Du học Nhật Bản tại các trường tiếng đang là một xu hướng gần đây được nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn. Để tìm hiểu thêm về lý do, các bạn có thể tìm đọc ở một bài viết khác có tựa đề “Có nên đi du học Nhật Bản hay không?“.
Tuy nhiên, sau quá trình gần 2 năm học ở trường tiếng để sở hữu một vốn tiếng Nhật kha khá thì con đường sau đó như thế nào quả là thêm một quyết định khó khăn với các bạn du học sinh. Ngoài đối tượng du học sinh trường tiếng, cũng có không ít du học sinh theo học các trường senmon (chuyên ngành) và trường Đại học ở Nhật. Vậy sau khi tốt nghiệp, đâu là lối đi cho các du học sinh đó, hãy cùng jNavi thảo luận qua bài viết ngày hôm nay.
Du học sinh tốt nghiệp trường Nhật ngữ
Sau khoảng thời gian từ một năm rưỡi tới hai năm, du học sinh tốt nghiệp trường Nhật ngữ sẽ có những hướng đi nào?
Học lên trường Senmon (chuyên môn)
Với khoảng thời gian đào tạo thêm từ 2 -3 năm và kiến thức mang tính thực tế, sinh viên sau khi ra trường có thể lập tức làm việc được ngay. Do đó đào tạo sinh viên ra trường có thể lập tức bắt nhịp với công việc.
Có rất nhiều trường chuyên môn tại Nhật xếp ở các mức độ từ thấp đến cao phù hợp với mọi đối tượng. Chẳng hạn như những trường mang tính kỹ thuật cao như đào tạo kỹ sư cơ khí, ô tô, máy tính…, hay những trường chuyên môn về lĩnh vực “thương mại”, “biên – phiên dịch”, “kinh tế – dịch vụ”.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp các bạn sinh viên sau khi học xong trường chuyên môn lại phải nộp hồ sơ vào một trường chuyên môn khác để tiếp tục học thêm, tăng cơ hội xin được việc làm. Nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp tuy đã tốt nghiệp tới hai trường chuyên môn nhưng vẫn không thể xin việc, hay xin được việc rồi nhưng gặp rắc rối trong thủ tục xin gia hạn visa do nhiều sự bất cập về bằng cấp. Do vậy, lựa chọn một trường chuyên môn tốt và phù hợp cũng có thể làm tăng khả năng xin việc của bạn sau khi ra trường.
Tuy nhiên, hãy chỉ nên coi đây là “phương án dự phòng” khi các kế hoạch khác như đi xin việc hoặc học lên Đại học không được suôn sẻ.
Những đối tượng thường đi theo hướng này :
- Du học sinh sang du học Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại Việt Nam, chưa có bằng cấp gì đáng kể.
- Đã có bằng Đại học hoặc cao đẳng ở Việt Nam nhưng chuyên ngành đặc thù ít có cơ hội làm việc tại Nhật Bản hoặc trong công ty Nhật.
- Chưa tìm được cơ hội việc làm phù hợp tại Việt Nam.
- Trình độ tiếng Nhật tương đương N3.
Học lên Đại học
Sở hữu tấm bằng Đại học ở Nhật chứng tỏ bạn có một kiến thức chuyên ngành sâu rộng hơn và có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài ra nếu là sinh viên Đại học, bạn sẽ có nhiều cơ hội xin học bổng chính phủ hoặc quỹ tài trợ tư nhân giúp giảm bớt gánh nặng về mặt kinh tế.
4 năm Đại học ở Nhật sẽ là khoảng thời gian giúp bạn trải nghiệm cuộc sống ở Nhật nhiều hơn thông việc tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường, xây dựng các mối quan hệ với thầy cô và bạn bè ngoại quốc, cũng có thể là những người sẽ giúp đỡ rất nhiều cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn về sau.
Cũng giống đa phần Đại học ở Việt Nam, các trường Đại học ở Nhật với chế độ học tín chỉ giúp sinh viên có thể tự do sắp xếp lịch học của mình cho phù hợp với thời gian biểu. Nên ngoài giờ học, sinh viên có thể tìm được những công việc làm thêm tốt hơn, thu nhập cao hơn và học hỏi được nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc thi đỗ vào Đại học của Nhật thực sự rất khó khăn bởi 2 lý do. Đề thi thực sự “khó” và cách ra đề đòi hỏi học sinh phải có vốn hiểu biết xã hội sâu rộng hoặc kỹ năng làm bài tốt để vượt qua bài thi.
Những đối tượng thường đi theo hướng này :
- Du học sinh trường tiếng hoặc trường chuyên môn.
- Tiếng Nhật tốt, tương đương N2 hoặc vốn tiếng Anh ở mức khá giỏi.
Xin việc làm tại Nhật
Để tiếp tục xin được visa tại Nhật buộc bạn phải có hợp đồng lao động chính thức với một công ty Nhật. Công ty càng tốt và càng có vị thế thì cơ hội bạn xin được visa ở lại là càng cao. Khả năng có xin được việc hay không còn tùy thuộc vào trình độ chuyên môn và năng lực tiếng Nhật của bạn.
Những đối tượng thường đi theo hướng này :
- Tốt nghiệp các trường Đại học trong nước, đã có ít nhất một chuyên môn riêng.
- Tiếng Nhật từ N3 trở lên, tự tin về khoản giao tiếp.
Du học sinh tốt nghiệp trường Senmon, Đại học
Tiếp tục ôn thi và học lên các chương trình đào tạo cao hơn
Đối với các chuyên ngành cao học bằng tiếng Nhật, ở Nhật các chương trình dự bị cao học (khoảng 1 năm) để du học sinh cân nhắc và luyện thi vào cao học (thạc sỹ hoặc tiến sỹ). Tùy vào từng trường hoặc ngành học hay giáo sư hướng dẫn mà việc học dự bị cao học sẽ có độ khó khác nhau, nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội về học tập và làm việc tốt hơn cho du học sinh.
Việc học lên thạc sĩ có thể giúp bạn cải thiện vốn kiến thức và làm tăng cơ hội việc làm tại Nhật. Có một lợi thế nữa là nếu không tự tin với vốn tiếng Nhật của mình thì đừng lo, hầu hết các trường ở Nhật Bản đều có các chương trình sau Đại học bằng tiếng Anh.
Ứng tuyển vào các công ty Nhật tại Nhật
Với trình độ tiếng Nhật N2 – N3 bạn hoàn toàn có thể làm việc trong các công ty Nhật tại Nhật. Tuy nhiên, có thể sự lựa chọn trong công việc sẽ có giới hạn hoặc không đúng với chuyên ngành mong muốn. Mình khuyên các bạn nên có định hướng ngay từ đầu để tránh bị hoang mang với những câu hỏi như “Sau khi tốt nghiệp thì làm gì?” thì ngay từ khi nhập học các bạn nên chọn những ngôi trường có liên kết với doanh nghiệp đúng chuyên ngành mà bạn mong muốn. Chẳng hạn như :
- Chương trình thực tập hưởng lương ngành Nhà hàng – Khách sạn
- Chương trình thực tập hưởng lương ngành Công nghệ thông tin
Về nước và tìm kiếm cơ hội tại các công ty Việt Nam
Đây cũng là phương án được nhiều du học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Có khá nhiều bạn băn khoăn rằng sau khi tốt nghiệp về Việt Nam có thể làm gì? Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy Nhật Bản là 1 trong số 3 nước có số vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, Việt Nam cũng là nước đứng ở vị trí thứ 2 được các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn là điểm đến để mở rộng kinh doanh. Một vài dẫn chứng đó để thấy được cơ hội việc làm rộng mở của các sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Nhật Bản. Bên cạnh đó là những mức lương khởi điểm khá cao so với mặt bằng chung của sinh viên Việt Nam và những chế độ đãi ngộ hấp dẫn thu hút nhân tài.
Tổng kết
Albert Schweitzer – nhà triết học người Đức từng nói “
Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.
Tạm dịch là “Thành công không phải chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc, mà hạnh phúc là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm, nhất định bạn sẽ thành công”.
Tôi tin chắc rằng dù bạn chọn hướng đi nào, dù tiếp tục học lên cao hay về nước làm việc thì chỉ cần bạn kiên định với lựa chọn đó, thành công sẽ đến gần bạn hơn bao giờ hết. Nhật Bản không phải toàn những màu hồng nhưng sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm mà khó có nơi nào có thể đem tới cho bạn.
Chúc các luôn tin tưởng và thành công với lựa chọn của mình.