Kinh nghiệm phỏng vấn vào công ty Nhật

Kinh nghiệm phỏng vấn vào công ty Nhật

Ngày còn là sinh viên Đại học, khi được hỏi về lý do tại sao lại học tiếng Nhật, tôi từng nghe thấy rất nhiều bạn có chung một câu trả lời là 「日本の会社ではたらきたいです。」(tạm dịch là “Vì tôi muốn được làm việc trong Doanh nghiệp Nhật Bản”). Đúng! Sau những năm tháng miệt mài trên ghế nhà trường, chắc hẳn bạn nào cũng mong muốn tìm được một công việc phù hợp với năng lực bản thân và chuyên ngành học.

Tuy nhiên, sau khi nộp sơ yếu lý lịch (CV) và được hẹn lịch phỏng vấn thì có rất nhiều bạn lại khá tỏ ra khá lúng túng khi gặp mặt trực tiếp nhà tuyển dụng. Vậy những điều chúng ta cần chuẩn bị cho buổi phỏng vấn là gì? Làm thế nào để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng? Qua những kinh nghiệm của bản thân mình, tôi xin chia sẻ cùng các bạn điều đó qua bài viết ngày hôm nay.

Trước khi phỏng vấn cần chuẩn bị những gì?

Bản sơ yếu lý lịch

Dĩ nhiên, để tới được vòng phỏng vấn, điều quan trọng đầu tiên ghi điểm bạn trong mắt nhà tuyển dụng là một chiếc CV ấn tượng. Với những bạn sinh viên mới ra trường, chắc hẳn mục “Kinh nghiệm” sẽ có nhiều bạn lo ngại vì mình chưa từng đi làm ở đâu cả. Tuy nhiên, tất cả những việc làm part time các bạn đã làm hay các hoạt động tình nguyện các bạn đã tham gia đều được ghi nhận. Nên đừng ngại ngùng, hãy viết tất cả vào CV của bạn nhé!

Cách viết CV đúng, “chuẩn Nhật” đã từng được jNavi chia sẻ qua bài viết “Cách viết sơ yếu lý lịch“. Đây là bài viết được rất nhiều bạn trẻ quan tâm và tôi nghĩ là một nguồn tham khảo đáng tin cậy với những bạn vẫn đang băn khoăn chưa biết viết CV như thế nào.

Nếu cẩn thận, bạn nên in ra một bản CV và mang theo khi đi phỏng vấn. Còn hầu hết các doanh nghiệp đã in trước bản CV bạn gửi qua email rồi.

Trang phục và vẻ bề ngoài

Các công ty Nhật Bản đa phần rất đơn giản hóa trong trang phục, tuy nhiên vẫn đề cao tính lịch sự và tác phong của nhân viên qua bộ trang phục.

Đối với nữ

  • Gương mặt : Tạo ấn tượng với làn da khỏe mạnh, trang điểm tự nhiên
  • Quần áo : Mặc trang phục phẳng phiu, không bị nhăn. Đặc biệt lưu ý giữ sạch phần cổ và tay áo. Không mở cổ áo quá rộng và chọn những trang phục quá sặc sỡ
  • Nước hoa : Không chọn mùi nước hoa quá nồng, nên chọn mùi nhẹ nhàng, tự nhiên
  • Quần tất : Chọn màu quần tất cùng với màu da
  • Giày : Lựa chọn đôi giày có màu sắc và thiết kế phù hợp. Lưu ý giữ sạch giày
  • Móng tay : Không để quá dài và bị bẩn, nếu sơn móng không sơn màu quá nổi bật
  • Phụ kiện : Chọn phụ kiện đơn giản
  • Tóc : Nhuộm màu tóc tự nhiên

Đối với nam

  • Tóc : Không để tóc quá dài, tránh tình trạng còn vẩy gàu trên đầu
  • Nước hoa : Không chọn mùi nước hoa quá nồng, nên chọn mùi nhẹ nhàng, tự nhiên
  • Móng tay : Không để móng tay dài, giữ sạch sẽ
  • Quần : Chọn chiều dài quần phù hợp, không để quần bị bẩn
  • Áo : Mặc chiếc áo sơ mi đã được là phẳng, không bị bẩn cổ hoặc tay áo. Nếu áo có túi thì không nên để quá nhiều đồ trong túi áo
  • Giày : Chọn đôi giày với thiết kế và màu sắc phù hợp. Không đi giày bẩn hay những đôi giày đã quá cũ
  • Gương mặt : Không để râu dài, không còn gỉ mắt, cắt tỉa lông mũi gọn gàng, chải răng sạch sẽ, giữ gìn làn da khỏe khoắn

Sổ tay

Đây là vật “bất ly thân” trong các công ty Nhật. Do buổi phỏng vấn sẽ có rất nhiều vấn đề cần trao đổi nên hãy luôn nhớ mang theo sổ tay và bút để “memo” lại những gì cần thiết nhé.

Vòng phỏng vấn bắt đầu

Nên làm gì khi bước vào phòng phỏng vấn

  • Gõ cửa 3 lần. Nếu nghe thấy tiếng nói từ phía trong phòng 「どうぞ」thì mở cửa đi vào.
  • Sau khi mở cửa, nhìn về phía ngưởi tuyển dụng và nói dõng dạc 「失礼します」rồi bước vào trong phòng.
  • Sau khi bước vào phòng, đóng cửa nhẹ nhàng và cúi chào nhà tuyển dụng một lần nữa.
  • Nhìn về phía nhà tuyển dụng chào hỏi lịch sự 「私は〇〇です。どうぞよろしくお願いします。」

※Lưu ý : Nếu nhà tuyển dụng bạn là người Nhật thì khi giới thiệu tên hãy nói thật từ từ để họ có thể nghe được trọn vẹn tên bạn là gì. Do sự khác biệt về âm tiết và dấu câu nên việc người Nhật nghe tên người Việt để nhớ và phát âm lại là rất khó.

Trả lời câu hỏi phỏng vấn

Trả lời bằng câu hoàn chỉnh, không dùng từ để trả lời

Tôi đưa ra 2 ví dụ như sau :

Luôn ghi nhớ trả lời bằng những câu hoàn chỉnh chứ trả lời bằng từ đơn lẻ. Hãy dùng những từ kết thúc câu như 「~です」「~ます」để trả lời câu hỏi nhé!

Trả lời đầy đủ không lược bỏ cấu trúc câu

Khi trả lời phỏng vấn, hãy cố gắng trả lời thật đầy đủ, không sử dụng những cấu trúc câu ngắn như 「ーなきゃ」「ーちゃう」. Hãy luôn sử dụng thể lịch sự để nói chuyện với nhà tuyển dụng.

Trả lời đúng vào ý chính, không dài dòng

Với mỗi câu hỏi được hỏi trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ có khoảng 20 giây để trả lời cho một câu hỏi. Riêng khi giới thiệu bản thân và lý do ứng tuyển, do đây là phần quan trọng cần thời gian để giải thích nên hãy luyện tập trước để nói được trong khoảng 2 phút.

Trả lời chỉnh chu, gây ấn tượng

Bất cứ câu trả lời nào của bạn trong buổi phỏng vấn cũng chính là một lý do để nhà tuyển dụng quyết định “nhận” hay “loại” bạn. Dù có những tính cách hoặc thói quen chưa được tốt lắm nhưng nếu biết khéo léo sử dụng ngôn ngữ thì có thể sẽ làm giảm được sự tiêu cực trong cảm xúc.

Chẳng hạn, khi bị hỏi về điểm yếu thay vì nói “Tôi thường xuyên muộn giờ” thì có thể thay đổi cách nói là “Tính tôi đôi lúc hơi thong dong, chậm rãi” hoặc “Tôi hay tranh thủ thời gian để làm các công việc của bản thân”.

Trả lời câu hỏi đúng mục đích của nhà tuyển dụng

Những gì nhà tuyển dụng muốn biết sẽ thay đổi tùy thuộc vào mục đích phỏng vấn. Điều quan trọng là không giải thích cũng như không nói những điều thừa thãi trong cuộc phỏng vấn. Do đó, hãy tìm hiểu trước những tình huống giả lập có thể xảy ra và nghĩ ra phương án đối ứng.

Có thể tham khảo video “Cách trả lời phỏng vấn vào công ty Nhật“.

Làm gì khi không hiểu câu hỏi của nhà tuyển dụng?

Có rất nhiều trường hợp xảy ra khi ứng viên không hiểu câu hỏi của nhà tuyển dụng hoặc không biết phải trả lời bằng tiếng Nhật như thế nào.

Tuy nhiên, đừng ngại hay xấu hổ, hãy nhờ nhà tuyển dụng nhắc lại câu hỏi một lần nữa bằng câu 「すみません。もう一度、お願いします。」hoặc cố bình tĩnh sử dụng vốn tiếng Nhật sẵn có để trả lời câu hỏi. Mình khuyên các bạn chỉ nên tập trung nắm vững và sử dụng thành thạo những từ tiếng Nhật cơ bản. Điều quan trọng là truyền đạt được ý chính bạn muốn nói chứ không phải là việc biết nhiều từ vựng nhưng không diễn đạt được.

Khi buổi phỏng vấn kết thúc

  • Khi nhà tuyển dụng nói “Buổi phỏng vấn tới đây là kết thúc”, hãy ngồi tại chỗ cúi đầu chào và nói 「ありがとうございます。」.
  • Đứng ra khỏi ghế, nhìn về phía nhà tuyển dụng và nói 「どうぞよろしくお願いします。」.
  • Tiến về phía cửa, trước khi mở cửa đi ra quay lại cúi chào nhà tuyển dụng thêm một lần nữa.
  • Đi ra ngoài và đóng cửa thật nhẹ nhàng hoặc giữ tay cầm đóng cửa và nói 「失礼します。」.

Những mẹo nhỏ khi phỏng vấn

  • Chia nhỏ để luyện tập theo tiến trình Vào phòng phỏng vấn -> Phỏng vấn -> Ra khỏi phòng phỏng vấn.
  • Điều gây ấn tượng đầu tiên là trang phục và cách chào hỏi của bạn. Đừng làm mất điểm ngay từ những phút đầu.
  • Tắt điện thoại hoặc chuyển sang chế độ im lặng, tránh làm phiền khi buổi phóng vấn diễn ra.
  • Điều người Nhật tuân thủ tuyệt đối là thời gian. Do đó, cố gắng đến trước khoảng 5-10 phút so với giờ hẹn.
  • Luôn memo lại những gì nhà tuyển dụng nói và hỏi lại khi có vấn đề gì không hiểu.
  • Bình tĩnh để có thể sử dụng được hết vốn tiếng Nhật của mình trong buổi phỏng vấn, vì nếu mất bình tĩnh bạn sẽ không thể nói được tiếng Nhật đâu.
  • Trả lời khéo léo, đi vào đúng vấn đề mà nhà tuyển dụng muốn biết.
  • Tạo ấn tượng về khả năng ngoại ngữ bằng cách chuẩn bị một bài “Giới thiệu bản thân” hấp dẫn và trôi chảy.

Trên đây là tất cả những gì mình muốn chia sẻ về tiến trình của một buổi phỏng vấn. Chúc các bạn ứng viên tìm được công việc phù hợp và những buổi phỏng vấn sẽ luôn diễn ra suôn sẻ.

Từ đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của các bạn ứng viên cũng như chuẩn bị cho mùa tuyển dụng 2020, jNavi sẽ đẩy mạnh các bài viết liên quan đến chủ đề “Công việc”. Mời các bạn tiếp tục theo dõi kênh jNavi để đón đọc các bài viết hấp dẫn và bổ ích nhé!