Nhật Bản đón Tết như thế nào?

Nhật Bản đón Tết như thế nào?

Nhật Bản là một trong những quốc gia hiếm có còn lại ở châu Á ăn Tết cổ truyền theo Dương lịch. Bắt đầu từ ngày 1/1, người Nhật bắt đầu đón Tết. Tết chính là thời điểm Nhật Bản cho thấy những tinh hoa trong giá trị văn hóa, từ những nghi lễ đón Tết hay ẩm thực địa phương.

Trong bài viết ngày hôm nay, jNavi xin chia sẻ cùng các bạn những thông tin cơ bản về thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của người Nhật.

Tháng cuối năm tại Nhật Bản

Tháng 12 ở Nhật còn có một tên gọi khác là 「師走しわす」ý chỉ sự bận rộn của những người ở vị trí lãnh đạo đang bận rộn chạy đôn chạy đáo khắp nơi để hoàn thành công việc cuối năm và đi chào hỏi cảm ơn.

Như đã đề cập trong bài viết “Văn hóa “ngày làm việc cuối năm” trong các công ty Nhật“, các công ty cũng vô cùng khẩn trương để hoàn thành mục tiêu trong năm và thực hiện nghi lễ chào hỏi và cảm ơn cuối năm.

Tuy nhiên, ngoài các công việc xã hội, việc nhà cũng được người Nhật coi trọng không kém. Điều đó thể hiện qua các việc làm dưới đây.

Tổng vệ sinh

Là từ 「大掃除おおそうじ」trong tiếng Nhật.

Người Nhật có quan niệm rằng, năm mới là thời điểm các vị thần tới thăm nhà mình. Do đó, để có thể đón tiếp các vị thần một cách chu đáo nhất thì nhà cửa cần phải sạch sẽ. Thông thường việc dọn dẹp nhà cửa sẽ tiến hành từ giữa tháng 12 nhưng do quá bận rộn với công việc nên có rất nhiều người để tới ngày cuối cùng trong năm 31/12 mới bắt đầu dọn dẹp. Ngoài nhà riêng, các công ty, trụ sở hoặc chùa chiền cũng tiến hành việc tổng vệ sinh trước ngày cuối năm.

Trang hoàng nhà cửa

Sau khi tổng vệ sinh nhà cửa hoàn tất, việc trang trí nhà cửa sẽ được bắt đầu. Các vật liệu trang trí nhà cửa được bày bán rất nhiều tại các siêu thị và cửa hàng, nên bạn có thể tự do lựa chọn và trang trí theo ý mình. Thông thường sẽ tiến hành vào ngày 28 hoặc 30 tháng 12. Ngày 29 có cách phát âm gần giống như là 「二重の苦しみ」(Tạm dịch là “Hai lần đau khổ”) , còn ngày 31 thì quá cận Tết nên có vẻ hơi thất lễ vì sự chuẩn bị gấp gáp, do đó người ta tránh trang trí nhà cửa vào hai ngày này.

Cơ bản các đồ trang trí nhà cửa gồm có :

  • Kagamimochi : Mâm bánh dày mochi và một quả quýt Nhật đặt bên trên. Đây là nơi các vị thần cư trú khi Tết tới thăm nhà nên sẽ được đặt tại vị trí đẹp và dễ nhìn nhất trong nhà.
  • Shimenawa : là một hình sặc sỡ treo trước cửa nhà với mục đích đuổi tà ma và chào đón các vị thần.
  • Kadomatsu: Gồm cành thông và 3 ống tre tươi vát chéo, được xem là dấu hiệu của Thần linh. Người Nhật trang trí Kadomatsu ngay trước nhà và sử dụng các loài cây mang ý nghĩa phúc lành như thông, tre…
  • Shimekazari: được trang trí ngay lối vào nhà và bàn thờ, nhằm thể hiện ngôi nhà là nơi linh thiêng và có tác dụng trừ tà.
  • Wakazari : là một vòng tròn, được bện bởi một đoạn dây thừng, và được kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Người ta treo Wakazari ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn những vị thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Ngoài ra, Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.

Ngoài ra, người Nhật cũng chuẩn bị thêm cả thiệp chúc Tết 「年賀状ねんがじょう」. Những tấm thiệp in hình rất đẹp và mang ý nghĩa biểu trưng cho năm mới sẽ được gửi đi tới nhà người thân và những người đã giúp đỡ mình trong năm. Thông thường thiệp được mua tại siêu thị hoặc nhà sách, cũng có những người tự tay làm và gửi đi trong tháng 12. Tuy nhiên, những gia đình đang có tang sẽ không gửi và nhận thiệp trong năm đó, phong tục này được gọi là 「喪中もちゅう」.

Đêm giao thừa của người Nhật

Trong tiếng Nhật gọi là 「 大晦日おおみそか

Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới với phong tục “Ăn mỳ trường thọ” vào đêm giao thừa. “Mỳ trường thọ” không gì khác chính là mỳ Soba với sợi mỳ dài và to. Với mong muốn năm mới suôn sẻ, trôi chảy và có thể sống trường thọ như sợi mỳ soba, do đó, văn hóa ăn mỳ Soba vào đêm giao thừa đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Nhật Bản.

Có những gia đình sẽ ăn luôn vào bữa tối ngày 31 tháng 12, còn số khác sẽ ăn đúng thời khắc chuyển giao giữa “năm cũ và năm mới”. Các gia đình sẽ quây quần bên nhau, vừa xem chương trình ca nhạc đặc biệt của NHK gọi là 紅白歌合戦こうはくうたがっせん  với các màn trình diễn hoành tráng của các ca sĩ nổi bất nhất trong năm cũng như các ca sĩ gạo cội truyền thống, vừa cùng ăn mỳ soba chờ đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Trong những năm gần đây, ngoài mỳ soba, theo thống kế tại các địa phương cũng có khá đông người Nhật chọn ăn mỳ udon vào dịp Tết.

Từ thời điểm 23 giờ ngày 31/12 tới 0 giờ ngày 1/1, tất cả các ngồi chùa và đền thờ ở Nhật Bản sẽ gióng lên 108 tiếng chuông. Theo giáo lý nhà Phật, đây là khoảng thời gian mọi người cùng ngẫm nghĩ lại những điều đã qua trong năm cũ, gột rửa những lỗi lầm đã gây ra, mở lòng mình để đón chào năm mới với những điều tốt đẹp nhất.

Các hoạt động trong dịp Tết ở Nhật

Ngày 1/1 「元旦がんたん

Từ ngày 1/1 tới 3/1 hàng năm gọi là 「三が日さんがにち」, đây là ngày nghỉ của các cơ quan nhà nước, công ty và cửa hàng. Tùy vào từng địa phương, ngày nghỉ Tết có thể được kéo dài hơn thêm khoảng 2 ngày. Ở Nhật, ngày nghỉ Tết cuối cùng được gọi là 「まつのうち」, vào ngày này, toàn bộ vật trang trí Tết được tháo xuống cũng để báo hiệu một đợt nghỉ lễ đã kết thúc.

Ngày mùng 1 Tết là thời điểm các thành viên trong gia đình quây quần bên trong và thưởng thức những món ăn đặc biệt chẳng hạn như Ozouni (món canh gồm có bánh mochi, thịt và các loại rau củ nhiều màu sắc), Osechi (set đồ ăn đựng trong tráp sang trọng với nhiều món ăn mang những ý nghĩa tốt lành khác nhau về năm mới).

Đây cũng là thời điểm những bộ kimono được đem ra trưng diện. Và đừng quên chúc nhau năm mới các bạn nhé 「明けましておめでとうございます。」

初詣はつもうで

Đây là chuyến viếng thăm Thần điện đầu tiên trong một năm để cầu mong sự bình an và hạnh phúc cho năm đó. Mọi người có thể đi vào đúng thời khắc giao thừa hoặc bất cứ thời điểm nào trong ngày mùng 1. Vào dịp này, Thần điện nào cũng đông đúc, nhất là những Thần điện nổi tiếng ở Asakusa hay Kyoto, các đoàn người xếp thành hàng dài nối đuôi nhau vào điện Thần.

Tiền dâng hương thường là đồng 5 yên, vì phát âm là “Go en”, đồng âm với chữ “Duyên” 「えん」 hay “May mắn” 「幸運こううん」.

お年玉おとしだま

Giống như Việt Nam, Nhật Bản cũng có phong tục lì xì đầu năm mới. Đây là khoản tiền nhỏ người lớn lì xì cho trẻ con trong gia đình. Tiền lì xì thường được đựng trong các phong bao lì xì rất đáng yêu và bất cứ bạn trẻ nào cũng đều rất háo hức mong chờ được nhận lì xì.

初夢はつゆめ

Theo quan niệm của người Nhật, giấc mơ vào đêm ngày 1/1 sẽ là điềm báo hiệu cho cả năm sau đó. Ở Nhật có câu 「 一富士二鷹三茄子いちふじにたかさんなすび」, có nghĩa là “Nhất Phú Sĩ, nhì đại bàng, ba cà tím” bởi liên quan đến quy tắc đồng âm trong tiếng Nhật, 「富士」là “sống lâu, trường thọ” 、「 鷹 」là “thành công viên mãn”、「茄」là “con cháu đầy đàn”.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo bài viết khác của jNavi có tựa đề “Truyền thuyết và phong tục ở Nhật“.

鏡開きかがみびらき

Người Nhật cho rằng khi các vị Thần ngự trong nhà vào dịp đầu năm, tuyệt đối không được ăn chiếc bánh dày dùng để mời Thần linh – Kagamimochi. Việc thưởng thức Kagamimochi sau khi vị Thần đi khỏi gọi là “Kagamibiraki”. Tùy từng địa phương mà thời gian của Kagamibiraki là khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày 11/1. Người Nhật cho rằng Thần linh rất ghét những vật nhọn, nên mọi người thường dùng chày gỗ để đập nhỏ bánh dày (lúc này còn cứng) rồi cho vào món súp Ozoni hay Shiruko – món chè đậu đỏ ăn kèm bánh dày. “Vậy là cuối cùng cũng hết Tết rồi nhỉ” là cảm giác khi ăn món ăn này.

Các ngày nghỉ còn lại

Từ ngày mùng 2 trở đi, tùy theo kế hoạch của từng gia đình mà sẽ đưa ra các kế hoạch vui chơi xuân chẳng hạn như : ngắm hoa, tham gia lễ hội trà đạo hoặc thư pháp hoặc có thể chọn đi nghỉ ngơi, du lịch ngắn ngày.

Tổng kết

Cũng như Việt Nam, Tết là khoảng thời gian để mọi người nghỉ ngơi, cùng nhìn lại những gì của năm cũ đã trải qua và đặt mục tiêu cho một năm mới sắp sang. Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Nhật Bản sẽ bước vào đợt nghỉ Tết chào đón năm mới 2020, chúc các bạn Việt Nam ở Nhật đón chào một năm mới với thật nhiều sức khỏe và may mắn.