Đâu là sự khác biệt giữa công ty Outsourcing và công ty Product?

Đâu là sự khác biệt giữa công ty Outsourcing và công ty Product?

Trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của các phần mềm cũng như ứng dụng có ích cho cuộc sống, chúng ta không thể không nhắc tới sự góp mặt của các công ty phần mềm trên thị trường. Đó là công ty phát triển theo hợp đồng (outsourcing development) và công ty phát triển nội bộ (product hay còn gọi là in-house). Trong tiếng Nhật lần lượt gọi là 受託開発じゅたくかいはつ自社開発じしゃかいはつ.

Trong bài viết ngày hôm nay, jNavi xin chia sẻ với các bạn điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại hình công ty này và quan điểm về ý kiến “Muốn chuyển sang làm việc cho các công ty product của một số kỹ sư hiện nay”.

Điểm khác biệt giữa công ty Outsourcing và công ty Product?

Công ty outsourcing là công ty được thuê để gia công phần mềm cho một công ty khác nhằm đáp ứng nhu cầu của công ty khách hàng và bàn giao vào một ngày xác định. Họ được thanh toán dựa trên số giờ làm việc thực tế hoặc theo số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Công ty product phát triển hệ thống và phần mềm cho chính công ty mình, do đó đòi hỏi việc nắm bắt nhu cầu của thị trường, tự lên ý tưởng cho phát triển hệ thống và lên kế hoạch đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế. Doanh thu có được khi và chỉ khi người dùng thực tế trải nghiệm và mua sản phẩm.

Điều quan trọng nhất trong quá trình phát triển dịch vụ của các công ty product là “tốc độ”, từ việc sáng tạo, lên ý tưởng đến phát hành sản phẩm, đặc biệt là ở những khu vực hay sản phẩm có tính cạnh tranh cao, qua đó tự cải thiện dịch vụ dựa trên phản hồi của người dùng. Điểm mạnh là các công ty product có thời gian ghi nhận phản hồi về dịch vụ mới và không cần gấp gáp để bàn giao sản phẩm cho khách hàng nên kế hoạch làm việc tương đối linh hoạt.

Động lực làm việc của công ty Outsourcing và công ty Product là gì?

Theo khảo sát của ITviec – một website tìm kiếm việc làm công nghệ thì tại thị trường Việt Nam tính tới giữa năm 2015, có tới 64% công ty tham gia khảo sát là công ty outsourcing và chỉ có 36% còn lại là các công ty product.

Công ty Outsourcing

Trước tiên cần hiểu rõ outsourcing là hình thức bàn giao công việc, mà cụ thể ở đây là phần mềm của công ty mình cho các công ty ngoài gia công. Phương án này được áp dụng khi công ty cung cấp phần mềm hoặc dịch vụ không đủ khả năng lực tự làm hoặc cần đơn vị chuyên trách hỗ trợ.

Và để đáp ứng nhu cầu của khách hàng “Tôi muốn làm ra sản phẩm trông như thế này” nên các công ty outsourcing không thể tự do đưa ra ý kiến cá nhân.

Có rất nhiều kỹ sư đã chia sẻ rằng họ thực sự hưng phấn khi tiếp nhận dự án và nảy sinh ra rất nhiều ý tưởng cho sản phẩm, tuy nhiên người quản lý thường lựa chọn và áp dụng phương pháp chắc chắn nhằm đảm bảo yêu cầu của khách hàng và thời hạn bàn giao.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng các công ty outsourcing làm việc với mục tiêu và kế hoạch rất rõ ràng. Với những hợp đồng ngắn ngày sẽ có những người nghĩ rằng “Ôi, với lịch trình dày đặc như vậy khéo phải làm thêm cả ngày nghỉ và ngày lễ mất thôi”.

Công ty Product

Trái ngược với công ty outsourcing, các công ty product có quyền tự sáng tạo sản phẩm của mình. Việc dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, sáng tạo và chịu trách nhiệm về giá trị sản phẩm mang lại cho các kỹ sư cảm giác “được sở hữu”, rút ngắn khoảng cách giữa người dùng và người tạo lập sản phẩm.

Ngoài ra, ý kiến của người dùng hệ thống cũng được trực tiếp ghi nhận và truyền đạt đến các kỹ sư, nhằm mục đích cuối cùng là không ngừng đổi mới và hoàn thiện sản phẩm mỗi ngày.

Nói tóm lại, mục tiêu của các công ty outsourcing là làm khách hàng (những người thuê họ gia công phần mềm) hài lòng. Yêu cầu đặt ra là phải giao phần mềm kịp thời, đúng thời hạn và thông số kỹ thuật cũng như đảm bảo một mức chi phí hợp lý.

Còn mục đích của các công ty product là làm người dùng (những người trực tiếp sử dụng sản phẩm) hài lòng. Để làm hài lòng những vị khách hàng khó tính, phần mềm phải dễ sử dụng với thiết kế bắt mắt và mang lại giá trị cho họ. Người dùng càng nhận được nhiều giá trị thì đồng nghĩa với việc các công ty product thu được càng nhiều lợi nhuận.

Nếu đọc tới đây, bạn nghĩ rằng “Thực sự tôi muốn làm việc trong công ty product” thì khoan, hãy cùng tôi đi tới phần tiếp theo của bài viết.

Những khó khăn của công ty Product

Cảm thấy bối rối vì có quá nhiều phương thức lập trình khác nhau

Ở các công ty outsourcing, bạn có một bản hợp đồng với đầy đủ các thông số kỹ thuật đã định trước nhưng ở các sản phẩm thuộc bản quyền của công ty product, các kỹ sư sẽ phải nắm bắt từng chi tiết nhỏ trong “bức tranh tổng thể” và quản lý tiến trình.

Không phải lúc nào cũng có thể khôi phục chi phí ngay cả khi dịch vụ được phát hành

“Thực sự rất khó để một dịch vụ luôn ở giai đoạn đỉnh cao, đi đúng hướng và mang về lợi nhuận liên tục”. Đó không phải là một lời đe dọa khi có tới 90% các công ty start up đã thất bại, điều đó cho thấy mức độ khó của việc nắm bắt nhu cầu thị trường và các dịch vụ mang lại giá trị cho người dùng.

Đối với các công ty outsourcing, mặc dù tiến độ của dự án có thể bị đốt cháy và dẫn tới thâm hụt nhưng về cơ bản, nếu bạn thực hiện và bàn giao sản phẩm đúng thời han bạn vẫn có thể được thanh toán tuy không thể thu hồi được chi phí cho dù có phát triển hay phát hành.

Trái lại, các công ty product sẽ không thể thu hồi chi phí phát triển và khuyến mại nếu dịch vụ họ phát hành kết thúc mà không có tầm ảnh hưởng đến thị trường. Vì lý do này một số công ty thực hiện song sóng với các dự án “nhận gia công phần mềm cho công ty khác (giống mô hình outsourcing)” cho tới khi dịch vụ của họ đi đúng hướng (để thu được nguồn lợi nhuận ổn định).

Sản phẩm tạo ra không cần thiết

“Vì nhận được hợp đồng dự án nên chúng tôi sẽ bắt tay vào phát triển hệ thống nên có thể nói hệ thống này là hoàn toàn cần thiết” – các công ty outsourcing cho biết. Và nếu không tệ, khách hàng sẽ lấy làm cảm kích và động viên các kỹ sư :”Những gì cậu đã làm thủ công trên Excel đến giờ đã được xuất ra hệ thống”, nó sẽ trở thành động lực cho các kỹ sư mỗi khi họ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, với một hệ thống của công ty product đã tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, nếu không thực sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nó sẽ không được chú ý. Và khi ấy, vấn đề sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Khi làm việc với tư cách một kỹ sư IT, có thể bạn sẽ phải cân nhắc và suy nghĩ về việc “nhận dự án theo hợp đồng” hay “tự làm sản phẩm của mình”, hãy quyết định điều đó thông qua việc trả lời câu hỏi “Tôi muốn làm cái mà bản thân mình muốn làm” hay “Tôi muốn làm ra những thứ mà mọi người cần”.

Đáp án chính xác không bao giờ được thể hiện ra nên quan trọng là bản thân phải tự quyết định

Tất nhiên không phải là theo kiểu mù quáng mà cần phải xem xét những dữ liệu và thành tựu đã có trong quá khứ, luôn dự đoán xem “Liệu rằng mình sẽ thành công hay không?”, “Người dùng sẽ cảm thấy và phản ứng như thế nào?”. Việc tự bản thân phải đưa ra một quyết định nào đó thực sự rất khó khăn đúng không?

Đối với hợp đồng, quyết định dựa trên yêu cầu của khách hàng là chính xác. Ngay cả khi bạn có những yêu cầu hay đề xuất nào đó từ đây thì điều cần để ý nhất vẫn là “Quyết định của khách hàng” nhé!

Sự phát triển của các sản phẩm trong công ty product rất linh hoạt và trách nhiệm đối với việc đưa ra quyết định là rất nặng nề.

Lời khuyên cho các kỹ sư muốn chuyển việc sang công ty product

Đầu tiên, cần hiểu được 3 điểm cơ bản khác biệt giữa công ty product và outsoucing.

  • Khách hàng của công ty product là người dùng cuối cùng.
  • Công ty product tham gia vào quá trình tạo dựng sản phẩm từ A đến Z.
  • Sản phẩm của công ty product mang tính “sở hữu” và “độc quyền”.

Và để thành công tại công ty product, nhất định cần phải có những kỹ năng sau :

  • Yêu thích việc xây dựng, thiết kế và trải nghiệm các sản phẩm mới.
  • Sáng tạo, luôn nảy sinh ra những ý tưởng mới.
  • Dám dũng cảm nói lên ý kiến của bản thân.
  • Tương tác nhiều hơn với người dùng để biết họ đang cần gì?
  • Tạo cho mình cảm giác sở hữu? Nếu là người sở hữu công ty, bạn sẽ làm gì cho sản phẩm này.
  • Sử dụng sản phẩm của mình với tư cách như người dùng.

Nói tóm lại, tôi sẽ không khuyên bạn nên làm việc ở công ty outsourcing hay công ty product, hãy tự đánh giá năng lực của bản và tự mình quyết định dựa trên hai khía cạnh :

  • Nếu bạn muốn đóng vai trò chủ động trong việc phát triển sản phẩm và muốn đưa sản phẩm của mình tới tận tay người dùng, thì công ty product là sự lựa chọn hợp lý.
  • Nếu bạn yêu thích sự trải nghiệm, muốn có sự kết nối rộng mở với nhiều dự án và sản phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì tại sao không thử khởi đầu ở một công ty outsourcing.

“Không ai hiểu bản thân mình bằng chính mình”. Hãy luôn là người suy nghĩ thông thái, biết nắm bắt thị trường và chọn cho mình một “ngôi nhà thứ hai” đúng đắn nhé.