Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho các bạn những bí quyết cần nắm vững trong buổi “phỏng vấn” nếu muốn được gia nhập một công ty Nhật Bản. Chương 2 “Quá trình làm việc – Lý do chuyển việc”.
Các bài viết trong Series :
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ① Giới thiệu bản thân
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ③ Đánh giá năng lực
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ④ Điều kiện gia nhập công ty
Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản ⑤ Ứng dụng thực tế
(Những việc khác)
Thông tin cơ bản liên quan đến buổi phỏng vấn ở bài viết : Kinh nghiệm phỏng vấn vào công ty Nhật Bản
Thông tin về cách viết sơ yếu lý lịch ở bài viết : Cách viết sơ yếu lý lịch
Trong bài viết này, tôi muốn đưa ra lời khuyên cụ thể từ quan điểm của tôi – một người Nhật Bản đã tham gia vào hàng trăm cuộc phỏng vấn người Việt Nam liên quan đến các điểm cần lưu ý.
Những câu hỏi bị hỏi trong cuộc phỏng vấn
Tại sao lại quan tâm tới Nhật Bản (Tiếng Nhật)?
- Chúng ta sẽ tiếp tục nói về lý do muốn làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản hoặc Nhật Bản
- Có những câu hỏi về quá khứ như “Tại sao đã ~?”, còn những câu trả lời được kỳ vọng có mục đích hướng tới tương lai như “Từ bây giờ bạn muốn làm gì ở Nhật? Muốn sử dụng tiếng Nhật để làm gì?”
- Đây được xem như một câu hỏi quan trọng khi xem xét việc người Việt Nam mất tích hay phạm tội
Tôi đã từng được nghe rất nhiều câu trả lời trong các buổi phỏng vấn các bạn Việt Nam :
“Tôi đã được tiếp xúc với anime và manga từ khi còn nhỏ…”
“Tôi có hứng thú với lịch sử và văn hóa Nhật Bản…”
“Tôi đã từng tới Nhật du lịch, du học…”
Và tôi ấn tượng vì có nhiều người cùng trả lời với lý do như vậy. Đó không phải là câu trả lời xấu nhưng nếu bạn bổ sung thêm một ít từ ngữ có lẽ lý do ứng tuyển của bạn sẽ trở nên hoàn hảo hơn. Ví dụ…
Cách truyền đạt chính xác
〇 “Tôi cảm thấy gần gũi với Nhật Bản hơn thông qua việc xem Anime, nhưng tôi muốn biết thêm về kinh tế và kinh doanh của Nhật Bản, vì vậy tôi học tiếng Nhật”.
〇 “Tôi quan tâm đến tiềm lực công nghệ của Nhật Bản đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam và quyết định làm việc tại Nhật Bản để đóng góp cho sự phát triển của đất nước mình”.
〇 “Từ kinh nghiệm đi du học Nhật Bản, tôi quan tâm tới cách người Nhật làm việc để cống hiến cho xã hội Nhật Bản, do đó, tôi muốn thử thách bản thân bằng cách sử dụng tiếng Nhật”.
Cách nói chuyện đề cao về công ty, đất nước, kỹ thuật hay lịch sử của đối phương là khá quan trọng. Những lý do như vậy kể cả tới bây giờ bạn suy nghĩ cũng không phải là quá muộn.
Việc suy nghĩ những lý do ấy có thể trở thành động lực cho bạn nếu bạn tiếp tục truyền tải nó tới những người khác. Kể cả bản chất là muốn kiếm tiền nhưng chỉ với lý do đó thôi thì bạn có thể sẽ phải vật lộn để làm việc trong công ty Nhật hoặc trong thời gian dài tại Nhật.
Hãy cho chúng tôi biết về kinh nghiệm và nội dung công việc bạn đã làm
- Phần này, bạn hãy giải thích rõ hơn về kinh nghiệm làm việc so với phần quá trình làm việc ghi trong bản CV.
- Và ở phần nói về quá trình làm việc này tuyệt đối không được nói dối.
Nhìn chung, phần “quá trình làm việc” sẽ được trình bày lầ lượt theo thứ tự từ quá khứ tới hiện tại.
Quá trình làm việc tại các công ty khác (cách trình bày đúng)
〇 “Tôi tốt nghiệp Đại học △△ năm 2015, và công ty đầu tiên tôi vào làm việc là công ty A. Ở đó, tôi đảm nhiệm công việc 〇○. Ngoài ra…”
Phần này, bạn nên chuẩn bị trước để chia sẻ với mọi người một cách rõ ràng, rành mạch.
〇 “Sau khi làm việc được 1 năm, tôi được bố trí vào 〇〇 và chịu trách nhiệm về dự án □□. Trong khoảng 2 năm đó, với vai trò quản lý tôi quản lý 10 nhân viên trong team, làm các công việc như xây dựng bản kế hoạch, đàm phán kinh doanh và quản lý lịch trình tiến độ”.
Sau khi gia nhập công ty, hãy nói về thế mạnh mà bạn có thể phát huy. Đây cũng chính là thế mạnh được các công ty Nhật Bản đánh giá.
- Đã từng tham gia vào công việc nào từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hay chưa?
- Với vai trò là trưởng nhóm và hỗ trợ trong team, ở vị trí đó bạn đã góp phần mang lại lợi ích gì cho công việc?
- Khi được công ty hoặc cấp trên giao phó công việc, bạn có trách nhiệm với công việc đó không?
- Nếu có một dự án kéo dài hơn 1 năm, bạn có tiếp tục gắn bó làm việc tại công ty thêm 2,3 năm nữa không?
- Bạn có thể tự quản lý thời gian và tiến hành công việc hay không?
Và đó là những điểm cần chú ý.
Về quá trình làm việc, đừng bào giờ nói dối những việc “không có kinh nghiệm” thành “có kinh nghiệm”.
Họ không tuyển bạn không phải vì bạn không có kinh nghiệm mà việc nói dối là “có kinh nghiệm” để vào được công ty thì sau này chính bạn mới là người cảm thấy “cắn rứt lương tâm”.
Cách truyền đạt đúng:
Q. Bạn có kinh nghiệm về kế toán không?
A. “Tôi không có kinh nghiệm về kế toán. Tuy nhiên, trong thời gian phụ trách các nghiệp vụ tổng hợp tại công ty, tôi đã có kinh nghiệm trong việc tính toán chi phí, hạch toán ngân sách và quản lý các biểu mẫu”.
Do đó, sẽ có lợi hơn nếu bạn chia sẻ đã có những kinh nghiệm ở các vị trí liên quan ngay cả khi bạn không có kinh nghiệm hoặc bằng cấp ở vị trí kế toán.
Lý do chuyển việc
〇 “Sau 3 năm làm việc tại công ty A, tôi nhận thấy mình muốn hướng tới việc nâng cao kỹ năng của bản thân, do vậy tôi đã chuyển việc sang công ty B. Ở công ty B, ngoài việc lên kế hoạch kinh doanh tôi được giao nhiệm vụ quản lý kinh doanh nữa”.
Lý do chuyển việc là một trong những câu hỏi được nhà tuyển dụng chú ý nhất.
Điểm quan trọng ở đây là lý do chuyển việc chính là mục tiêu “hướng về phía trước” của bạn.
✖ “Vì công việc đã trở nên nhàm chán, lương thấp nên tôi nghỉ việc”.
✖ “Vì bất đồng quan điểm với cấp trên và đồng nghiệp nên tôi nghỉ việc”.
✖ “Vì bầu không khí bên trong công ty rất tồi nên tôi nghỉ việc”.
Kể cả lý do đúng là như vậy đi chăng nữa thì tôi khuyên bạn không nên nói ra một cách trực tiếp như vậy. Việc bác bỏ những công ty hoặc nhân viên khác dẫn đến việc mất lòng tin từ phía nhà tuyển dụng “Nếu ở công ty này cũng có những lý do như vậy thì sẽ nghỉ việc sao?”. Điều quan trọng là “cách truyền đạt” sao cho đúng với thực tế hiện tại.
✖ “Vì công việc đã trở nên nhàm chán, lương thấp nên tôi nghỉ việc”.
→〇 “Tôi muốn nâng cao kỹ năng trong công việc và có cơ hội cải thiện, thăng tiến trong sự nghiệp nên tôi quyết định nghỉ việc ở công ty A”.
Với cách nói như vậy thì chắc hẳn ấn tượng của bạn với nhà tuyển dụng đã hoàn toàn khác.
Nếu là vì lý do gia đình (phải chăm sóc cho cha mẹ) hoặc nguyên nhân do tình trạng thể chất kém thì cũng đừng ngần ngại, hãy thành thật nói ra. Tuy nhiên sau khi nói về việc đó, hãy giải thích rõ với nhà tuyển dụng rằng “Việc chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ hay tình trạng bệnh hiện tại không ảnh hưởng gì tới công việc”.
Có rất nhiều người Việt Nam chuyển việc sau 1-2 năm làm việc tại công ty, do đó hãy cố gắng để có thể giải thích lý do cho mỗi lần thay đổi công việc như vậy.
Cho tới bây giờ bạn đã từng gặp thành công hay thất bại như thế nào trong công việc?
- Thành công hay thất bại dù ở bất cứ trải nghiệm nào cũng hãy cố gắng trình bày rằng nó kết thúc với “kết quả tốt”.
- Phần này cũng không được nói dối nhé.
- Bạn hãy dự trù trước 2 hoặc 3 câu hỏi và chuẩn bị cho mình trước câu trả lời nhé.
“Tôi tham gia dự án của công ty cũ trong 1 năm với vai trò là team leader, và đã có khoảng thời gian tôi gặp khó khăn trong việc duy trì động lực làm việc cho cả team. Thỉnh thoảng cũng có xảy ra sự tranh cãi và phân chia kinh nghiệm giữa những thành viên trong team, nhưng với vai trò của người thủ lĩnh tôi đã cố gắng để không đánh mất hướng đi tốt nhất cho team. Sau 1 năm, team chúng tôi đã đạt được doanh số đúng theo mục tiêu”.
- Q. Cụ thể đã có những mâu thuẫn gì xảy ra?
- Q. Hướng đi tốt nhất cho team khi ấy là gì?
- Q. Từ những kinh nghiệm như vậy, bạn thu được điều gì?
Có khả năng bạn sẽ bị hỏi chi tiết thêm về bất cứ kinh nghiệm nào.
“Khi làm việc ở công ty A, trong lúc trao đổi mail với khách hàng tôi đã từng lỡ gửi một câu gây hiểu lầm đến khách hàng và khiến khách hàng nổi cáu. Tôi tự tin với vốn tiếng Nhật của bản thân nhưng qua sự việc đó tôi chợt nhận ra việc học của tôi vẫn còn nhiều thiếu sót”.
- Q. Cụ thể là bạn đã gửi cho khách câu gì khiến gây hiểu lầm?
- Q. Lúc đó, bạn đã giải quyết rắc rối với khách hàng như thế nào?
- Q. Từ kinh nghiệm đó, bạn phải chú ý những điều gì?
Do có nhắc tới những thất bại trong phần này, nên bạn cần giải thích rõ những phương án về sau của bản thân.
“Đầu tiên, tôi báo cáo sự việc này với cấp trên và đã nhận được hướng dẫn giải quyết. Thay vì liên lạc qua mail, tôi xin lỗi bằng cách trình bày qua điện thoại. Ở thời điểm này, tôi đã quen với công việc và có thể tự mình suy nghĩ và giải quyết công việc với khách hàng nhưng tôi vẫn luôn cố gắng vừa trao đổi bàn bạc với cấp trên vừa đối ứng với khách hàng”.
“Từ những kinh nghiệm đó, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc trao đổi trực tiếp chứ không phải chỉ qua email, và một điều nữa là việc tham khảo ý kiến của người khác cũng rất quan trọng chứ không phải chỉ tự mình đánh giá và đưa ra quyết định”.
Tổng kết
Vậy là tôi đã đưa cho các bạn lời khuyên về “Quá trình làm việc/ Lý do chuyển việc” trong phần 2 của chuỗi bài viết Bí quyết phỏng vấn vào doanh nghiệp Nhật Bản. Dưới đây là những điều tổng kết :
- Truyền đạt được lý do tại sao bạn muốn làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản và mục tiêu trong tương lai.
- Không được nói dối quá trình làm việc và lý do chuyển việc.
- Bạn nên biết rằng, với “cách truyền đạt” khéo léo, ấn tượng của bạn với nhà tuyển dụng có thể thay đổi 180 độ.
- Tùy theo câu trả lời của bạn mà có thể phía nhà tuyển dụng sẽ đưa ra các câu hỏi tiếp theo.
Các bài viết về Bí quyết cho buổi phỏng vấn sẽ còn tiếp tục…