Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ④ Văn hóa bàn tiệc “after 5”

Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ④ Văn hóa bàn tiệc “after 5”

Sau khi gia nhập công ty, khi công việc của một ngày kết thúc bạn có thể nhận được những lời mời từ cấp trên hoặc đồng nghiệp như “Đi uống chút gì không?”, hoặc những buổi họp mặt thân mật giữa những người trong cùng bộ phận cũng được tổ chức với tần suất không phải là ít. Và văn hóa “đi uống sau giờ làm” cũng là một cơ hội để bạn tạo mối quan hệ gắn kết với cấp trên và đồng nghiệp trong công ty. Vốn dĩ gọi là “after 5” bởi nó diễn ra sau giờ tan làm tức là 5 giờ chiều, và thường chỉ được lên kế hoạch ngay trước đó.

Ngoài việc mở rộng kết nối quan hệ của chính bản thân mình, có thể bạn sẽ còn biết được những “câu chuyện bên lề” mà thông thường ở công ty sẽ không bao giờ được nghe thấy cả.

Nếu được mời cùng tham gia, trừ trường hợp “bất khả kháng” không thể góp mặt thì hãy cố gắng tham gia cùng mọi người nhé. Tuy nhiên đừng quên chú ý một vài điều cơ bản như :

  • Uống quá say
  • Vị trí chỗ ngồi so với cấp trên hay tiền bối
  • Cũng đừng quên việc chủ động rót rượu mời mọi người

Những lợi ích mang lại khi tham gia “tiệc công ty”

Việc cùng tham dự những bữa tiệc nội bộ trong công ty với sự góp mặt của cấp trên hay các tiền bối đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc muốn “ghi điểm” trong mắt cấp trên.

  • Là cơ hội tuyệt vời để thể hiện bản thân với cấp trên, hãy tận dụng khoảng thời gian đó để trò chuyện trực tiếp với “sếp” nhé.
  • Biết được những câu chuyện bình thường ở công ty không bao giờ có thể được nghe kể (ví dụ như : chế độ mới của công ty, những dự án mới, những quy định sắp được đề ra…).
  • Được nghe chia sẻ về cuộc đời từ một người giàu kinh nghiệm như cấp trên hoặc tiền bối.
  • Có cơ hội tạo mối quan hệ với những người chưa từng nói chuyện trong công ty.
  • Tùy vào năng lực của bạn, có khả năng sẽ được cấp trên dẫn đi cùng và giới thiệu với công ty đối tác hoặc bộ phận khác (cơ hội xây dựng những mối quan hệ cá nhân).

Chỗ ngồi và cử chỉ trên bàn tiệc

Hãy dành thời gian để nắm rõ các quy tắc chung dưới đây và trải qua bữa tiệc một cách văn minh nhé.

  • Rót rượu cho cấp trên hoặc tiền bối là lễ nghi phải thực hiện đối với các nhân viên trẻ. Lần lượt rót rượu theo thứ tự từ người có chức vụ cao nhất công ty tới những người có chức vụ thấp hơn.
  • Nếu được cấp trên mời rượu, nhớ nói lời cảm ơn 「ありがとうございます。」
  • Biết giới hạn của bản thân ở đâu, tránh tình trạng uống quá say.
  • Khi bạn không uống được bia, rượu thì không nhất thiết phải uống. Tuy nhiên khi cạn ly, hãy cố gắng “nhấp môi” một ngụm nhỏ nhé.
  • Dù được cấp trên nói rằng “Hôm nay không cần lễ nghi gì đâu”, thì bạn cũng hãy nhớ vẫn phải tuyệt đối giữ gìn và tuân theo lễ nghi nhé. Bởi vì có thể những người xung quanh khi ấy cũng đang đánh giá bạn thì sao?
  • Sau khi bữa tiệc chính thức bắt đầu, đừng quên nói lời cảm ơn tới cấp trên hoặc người đứng ra tổ chức bữa tiệc 「今日はありがとうございました。」
  • Sau khi bữa tiệc kết thúc, hãy gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người 「ごちそうさまでした 。 」và cũng nên nói lời cảm ơn vào ngày hôm sau khi gặp mặt tại công ty「昨日はごちそうさまでした。」

Cách từ chối khéo léo

Việc tham gia vào các bữa tiệc ở công ty đương nhiên là một điều tốt, tuy nhiên có những trường hợp bạn không thể tham gia cùng mọi người. Khi ấy ngoài việc đưa ra một lý do cụ thể, chính đáng, hãy khéo léo lựa lời để không mất lòng đối phương “Nếu có cơ hội lần sau lại rủ tôi đi cùng nhé” 「また次の機会に一緒させてください。」

Các lý do đưa ra đều phải là lý do chính đáng cản trở bạn không thể tham gia bữa tiệc. Tuyệt đối không nói chung chung chẳng hạn như 「今日はちょっと。。。」, vì điều đó có thể sẽ gây ra cảm giác không thân thiện như đối phương.

Ví dụ về cách từ chối khéo léo:

  • 「実は習い事をしておりまして、今日は月に一度のお稽古けいこの日なので。。。」”Thực ra tôi đang học một bộ môn…với lịch trình mỗi tháng một lần mà đúng hôm nay lại là ngày luyện tập của tôi”.
  • 「家族が体調を崩しておりまして。。。」”Gia đình tôi đang không được khỏe cho lắm…”.
  • 「ここしばらく、体調がすぐれないので。。。」”Thời gian gần đây, tôi cảm thấy trong người không được khỏe…”.

Chia sẻ từ những người trong cuộc

“Hãy bỏ điện thoại xuống trong bữa tiệc chào đón nhân viên mới”

Cô A – 30 tuổi – nhân viên Phòng kế hoạch sản xuất chia sẻ :

“Tuy là tổ chức bữa tiệc nhỏ để chào đón họ nhưng tôi thực sự bất ngờ với những nhân viên mới vào công ty khi suốt buổi tiệc đó họ chỉ cắm mặt vào nhìn điện thoại và nhắn tin. Và có lẽ cái nhìn của tôi về họ đã có chút thay đổi. Chẳng phải là tổ chức bữa tiệc này thật lãng phí hay sao? Ngoài ra, họ là nhân vật chính trong buổi tiệc nên tôi nghĩ quy tắc cơ bản là chuyển điện thoại sang chế độ im lặng là điều mà họ nên biết”.

“Tham gia tiệc công ty là cách để công việc diễn ra trôi chảy hơn…”

Anh B – 25 tuổi – nhân viên ngân hàng chia sẻ:

“Tôi nghĩ sau khoảng thời gian làm việc ở công ty có những nhân viên trong công ty không ưa nhau tới mức chẳng muốn chạm mặt nhau ở ngoài, đó cũng có thể là một phần lý do họ không tham gia bữa tiệc “after 5″ cùng mọi người. Thế nhưng hãy nghĩ theo một chiều hướng khác là tận dụng khoảng thời gian đó để làm quen hoặc trò chuyện với những người mà mình ít tiếp xúc trong công ty. Nhờ đó sẽ quyết định khá nhiều tới việc các công việc về sau diễn ra thuận lợi hơn”.

Vậy là chuỗi series các bài viết về chủ đề “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” đã kết thúc. Các bạn có thể xem lại các bài viết trước tại đây:

Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ① Gây dựng lòng tin với cấp trên và đồng nghiệp
Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ② Tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp và “hậu bối”
Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ③ Cách giải quyết khi mắc lỗi

Chúc các bạn luôn giữ được mối quan hệ tốt trong công ty, tạo cảm giác thoải mái và thân thiện để hoàn thành công việc với kết quả cao nhất!