạn.

Ngoài ra, thêm một gợi ý cho các bạn nữa là có thể tham khảo các bài báo đơn giản được đăng tải trên Website News Web Easy. Tại đây đăng tải các bài báo được viết ở thể thức đơn giản, có phiên âm chữ Hán cho các bạn tiện tra cứu. Ngoài ra bạn còn có thể nghe bài báo đó bằng chính giọng đọc của người bản xứ, vừa giúp bạn luyện kỹ năng nghe và dịch nói.

Trình độ đọc cải thiện bất ngờ nếu bạn đọc mỗi ngày

Khi đã đạt đến trình độ trung cấp (cỡ khoảng N3), bạn hoàn toàn có thể thoát ra khỏi sách giáo khoa và tìm mua cho mình những cuốn sách tiếng Nhật về lịch sử, địa lý, hay về chính chuyên ngành bạn đang học như : tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin… Chỉ với 1-2 tiếng mỗi ngày chuyên tâm cho việc đọc sách, sau một thời gian ngắn nhất định bạn sẽ thấy kỹ năng đọc hiểu của mình được cải thiện trông thấy.

Có rất nhiều bạn đến với tiếng Nhật để thỏa mãn niềm đam mê trong Manga hay Anime, nên đây cũng có thể coi là một phương pháp rèn luyện kỹ năng đọc. Điều mình dễ dàng nhận ra là các bạn “cuồng” Manga thực sự có thể đọc hiểu khá tốt, nguyên nhân chính xuất phát từ việc “đọc mỗi ngày” nên kỹ năng đọc cũng nhờ đó được cải thiện khá nhiều.

Tự rút ra từ mới và mẫu câu mới trong bài đọc

Đây là một kỹ năng cần thiết nếu bạn muốn tiếng Nhật của mình được tốt lên. Việc ghi chếp từ mới và mẫu câu nên được tiến hành thường xuyên và tỉ mỉ ra một quyển vở mới chứ không phải chồng chéo lên quyển sách đọc bạn đang học. Sau đó, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể mở vở ra để xem lại và khi đọc gặp các trường hợp tương tự sẽ không bị mắc lỗi như vậy nữa.

Ngoài việc giúp bạn hiểu bài đọc hơn, việc này còn giúp bạn mở rộng được vốn từ vựng và ngữ pháp. Quả đúng là một công đôi việc phải không nào?

Phương pháp “nghe hiểu” nào cho hiệu quả cao?

Nghe nhiều – nghe mỗi ngày

Có lẽ đây là điều ai cũng hiểu nhưng lại không mấy người thực hiện được. Bạn không thể nào muốn mình nghe tốt hơn nhưng lại không muốn dành thời gian cho nó phải không nào?

Bạn nên bắt đầu nghe từ sách giáo khoa để nắm được kiến thức cơ bản, rồi sau đó nghe thêm các sách luyện nghe bên ngoài. Để biết sách nào phù hợp với kiến thức đang học, bạn có thể tham khảo trực tiếp từ những giáo viên của mình hoặc “những tiền bối đi trước” để có được lời khuyên hữu ích.

Khi bắt đầu nghe, hãy chỉnh nhịp độ ở mức độ chậm nhất nhằm giúp bạn nghe rõ từng phát âm rồi chỉnh lên nhanh dần, nếu bắt nhịp được với tốc độ đó chứng tỏ rằng bạn đã cải thiện được kỹ năng nghe rồi đấy.

Tự tạo môi trường nghe tiếng Nhật

Như đã nói ở trên, việc nghe mỗi ngày chắc chắn ít nhiều sẽ giúp bạn tiến bộ. Nhưng nếu lý do được đưa ra là “Tôi không đủ kiên nhẫn để ngồi nghe” hoặc “E rằng tôi không có thời gian làm việc đó” thì giải pháp khuyên bạn là tranh thủ bất cứ lúc nào chẳng hạn như khi nấu ăn, hoặc khi tắm hãy cứ bật file nghe hoặc bài hát tiếng Nhật nào đó lên.

Phương pháp nghe thụ động này giúp bạn cải thiện tối đa kỹ năng nghe và cũng giúp ích phần nào cho việc phát âm của bạn trở nên tốt hơn. Hình thức này khá tiện lợi vì bạn có thể giúp đôi tai mình làm quen với tiếng Nhật ở bất cứ nơi đâu dù đang ở nhà, hay trên xe buýt, tàu điện…

Nghe nhạc hoặc xem phim Anime mình thích

Nếu bạn là một người đam mê âm nhạc hay phim ảnh thì đây chắc chắn là phương pháp phù hợp với bạn. Việc lặp đi lặp lại điều này thường xuyên sẽ giúp bạn cảm nhận được tiếng Nhật mỗi ngày qua những nhịp điệu mà bạn yêu thích khiến việc học sẽ trở nên thú vị hơn, và cũng có thể coi nó như một hình thức thư giãn.

Tăng cường vốn từ vựng và ngữ pháp

“Từ vựng ít, ngữ pháp yếu” là một trong những nguyên nhân của tình trạng “nghe không hiểu gì”. Việc sở hữu vốn từ vựng phong phú giúp bạn nắm bắt được ý nghĩa của cả câu chỉ trong một từ khóa nghe được. Còn ngược lại, việc không nắm được từ vựng sẽ khiến bạn hoang mang và chán nản trong việc học nghe.

Thử thách bản thân bằng việc nghe bản tin thời sự

Các bản tin thời sự đều là những tin tức chính thống và được phát thanh bởi những biên tập viên có giọng rất dễ nghe. Khó khăn duy nhất là do bản tin phát ở Nhật nên có nhịp độ đọc khá nhanh đôi khi khiến bạn không bắt kịp.

Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp này lại giúp tạo ra một động lực và nguồn năng lượng mới trong việc học tiếng Nhật. Hãy thử sức nâng cao trình độ của bản thân và thúc đẩy cảm hứng trong bạn qua những thử thách như vậy nhé.

Tổng kết

Mình tin với mỗi người sau quá trình học sẽ đúc kết cho mình được những kinh nghiệm riêng. Trên đây là quan điểm cá nhân của bản thân mình sau quá trình 5 năm học tiếng Nhật. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là đánh thức “con lười” trong bản thân mỗi người. Muốn giỏi thì chắc chắn con đường duy nhất là “chăm chỉ”. Với những kinh nghiệm đúc kết ở trên, hy vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các bạn độc giả trong quá trình thực hành tiếng Nhật.

Chúc các bạn ôn luyện tốt và đạt được kết quả cao trong các kỳ thi năng lực tiếng Nhật năm nay.

Bài viết tham khảo : Các kỳ thi năng lực tiếng Nhật tại Việt Nam