Với những người học ngoại ngữ, ước mơ lớn nhất theo tôi có lẽ là được đặt chân tới đất nước bản xứ. Vì khao khát của họ là được nói ra thứ tiếng mà mình đã được học, được giao tiếp với người bản địa một cách trôi chảy, để bộc lộ được những nỗ lực mà họ đã bỏ ra suốt những tháng ngày “học ngoại ngữ”. Tôi cũng vậy, cũng là một cô gái mang trong mình ước mong được đặt chân tới “xứ sở hoa anh đào” để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Đến với tiếng Nhật như một bước ngoặt cuộc đời, và đến bây giờ tôi chưa từng hối hận về quyết định đó. Và việc tới Nhật cũng như một bệ phóng thay đổi lối suy nghĩ cổ hủ và đánh thức con người trong tôi.
Tôi nghĩ mình may mắn, vì việc sang Nhật của mình khá thuận lợi và suôn sẻ. Tuy nhiên, “chẳng có con đường nào trải thảm đỏ để bạn sẵn bước”, dĩ nhiên tôi đã vấp phải những khó khăn đầu đời. Đây hẳn là câu chuyện dễ hiểu với những bạn đã và đang sắp sang Nhật, nên ngày hôm nay qua bài viết này, tôi xin chia sẻ cùng các bạn tất cả những kinh nghiệm cũng như các thủ tục mà tôi đã trải qua để có thể đặt chân tới Nhật Bản.
Cơ duyên với đất nước Nhật
Tháng 6 năm 2017, đang là sinh viên chuẩn bị kết thúc năm 3 Đại học, qua bộ môn tiếng Nhật của trường, tôi vô tình biết được trường mình đang có liên kết với một cơ sở giáo dục bên Nhật. Họ tuyển “thực tập sinh” cho các khách sạn và nhà hàng tại Nhật Bản với thời hạn visa 1 năm. Lúc ấy trong đầu chỉ nghĩ tới việc chắc có thể sẽ cải thiện được kha khá vốn tiếng Nhật ít ỏi mình đang có. Tôi đăng ký với bộ môn và chờ lịch hẹn phỏng vấn.
Vòng phỏng vấn
Ngày phỏng vấn, hồi hộp xen lẫn lo lắng là cảm xúc chắc bạn nào đã trải qua rồi cũng có thể hiểu được. Nhưng tôi có một lời khuyên cho các bạn rằng, hít một hơi thật sâu và coi như buổi phỏng vấn như một cơ hội để được nói chuyện với người Nhật. Nếu với suy nghĩ tích cực ấy, tôi tin rằng buổi phỏng vấn sẽ chỉ mang tính chất cuộc nói chuyện và mức độ căng thẳng được giảm đi đáng kể.
Thêm một điều nữa là các bạn chỉ nên sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, chứ không cần sử dụng các từ chuyên ngành hay mang tính chất “quá cao siêu”. Tôi nghĩ đây chính là bí quyết để giao tiếp với người Nhật một cách trôi chảy nhất, mục đích giao tiếp quan trọng nhất là hiểu được ý đồ của đối phương và truyền đạt được ý kiến của mình.
Nếu bạn chưa nghe rõ hoặc chưa hiểu, đừng lo sợ gì cả mà hãy nhờ đối phương nhắc lại để giúp bạn hiểu rõ hơn nhé. Ví dụ những câu nói đơn giản như 『すみませんが、もう一度お願いします。』(Xin phiền bạn nhắc lại một lần nữa được không?)『すみませんが、わかりませんから、ゆっくり話してください。』(Xin lỗi nhưng tôi chưa hiểu rõ lắm, bạn hãy nói chậm lại một chút nhé). Với những câu nói như vậy, người Nhật sẽ hoàn toàn thông cảm và giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn.
Ngoài ra, qua kinh nghiệm bản thân mình xin chia sẻ với các bạn các “bí kíp” phỏng vấn qua Skype sau:
- Dọn dẹp sạch sẽ không gian xung quanh.
- Chọn trang phục phù hợp.
- Chọn góc đặt camera phù hợp với khuôn mặt.
- Ngồi thẳng, nói to rõ ràng.
- Xác nhận trước đường truyền Internet, không làm gián đoạn.
Hình thức phỏng vấn
Thông thường nếu phỏng trực tiếp với đại diện bên Nhật sẽ tiếp hành phỏng vấn qua Skype, mỗi cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 7-10 phút để hiểu thêm chút về tính cách và khả năng ngoại ngữ của mỗi cá nhân. Còn toàn bộ thông tin cá nhân của bạn đã có trong CV bạn nộp khi đăng ký tham gia rồi. Do đó, việc giới thiệu bản thân nên nói ngắn gọn nhất có thể. Đây cũng là hình thức phỏng vấn được nhiều trường Nhật ngữ áp dụng để sàng lọc học sinh sang Nhật du học.
Hình thức phỏng vấn trực tiếp thường được ít áp dụng hơn do khoảng cách địa lý. Nếu có, thì đây là hình thức phỏng vấn giữa đại diện các công ty tiếp nhận lao động và người lao động nước ngoài để có thể nhận thấy rõ năng lực chuyên môn cũng như kiểm tra tay nghề của họ. Nên hình thức này thường được áp dụng cho các đơn hàng đi Xuất khẩu lao động đặc thù.
Kết quả phỏng vấn thường sẽ có ngay sau khi phỏng vấn hết ứng viên hoặc hẹn lịch trả kết quả qua email sau khoảng 7-15 ngày.
Các thủ tục cần thiết & chuẩn bị hành lý
Làm hồ sơ, hộ chiếu, visa
Hồ sơ thường sẽ do phía nhà trường hoặc cơ sở du học hỗ trợ bạn thực hiện. Việc bạn cần làm là cung cấp cho họ đầy đủ thông tin và các giấy tờ cần thiết như : bảng điểm, bằng tốt nghiệp cấp 3, giấy khai sinh, ảnh, hộ khẩu thường trú, chứng minh thư của bản thân và người bảo lãnh, hộ chiếu… (tùy vào từng trường hợp sẽ yêu cầu những loại giấy tờ khác nhau). Nhưng trên đây là những giấy tờ cơ bản bắt buộc.
Hộ chiếu là loại giấy tờ bắt buộc cấp cho công dân mỗi nước để có thể đi sang nước ngoài, sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân. Việc làm hộ chiếu tiến hành khá đơn giản, bạn chỉ cần khai thông tin online trên trang “Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh Việt Nam”, và làm theo hướng dẫn. Chi phí cho lần đầu xin cấp hộ chiếu là 200.000 đồng và thời gian chờ là khoảng 2 tuần từ khi hồ sơ được tiếp nhận.
Sau khi hồ sơ được gửi đi, nếu không có vấn đề gì và bạn được xác nhận sang Nhật một cách hợp pháp thì bạn sẽ nhận được COE (Certificate of Eligibility). COE là giấy chứng nhận tư cách lưu trú cho du học sinh và được cấp bởi Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản, xác nhận về tư cách lưu trú hợp pháp của bạn tại Nhật. Sau khi nhận được COE, bạn mang hộ chiếu và COE tới đại sứ quán Nhật Bản để làm thủ tục cấp Visa. Thời gian trả kết quả Visa là khoảng 5-7 ngày, có những trường hợp đặc biệt cần nhiều thời gian hơn. Tới đây khoảng 70% công đoạn chuẩn bị coi như đã xong.
Chuẩn bị hành lý
Quần áo, giày dép
Đây có lẽ là vấn đề được nhiều bạn quan tâm nhất. Thời tiết Nhật Bản chia làm 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Để tham khảo thêm các bạn có thể truy cập vào chuyên mục 生活 trên trang jNavi để hiểu rõ hơn đặc trưng từng mùa.
Theo ý kiến cá nhân và kinh nghiệm của mình, các bạn nên mang những trang phục phù hợp để có thể mặc để đi làm thêm cũng như đi học. Phổ biến nhất vào mùa hè là áo phông và quần jeans, còn vào mùa đông là áo len và áo khoác dày. Mình đã từng mang sang Nhật rất nhiều quần áo và cho tới khi về nước, có những thứ đồ mình chưa từng mặc đến và có nhiều đã phải vứt bỏ lại Nhật vì hành lý quá nhiều không thể mang về thêm.
Do đó, mình khuyên các bạn tìm hiểu thời tiết vùng các bạn sẽ tới, mang đủ số lượng quần áo mặc trong khoảng 2-3 tuần tới. Sau khi đã nắm được cơ bản các siêu thị và trung tâm thương mại gần khu bạn ở, các bạn có thể tự mình đi mua sắm quần áo ở Nhật. Quần áo ở Nhật không hề đắt nên yên tâm nhé!
Các hãng quần áo bình dân được người nước ngoài ưa chuộng ở Nhật như Shimamura hoặc Uniqlo. Đặc biệt là vào mùa đông, hãy tới và sắm cho mình những chiếc áo giữ nhiệt hoặc áo khoác dày để chống lại thời tiết giá rét ở Nhật nhé!
Giày dép ở Nhật cũng rất dễ tìm thấy ở các siêu thị hay trung tâm thương mại. Đặc biệt là vào mùa đông, đừng quên sắm cho mình một đôi giày đi tuyết phù hợp nhé!
Đồ ăn
Cá nhân mình ngày đi Nhật cũng đã từng vào siêu thị mua đến cả 1 xe đẩy mì tôm và phở ăn liền, vì lo đang bên ấy bị đói. Và kết quả là mình đã dành nguyên 1 vali chỉ để đựng đồ ăn, nhưng khi sang tới nơi đi siêu thị mình mới biết trong siêu thị bán cả mỳ gói và phở ăn liền Việt Nam, hoặc có hàng của Thái Lan ăn có hương vị khá giống Việt Nam nữa.
Ngoài ra, do số lượng người Việt ở Nhật khá đông nên các siêu thị bán đồ Việt ở Nhật trở nên khá phổ biến. Do đó, việc thưởng thức đồ ăn quê nhà ngay tại chính đất nước Nhật là khá dễ dàng.
Mình khuyên các bạn chỉ nên mang một lượng đồ ăn liền vừa đủ cho khoảng tầm 2 tuần đầu rồi sau đó đi siêu thị và tập làm quen dần với đồ ăn ở Nhật. Vì ít nhất khoảng thời gian các bạn ở Nhật cũng được tính bằng năm, nên việc làm quen với đồ ăn Nhật là điều tất yếu phải không?
Nhưng lưu ý, gần đây đã có rất nhiều sự việc liên quan tới việc người Việt Nam mang những đồ ăn bị cấm sang Nhật. Bạn có thể bị phạt một số tiền rất lớn hoặc bị trục xuất khỏi Nhật vĩnh viễn.
Những đồ ăn bị cấm mang sang Nhật tham khảo tại đây.
Các loại giấy tờ
Quan trọng nhất chính là Hộ chiếu. Ngoài ra các giấy tờ khác như học bạ, bảng điểm, bằng tốt nghiệp… để dự phòng thì các bạn có thể mang theo bản photo đề phòng thất lạc bản chính. Nhưng mình nghĩ là không cần thiết vì sẽ chẳng bao giờ dùng đến cả.
Các loại thuốc
Thời gian đầu mới sang chưa quen bạn có thể bị đau bụng do chưa quen đồ ăn hoặc bị cảm cúm do sự khác biệt về môi trường và nhiệt độ. Mang một ít thuốc đau bụng và cảm cúm mình nghĩ là việc cần thiết trong thời gian đầu để tự chăm sóc bản thân đó.
Các đồ điện tử
Nếu laptop của bạn vẫn có thể sử dụng được thì bạn có thể đem theo. Còn không thì các đồ điện tử của Nhật Bản sẽ không làm bạn thất vọng với những sự lựa chọn rất phong phú. Điện thoại ở Nhật cũng vậy, nếu đăng ký gói cước của nhà mạng bạn có thể ngay lập tức sở hữu một chiếc điện thoại khá tốt với chi phí khá thấp, chỉ cần ký hợp đồng cam kết sử dụng gói cước của nhà mạng.
Tham khảo bài viết “Điện thoại và Internet tại Nhật Bản“.
Ngoài ra, các vật dụng điện tử khác để sinh hoạt các bạn có thể tham khảo mua tại cửa hàng đồ cũ hoặc các siêu thị điện máy. Tham khảo bài viết “Một cuộc sống tiết kiệm nhờ các “cửa hàng đồ cũ” ở Nhật!“.
Các vật dụng khác
Dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem đánh răng… là những đồ rất dễ mua ở Nhật tại các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Nếu lo lắng chưa biết sang sẽ đi mua ở đâu, thì hãy chỉ mang một tuýp nhỏ thôi nhé.
Tuy nhiên ở Nhật nguồn điện sử dụng là nguồn 220V, và cấu trúc ổ điện khác với Việt Nam nên các bạn nên mua trước ở Việt Nam bộ chuyển đổi nguồn điện để sử dụng laptop hoặc sạc pin điện thoại mang từ Việt Nam đi. Còn nếu không ở cửa hàng 100 Yên tại Nhật cũng có bán rất nhiều.
Với bản tính tò mò khám phá nơi ở mới, mình tin tất cả các bạn sẽ đều có thể khám phá ra ngay các siêu thị gần nhà thôi.
Tiền mặt
Tùy vào điều kiện mỗi gia đình, bạn có thể cầm theo 20-30 man (khoảng 40.000.000 tới 60.000.000 triệu đồng) để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt trong thời gian đầu khi chưa có thu nhập ở Nhật. Để dự phòng các bạn nên làm thẻ ngân hàng Visa để người nhà có thể gửi tiền sang khi bạn cần gấp nhé!
Tiếng Nhật
Đi Nhật thì không thể không chuẩn bị tiếng Nhật. Dù ít hay nhiều, đó cũng là hành trang quan trọng nhất đưa bạn tới Nhật gần hơn bao giờ hết. Bạn không thể nói tiếng Anh ở Nhật, hay tìm người Việt Nam nhờ phiên dịch. Càng biết nhiều tiếng Nhật, cuộc sống càng trở nên dễ dàng với bạn hơn. Hãy luôn ghi nhớ “Tiếng Nhật là chuyến bay nhanh nhất đưa bạn đến Nhật nhé!”
Câu chuyện đi Nhật thực sự bắt đầu
Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi tất cả thủ tục giấy tờ và hành lý, việc cuối cùng là sân bay khởi hành sang khám phá Nhật Bản thôi.
Vé máy bay các bạn có thể tự mua trên trang Web của hãng bay các bạn chọn hoặc ủy quyền người đại diện quản lý đứng ra mua vé giúp nếu bạn các bạn sang Nhật với nhóm đông. Việc đặt vé nên tiến hành trước khi làm Visa vì trong tờ khai Visa sẽ có mục chuyến bay bạn tới Nhật mang số hiệu nào? Và sau khi nhận Visa bạn cũng phải sang Nhật theo đúng thời gian được quy định, việc đặt vé sát ngày đi cũng sẽ khiến giá vé đắt hơn đấy.
Một số hãng bay từ Việt Nam có đường bay thẳng tới Nhật như VietnamAirlines, Jetstar, Japan Airlines, ANA (All Nippon Airways), v.v… Các bạn có thể tìm hiểu giá vé và lộ trình chuyến đi qua trang chủ của hãng hoặc liên hệ với Đại lý ở Việt Nam. Nhớ lưu ý xác nhận trước quy định về hành lý của mỗi hãng để không bị bỏ lại hành lý hoặc phạt tiền một cách đáng tiếc nhé.
Và rồi ngày sang Nhật đã tới, xa gia đình, bạn bè nhưng đổi lại được học thêm nhiều điều mới mẻ, với hy vọng mở mang được tri thức ở một đất nước phát triển và quan trọng nhất là cải thiện được vốn ngoại ngữ ít ỏi mình đang có.
Sau 4 giớ 40 bay từ Nội Bài, tôi hạ cánh tại sân bay Kansai (Osaka – Nhật Bản).
Còn nữa…