Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho các bạn những bí quyết cần nắm vững trong buổi “phỏng vấn” nếu muốn được gia nhập một công ty Nhật Bản. Trong chương 3 này, tôi xin được chia sẻ về việc “đánh giá ứng viên” để nhìn nhận về tính cách và nhân phẩm của bạn.
Các bài viết trong Series :
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ① Giới thiệu bản thân
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ② Qúa trình làm việc – Lý do chuyển việc
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ④ Điều kiện gia nhập công ty
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ⑤ Ứng tuyển
(Ngoài ra)
Thông tin cơ bản liên quan đến buổi phỏng vấn ở bài viết : Kinh nghiệm phỏng vấn vào công ty Nhật Bản
Thông tin về cách viết sơ yếu lý lịch ở bài viết : Cách viết sơ yếu lý lịch
Trong bài viết này, tôi muốn đưa ra lời khuyên cụ thể từ quan điểm của tôi – một người Nhật Bản đã tham gia vào hàng trăm cuộc phỏng vấn người Việt Nam liên quan đến các điểm cần lưu ý.
- 1. Những câu hỏi thường bị hỏi trong buổi phỏng vấn
- 1.1. Cho tới nay công việc nào làm bạn cảm thấy thú vị nhất? Công việc nào gây khó khăn cho bạn nhất?
- 1.2. Bạn coi trọng điều gì trong công việc và cuộc sống?
- 1.3. Hãy cho tôi biết mục tiêu phấn đấu của bạn
- 1.4. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
- 1.5. Những người xung quanh nói bạn là người như thế nào?
- 1.6. Trong tình huống như thế nào thì bạn cảm thấy mình bị stress?
- 2. Tổng kết
Những câu hỏi thường bị hỏi trong buổi phỏng vấn
Cho tới nay công việc nào làm bạn cảm thấy thú vị nhất? Công việc nào gây khó khăn cho bạn nhất?
- Bạn sẽ phải trả lời về quá trình tích lũy kinh nghiệm và thành công cho tới thời điểm hiện tại.
- Hãy trả lời về những gì đã học được thông qua những thành công, thất bại hay khó khăn nhé.
- Câu trả lời của bạn sẽ được đánh giá thông qua “Việc gây khó khăn cho bạn” và “Bạn đã vượt qua nó như thế nào?”
- Trong câu trả lời của mình, hãy cố gắng ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng bằng cách “thể hiện năng lực giải quyết vấn đề” nhé.
Ví dụ không tốt:
✖ “Các công việc chung làm tôi cảm thấy thú vị nhất. Còn vất vả nhất là việc đối ứng, trả lời điện thoại’.
Cách truyền đạt chính xác:
〇 “Trong công việc chung, những công việc mà công ty yêu cầu đều là những việc đáng làm. Trong trường hợp 〇〇, tôi đã cố gắng để mọi người trong công ty tin tưởng và lắng nghe tôi. Do được làm việc trong một môi trường như vậy nên mỗi ngày tôi đều rất hứng khởi làm việc”.
〇 “Tôi đã có một thời gian khó khăn với việc đối đáp và trả lời điện thoại. Lúc đầu, tôi không thể nghe thấy những gì bên kia đang nói, và mỗi ngày đi làm tôi đều cảm thấy rất lo lắng. Vì vậy, tôi đã cố gắng ghi chú lại và luôn để nó ngay cạnh điện thoại để có thể note lại thông tin bất cứ khi nào, cũng như cố gắng bình tĩnh hơn để nói chuyện với khách hàng. Tới bây giờ, đây đã là sở trường của tôi và tôi thấy rất tự tin trong nghiệp vụ này”.
Bạn coi trọng điều gì trong công việc và cuộc sống?
- Chia sẻ về tính cách cá nhân là một cơ hội để bộc lộ kỹ năng trong công việc.
- Đây là một câu hỏi quan trọng cho biết liệu bạn có thể thích nghi trong môi trường làm việc của Nhật Bản khác với văn hóa và phong tục kinh doanh của đất nước bạn hay không.
- Các câu trả lời liên quan tới tiền lương hay gia đình sẽ không đủ để có thể truyền tải được năng lượng từ bạn.
- Ngoài ra, hãy cải thiện ấn tượng của bạn với nhà tuyển dụng bằng cách đối đáp những câu từ khiến người Nhật bất ngờ.
- “Tuân theo pháp luật”, “Tuân thủ thời gian”, “Khiêm tốn”, “Tính hợp tác”, “Tự nhận ra năng lực của bản thân” là những điều rất quan trọng trong phong tục kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ví dụ không tốt:
✖ “Điều quan trọng với tôi đó là gia đình. Để có thể kiếm tiền và chăm lo cho hạnh phúc của gia đình nên tôi tìm kiếm việc làm”.
Với bạn đây có thể là một câu trả lời quan trọng nhưng có nên trả lời nội dung này với nhà tuyển dụng hay không nhất định cần xem xét lại. Với câu trả lời đó có thể bạn sẽ không nhận được ấn tượng tốt từ nhà tuyển dụng. Tuy nhiên với những câu hỏi khác việc trả lời như vậy có thể hoàn toàn không có vấn đề gì nhé.
Cách truyền đạt đúng:
〇 “Tuân thủ thời gian và kỳ hạn một cách tuyệt đối. Từ kinh nghiệm làm việc của tôi cho đến nay, tôi đã học được rằng đó là một trong những điều quan trọng nhất cả trong kinh doanh và những việc cá nhân của người Nhật.
〇 “Lắng nghe ý kiến của người khác một cách cẩn thận. Dù đó đang ở trong hay bên ngoài công ty tôi cũng luôn ghi chú lại để không bị rối tung và nhầm lẫn các câu chuyện với nhau”.
〇 “Đó là việc đánh giá bản thân. Khi đã quen với công việc rồi tôi đã mắc phải những sai lầm không đáng có. Khi ấy, để có thể làm việc đạt hiệu quả 100%, tôi vừa lắng nghe ý kiến của những người xung quanh, một tháng 1 lần, tôi nhìn lại những gì mình đã làm trong tháng đó và tổng hợp lại những khuyết điểm mà bản thân cần sửa chữa“.
Hãy cho tôi biết mục tiêu phấn đấu của bạn
- Điểm mà doanh nghiệp chú ý tới là “khát vọng” và “việc cụ thể hóa mục tiêu” của bạn.
- Hãy xác định rõ những gì bạn có thể làm được trong doanh nghiệp đang ứng tuyển và đặt ra mục tiêu trước mắt.
- Trong bất cứ ngành nghề hay lĩnh vực nào, mục tiêu “nâng cao tiếng Nhật” cũng luôn được đánh giá cao.
Ví dụ không tốt:
✖ “Để có thể về Việt Nam mua nhà“.
✖ “Sống lâu dài ở Nhật Bản“.
Quả là một mục tiêu lớn lao nhưng nhất định bạn cần cân nhắc xem liệu nó có phù hợp cho một câu trả lời trong buổi phỏng vấn. Sống lâu dài ở Nhật Bản sẽ gây ra nghi ngờ “Vậy anh/chị dự định như thế nào với thủ tục visa…”.
Cách truyền đạt chính xác:
〇 “Tôi muốn tận dụng các kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản và bắt đầu các công việc khác tại Việt Nam sau 10 năm nữa“.
〇 “Tôi muốn làm việc ở Nhật trong một thời gian dài và trở thành nhân sự có thể lưu chuyển qua lại giữa Việt Nam và Nhật Bản”.
〇 “Tôi muốn sử dụng các kỹ năng tôi học được ở công ty của anh/chị vào việc kết nối đến các chi nhánh ở nước ngoài“.
〇 “Tôi muốn đạt tới trình độ thành thạo tiếng Nhật và có thể sử dụng nó trong lĩnh vực kinh doanh”.
Tới khi nào? Ở đâu? Và làm gì?
Là những từ khóa trong câu trả lời của bạn.
Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
- Tôi gợi ý bạn nên dành 30% để nói về “điểm mạnh”, và 70% còn lại để nói về “điểm yếu”.
- “Điểm mạnh” là những việc cần “nỗ lực” hơn để “cải thiện” và “khắc phục“.
- Hãy trình bày theo thứ tự như sau “Điểm mạnh” → “Điểm cần cải thiện” → “Việc thực hành” → “Kết quả”.
- Đây là một câu hỏi quan trọng để phát triển “kỹ năng tự phân tích“.
Ví dụ không tốt:
✖ “Điểm mạnh của tôi là một người có tính cách vui vẻ, hòa đồng. Còn điểm yếu là một người hay lo lắng“.
(Nhà tuyển dụng sẽ có sự hoài nghi)
Tính cách vui vẻ, hòa đồng… Việc này sẽ có ảnh hưởng tốt gì tới công việc?
Tính hay lo lắng … Bạn sẽ khắc phục điểm yếu này như thế nào?
Cách truyền đạt đúng:
〇 “Tôi được mọi người nhận định là một người vui vẻ, hòa đồng. Từ khi gia nhập công ty, tôi đã làm bầu không khí trong công ty thay đổi một cách đáng kể. Và tại bất cứ công ty nào tôi cũng được nhận xét như vậy. Tôi nghĩ điều này là do tôi có thể nói chuyện với bất kỳ ai mà không phân biệt đối xử. Có rất nhiều người muốn được tôi tư vấn cả những việc trong và ngoài công ty”.
〇 “Điểm yếu của tôi trước tới giờ là một người hay lo nghĩ. Chẳng hạn như việc tạo một file tài liệu nào đó cũng làm tôi kiểm tra đi kiểm tra lại rất nhiều lần. Tuy nhiên, cấp trên của tôi cũng là một người hay lo lắng nên đã đánh giá tôi là người có thể làm việc mà không để xảy ra sai sót gì. Cho tới bây giờ tôi nghĩ đó vẫn là điểm yếu của mình nhưng sau này tôi sẽ cố gắng để biến nó trở thành điểm mạnh của bản thân”.
Những người xung quanh nói bạn là người như thế nào?
- Đây là câu hỏi mang tính chất “đánh giá bản thân”.
- Phần này, bạn sẽ trả lời “một cách khách quan” từ chính việc “đánh giá bản thân” mình.
- Hơn nữa, bạn cần phải trả lời để kết nối với kỹ năng làm việc của chính bản thân mình.
- Ngoài ra, việc đưa ra ví dụ cụ thể tôi cho rằng đó là điều cần thiết “Tại sao họ lại có ấn tượng như vậy?”
Ví dụ không tốt
- “Họ nói tôi là một người thú vị”.
- “Họ nói cảm thấy rất vui khi ở gần tôi”.
- “Họ nói tôi là một người chăm chỉ”.
Phỏng vấn không phải là “buổi xem mặt”, những câu trả lời như vậy là không đủ để giúp bạn tỏa sáng. Tuy nhiên, cho tới bây giờ vẫn có rất nhiều người trả lời theo cách như vậy”.
Cách truyền đạt chính xác:
〇 “Họ nói tôi phù hợp cho vị trí lãnh đạo. Tôi thường được giao nhiệm vụ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong các sự kiện thể thao hoặc công việc trong trường, lớp. Còn trong công việc, tôi cũng đã từng nắm giữ vai trò điều phối các đội”.
〇 “Họ nói tôi là một người chu đáo. Tôi thường nhận ra những điều mà mọi người ko để ý tới. Từ tính cách đó, tôi luôn tự mình để ý và tiến hành công việc, chẳng hạn như tôi tự hỏi bản thân “Hiện tại tôi đang thiếu cái gì nhỉ?” hay là “Cấp trên đang có gì muốn nhờ tôi không nhỉ?”
〇 “Họ nói tôi là một người làm người khác thay đổi tâm trạng. Gia đình, bạn bè và những người trong công ty đều nói “Nếu có tôi bên cạnh, họ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn”. Tôi muốn ở cạnh động viên khi ai đó gặp khó khăn và cũng thường xuyên trao đổi với những hậu bối đi sau mình”.
Trong tình huống như thế nào thì bạn cảm thấy mình bị stress?
- Nguyên nhân gây ra căng thẳng không phải do bản thân mình mà là do “thứ khác” không phải là cách trả lời khôn khéo.
- Ngoài ra, “tôi không cảm thấy căng thẳng” không phải là một câu trả lời hay.
- Hãy chắc chắn rằng bạn luôn biết cách để làm giảm tối đa căng thẳng nhé.
Ví dụ không tốt:
- “Tôi không cảm thấy có gì căng thẳng hết. Tôi ổn”.
- “Tôi thực sự cảm thấy căng thẳng khi đường xá đông đúc”.
- “Tôi cảm thấy căng thẳng khi bận rộn”.
Vì bất cứ ai cũng có lúc “cảm thấy căng thẳng”, nên với câu trả lời này, bạn sẽ bị một điểm trừ khi đánh giá vì nhà tuyển dụng cho rằng đây là câu hỏi lời mang tính chất “trốn tránh”.
Ngoài ra, những căng thẳng gây ra bởi thứ khác không phải bản thân bạn như “khi đường đông”, “khi có người đi làm muộn”, “khi nói chuyện với sếp trong một thời gian dài” cũng là lý do khiến bạn “bị đánh giá thấp”.
Điều này khiến chúng tôi lo lắng rằng “Công ty chúng tôi cũng có thể gây ra căng thẳng cho bạn…”. Đây là một câu trả lời khó nhưng có những cách trả lời dưới đây.
Ví dụ… có những cách trả lời sau:
〇 “Tôi cảm thấy căng thẳng khi mắc lỗi trong công việc. Trong một thời gian dài, tôi thường tự trách mình tại sao tôi lại phạm sai lầm, nhưng sau khi trở thành người trưởng thành và đi làm, tôi bắt đầu cảm thấy tích cực và phải cải thiện nó như thế nào”.
〇 “Tôi cảm thấy căng thẳng khi gặp khó khăn với các mối quan hệ và công việc. Tuy nhiên, bằng cách kết thúc một ngày và nói chuyện với gia đình, sự căng thẳng đã giảm đi, hoặc việc ngủ một giấc cho tỉnh người cũng là một cách để tôi đối đầu với mọi căng thẳng”.
Tổng kết
Vậy là tôi đã đưa ra cho các bạn những lời khuyên về Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ③― Đánh giá ứng viên―. Dưới đây là phần tóm tắt:
- Mỗi câu hỏi đều đòi hỏi một câu trả lời liên quan tới công việc và truyền tải được sức hút của bạn.
- Điều quan trọng là đặt trong văn cảnh hợp lý, ngắn gọn, cụ thể.
- Tùy vào nội dung câu trả lời của bạn, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những câu hỏi cụ thể hơn.
- Phần “đánh giá bản thân” diễn ra từ chính những việc hàng ngày, hãy cố gắng giải thích về “bạn” nhiều hơn.
Các bài viết về Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản còn tiếp…