Mọi thành công đều nhờ kiên trì và lòng đam mê!
Ngạn ngữ Tây Ban Nha
Nghề Tester trong những năm gần đây là một nghề nổi lên trong giới IT với đặc trưng là sự giao thoa giữa công nghệ và ngôn ngữ. Nói một cách dễ hiểu, Tester là người kiểm thử phần mềm để tìm kiếm ra các lỗi sai hay bất cứ vấn đề nào mà có thể ảnh hưởng đến chất lượng phần mềm.
Có thể nói đây là một bộ phận rất quan trọng trong team vì tester chính là những “người dùng đầu tiên” trải nghiệm phần mềm trước khi thực sự tới tay người dùng. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng lắng nghe câu chuyện của Thủy – cô gái cá tính đã lựa chọn gia nhập ngành IT với công việc của một Tester.
Thông tin cá nhân
- Họ tên : Dương Thị Thủy
- Ngày sinh : 01/03/1992
- Học vấn : Tốt nghiệp khoa tiếng Nhật – Đại học Hà Nội
- Ngoại ngữ : JLPT N2
- Công việc hiện tại : Tester tại công ty Control HRT Việt Nam
- Kinh nghiệm : 2 năm trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm
Q1. Chào Thủy! Rất cảm ơn bạn đã nhận lời mời tham gia buổi phỏng vấn của jNavi. Câu hỏi đầu tiên xin bạn cho biết
“Tại sao bạn lại chọn nghề Tester? Hay nói cách khác điều gì ở nghề này khiến bạn cảm thấy thú vị?”
Mình xuất thân là dân ngoại ngữ, sau khi ra trường mình xin vào làm comtor trong 1 công ty IT. Trong quá trình làm việc, điều may mắn là mình có cơ hội trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau và rồi mình nhận ra là nếu chỉ có tiếng Nhật thôi thì không đủ, nếu học thêm 1 nghiệp vụ khác nữa thì sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong công việc. Đúng trong lúc đó công ty có dự án cần 1 tester biết tiếng nhật để vừa có thể vừa kiểm thử phần mềm, vừa hỗ trợ khách hàng Nhật và mình bắt đầu bước chân vào nghề tester từ đó đến giờ. Cũng thật may là càng làm mình lại càng cảm thấy có hứng thú với công việc này và chưa từng thấy hối hận về quyết định ngày ấy.
Q2. Xin hỏi bạn học lý thuyết / thực hành từ những nguồn nào?
Mình có cơ hội vừa học vừa thực hành test trong quá trình làm việc tại công ty cũ. Dần dần mình rút ra kinh nghiệm rằng thực hành test nhiều hệ thống là cách nhanh nhất để học hỏi nghiệp vụ và nâng cao khả năng phân tích hệ thống. Như đã chia sẻ ở trên, mình là “kẻ ngoại đạo” bước chân vào ngành IT nên để có kiến thức bài bản hơn và cũng là để định hướng nghề nghiệp của bản thân thì mình có tham gia một khóa học test ở trung tâm. Ngoài ra, ngày nay có rất nhiều trang Web với nguồn thông tin hữu ích, từ đó mình có thể học hỏi thêm rất nhiều về kiến thức cũng như nghiệp vụ test miễn phí. Chỉ cần đầu tư thời gian và kiên trì thì trình độ của bạn có thể nâng cao rất nhanh.
Q3. Bạn có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại được không?
Hiện tại mình đang làm việc tại công ty Control HRT Việt Nam – một công ty công nghệ tự phát triển sản phẩm của Nhật Bản có chi nhánh tại Việt Nam áp dụng quy trình làm việc với những yêu cầu chặt chẽ và quy trình phát triển phần mềm chuyên nghiệp của Nhật Bản. Mình đang phụ trách kiểm thử cho 2 hệ thống của công ty là Reserva và yoiwork. Do là hệ thống của công ty nên trong quá trình làm việc mình được trao đổi trực tiếp với team Dev mà không cần thông qua bên thứ 3. Và một điều mình rất trân trọng là ý kiến hay đóng góp của mình trong công việc đều được cấp trên và đông nghiệp lắng nghe. Công việc thì không tránh khỏi những khúc mắc nhưng luôn có tương tác giữa các bộ phận kịp thời nên mình cảm thấy khá thoải mái và tự nhận thấy bản thân phù hợp với “văn hóa công ty” hiện tại.
Q4. Bạn có bí kíp gì để test nhanh hay giúp cho công việc của mình hiệu quả hơn không?
Mỗi người sẽ có một phương pháp hay bí kíp riêng để có thể test nhanh và hiệu quả. Còn đối với mình thì mình có 1 số lưu ý trong quá trình kiểm thử để đảm bảo phần mềm được kiểm tra đạt hiệu quả tốt và tối ưu hóa công việc như sau :
1. Để có thể thực sự hiểu được hầu hết yêu cầu của khách hàng/hệ thống thì tester nên tham gia vào quá trình xây dựng phần mềm càng sớm càng tốt, để có thể nắm bắt được rõ hơn về hệ thống và đưa ra các chiến lược test hiệu quả.
2. Lập ra một kế hoạch test cụ thể, tối ưu hóa hiệu quả của việc test
3. Lưu trữ dữ liệu sao cho dễ tra cứu, dễ đọc, dễ sử dụng, an toàn, có thể update, sao lưu, backup…
4. Viết testcase hiệu quả, có độ bao phủ tốt
5. Báo cáo bug rõ ràng, chi tiết, đầy đủ thông tin để quá trình khắc phục lỗi diễn ra thuận lợi
6. Nâng cao kỹ năng giao tiếp với team Dev để tăng sự kết nối giữa các team làm việc cùng nhau. Khi có phát sinh bất cứ vấn đề gì thì phải chắc chắn rằng bạn đã báo cáo – liên lạc –trao đổi đầy đủ. Nguyên tắc cơ bản là không giao tiếp bằng miệng, cần có văn bản để xác thực.
Q5. Theo bạn, những kỹ năng cần thiết mà một tester phải có là gì?
Theo mình kỹ năng cần thiết nhất đối với một tester là :
✅ Kỹ năng phân tích nhanh nhạy và chính xác, rèn luyện được khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, nhiều hướng.
✅ Thứ 2 là luôn luôn học hỏi bởi công nghệ ngày càng phát triển và phát triển từng ngày, mỗi ngày đều có nhiều điều mới mẻ. Nếu chúng ta không cập nhật thông tin thì chúng ta sẽ tụt hậu. Do vậy, chúng ta phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nổ lực tìm kiếm, cập nhật mọi sự thay đổi để phục vụ cho công việc, lĩnh vực mà mình quyết định gắn bó
✅ Thứ 3 là chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì. Bạn phải luôn đặt câu hỏi, luôn có suy nghĩ không bao giờ hết bug trong sản phẩm, tìm mọi cách tìm ra bug bởi nếu đã qua khâu kiểm tra mà sản phẩm vẫn bị lỗi, tester phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
✅ Thứ 4 là có nền tảng kỹ thuật, nếu trái ngành thì cố gắng tự trau dồi nhiều nhất có thể.
✅ Thứ 5 là phải cần kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
✅ Thứ 6 là có tinh thần hợp tác bởi “một cây làm chẳng lên non ba cây chụm lại lên hòn núi cao”. Và trong quá trình làm việc nếu bản thân mắc lỗi thì phải hiểu và biết thừa nhận lỗi của bản thân.
✅ Cuối cùng là trau dồi ngoại ngữ (tiếng anh/tiếng nhật) bởi có một nền tảng ngoại ngữ tốt sẽ đem lại ưu thế cho bản thân cũng như cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Q6. Có rất nhiều trường hợp giữa Dev và tester xảy ra mâu thuẫn trong công việc, bạn đã bao giờ gặp phải tình huống đó chưa? Và bạn đã xử trí như thế nào?
Dù là người khéo léo đến đâu cũng có lúc xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp và bản thân mình cũng vậy. Trong công việc khi Dev và tester xảy ra mâu thuẫn thì mình luôn tự nhủ phải bình tĩnh và tìm hiểu kỹ càng vấn đề trước khi đưa ra tranh luận.
Ví dụ đã có lần mình gặp trường hợp như thế này, dev không thừa nhận bug mình tìm ra là bug nên không fix, lúc đó mình sẽ không vội tranh cãi mà sẽ đọc lại phần đã test để chắc chắn rằng mình đúng rồi chỉ ra chỗ sai của dev hoặc tái hiện lại bug cho dev xem. Hoặc giả dụ cũng có những lúc mình hiểu sai vấn đề nên nảy ra tranh cãi không đáng có. Những lúc như vậy mình sẽ tìm đến một người thứ 3 (chẳng hạn leader/ manager) để trình bày vấn đề, xin lời khuyên và tự nhìn nhận lại để giải quyết. Khi làm việc thực tế sẽ có rất nhiều những tình huống khó xử và mình rút ra kinh nghiệm cách xử trí hợp lý nhất có lẽ là thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và bình tĩnh tìm ra cách giải quyết.
Q7. Bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang học và có định hướng làm tester trong tương lai không?
Cá nhân mình vì là một tester chuyển từ comtor qua nên mình có những trải nghiệm khá thú vị cũng như là khó khăn trong công việc làm tester. Nếu để dành một lời khuyên cho các bạn trẻ đang học và có định hướng tester thì mình nhận thấy có những điểm cần lưu ý sau
✅ Nên học chắc những kiến thức về lập trình cũng như công nghệ thông tin, nó sẽ giúp ích cho các bạn từng bước bước xa hơn trong các vài trò tester từ manual đến automation.
✅ Chịu khó tìm tòi và trải nghiệm những ứng dụng, trang web để hiểu thêm về UI, UX của người dùng.
Mỗi một domain test sẽ có một UI, UX khác biệt, ví dụ như test mobile app sẽ khác với test web. vì vậy việc hiểu UI, UX sẽ cho ra một ứng dụng phù hơp với người dùng.
✅ Nghiên cứu và học hỏi trên những diễn đàn tester hoăc forum công nghệ như medium.
✅ Hãy làm việc chăm chỉ mỗi ngày thêm 1 chút và lưu ý lại những thứ đã test, các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm và kiến thức cho riêng mình.
Cảm ơn Thủy đã tham gia buổi phỏng vấn của jNavi ngày hôm nay. Chúc bạn sức khỏe và gặp nhiều thành công trong sự nghiệp.