Các tips để chắc chắn đỗ thực tập sinh kỹ năng

Các tips để chắc chắn đỗ thực tập sinh kỹ năng

Những năm gần đây, quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng phát triển. Sự phát triển này mang đến cho lao động trẻ Việt Nam nhiều cơ hội để được sinh sống, lao động và làm việc tại xứ sở hoa anh đào. Hiện nay, có nhiều hình thức lao động tại Nhật như du học, xuất khẩu lao động, kỹ năng đặc định… Mỗi hình thức sẽ có một đặc điểm riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, jvisa sẽ giới thiệu tới các bạn các lưu ý quan trọng để nhận được thư mời làm việc với tư cách thực tập sinh kỹ năng.

Thực tập sinh (実習生) là gì?

Thực tập sinh (実習生) hay còn gọi đầy đủ là thực tập sinh kỹ năng (技能実習生) là tên gọi chung của người nước ngoài khi họ tham gia chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Chế độ thực tập kỹ năng cho người nước ngoài là một cơ chế đào tạo kỹ năng về nghề nghiệp cho những người lao động nước ngoài từ 16 đến 50 tuổi tại các doanh nghiệp Nhật Bản với tư cách là những thực tập sinh kỹ năng, giúp họ vận dụng thuần thục các kỹ năng đã được học vào thực tiễn để sau khi về nước, họ có thể vận dụng được những kiến thức và kỹ năng đã học và thực hành này vào giúp cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của đất nước mình. (Nguồn: Sách hướng dẫn thực tập sinh Nhật Bản)

Các giai đoạn thực tập kỹ năng

Có 3 giai đoạn thực tập kỹ năng:
Thực tập sinh kỹ năng số 1: Thời gian 1 năm
Thực tập sinh kỹ năng số 2: Thời gian 2 năm
Thực tập sinh kỹ năng số 3: Thời gian 2 năm

Thực tập kỹ năng số 1: Điều kiện để có được tư cách này: 
– Điều kiện năng lực tiếng Nhật: Có trình độ năng lực tiếng Nhật nhất định (Trình độ tương đương N5-N4)
– Điều kiện kỹ năng: Phải vượt qua 1 kỳ thi kỹ năng do cơ quan bên Nhật tổ chức.

Thực tập kỹ năng số 2: Kết thúc giai đoạn thực tập kỹ năng số 1, TTS sẽ phải thi để chuyển giai đoạn và tiếp tục thực tập, làm việc tại xí nghiệp tiếp nhận với tư cách “Thực tập sinh kỹ năng số 2”.
Tổng thời gian của 2 giai đoạn này là 3 năm. Phần lớn các ngành nghề đều áp dụng đến thực tập kỹ năng số 2, tuy nhiên cũng có 1 số ngành nghề chỉ dừng lại ở giai đoạn thực tập kỹ năng số 1.

Thực tập kỹ năng số 3: Giai đoạn này chỉ áp dụng với 1 số ngành nghề đặc thù và tùy theo yêu cầu của xí nghiệp tiếp nhận. Các TTS sẽ phải tham gia thi chuyển giai đoạn để có thể trở thành thực tập sinh kỹ năng số 3.
Tuy nhiên, hầu hết các ngành nghề sau khi kết thúc giai đoạn thực tập sinh kỹ năng số 2 (3 năm) thì sẽ về nước. 

Ngoài ra, còn có hình thức lao động theo chương trình kỹ năng đặc định. Tuy nhiên, hình thức này có những yêu cầu về kỹ năng cũng như ngôn ngữ cao hơn so với thực tập kỹ năng.

Chuẩn bị và lời khuyên cho ứng viên

Để đạt được mục tiêu đỗ trong kỳ thi tuyển thực tập sinh, bạn sẽ cần phải chuẩn bị rất nhiều. Bên cạnh việc trau dồi tiếng Nhật để dễ dàng hơn trong việc giao tiếp cũng như trả lời các câu hỏi phỏng vấn, bạn cũng cần quan tâm đến các yếu tố khác như thái độ, tác phong, trang phục… để thành công ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên. Dưới đây là các bí quyết các bạn cần nắm rõ:

Chuẩn bị

Học tiếng Nhật

Để có thể làm việc ở Nhật Bản, giao tiếp là yếu tố rất quan trọng. Bạn không thể lao động ở một đất nước mà không hiểu ngôn ngữ của đất nước đó. Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm là học tập và trau dồi tiếng Nhật. Trình độ tiếng Nhật càng tốt thì bạn sẽ càng gây được ấn tượng với người phỏng vấn. Trong quá trình học, bạn cũng cần tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật và đạt được yêu cầu nhất định về trình độ.

Tuy nhiên, với 2 hình thức thực tập sinh kỹ năng và kỹ năng đặc định, yêu cầu về tiếng Nhật cũng có sự khác nhau. Cụ thể:

Với chương trình thực tập sinh kỹ năng, không có yêu cầu bắt buộc về trình độ tiếng Nhật và trình độ chuyên môn của người lao động. Để đáp ứng điều kiện ngoại ngữ cho chương trình thực tập sinh Nhật Bản, bạn cần có khả năng giao tiếp tiếng nhật cơ bản. Một số chương trình yêu cầu trình độ tương đương N4 hoặc chứng chỉ tiếng Nhật tối thiểu từ N4.
Đối với các ứng viên chưa đạt trình độ ngoại ngữ yêu cầu có thể tham gia khóa học đào tạo cơ bản hoặc chuyên sâu về Nhật ngữ trước khi làm thủ tục xuất cảnh, thường diễn ra trong khoảng 4 – 6 tháng. Khóa học sẽ giúp người lao động củng cố lại kiến thức, tạo bước đệm để bạn có thể dễ dàng giao tiếp và hạn chế tối đa rào cản ngôn ngữ.  

Với chương trình kỹ năng đặc định, người lao động cần đáp ứng các yêu cầu sau: 

– Phải có trình độ tiếng Nhật N4 hoặc trình độ A2 nếu tham gia kỳ thi tiếng Nhật Foundation (đây là kì thi được tổ chức bởi Japan Foundation, hình thức thi làm bài trên máy tính, trung bình sẽ tổ chức 6 lần/năm).
– Đạt kỳ thi đánh giá kỹ năng tay nghề theo từng lĩnh vực.

Tìm hiểu tính chất công việc

Khi làm việc ở một đất nước xa lạ, bạn sẽ cần hiểu rõ hơn về công việc mà mình làm. Vì vậy, việc tìm hiểu về công việc mà mình sẽ làm là vô cùng quan trọng. Ở nước ngoài việc chế biến, sản xuất hàng hóa được lên quy trình rất cụ thể nghiêm ngặt, bạn cần chú ý nếu không rất dễ gặp phải sự cố không mong muốn. Để an tâm hơn, trước khi tham gia thi tuyển thực tập sinh, bạn hãy tìm hiểu thêm hoặc mua những cuốn sách có liên quan đến ngành nghề mà mình thi tuyển và tìm hiểu thêm về nó. Kiến thức chuyên môn vững chắc sẽ giúp bạn dễ dàng chinh phục người phỏng vấn.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị về tâm lý. Nhập gia tùy tục, một khi đã đến làm việc cho doanh nghiệp ở một quốc gia khác, ngoài việc tuân thủ nội quy doanh nghiệp, người lao động còn phải chủ động hòa nhập văn hóa, nếp sống, luật pháp của quốc gia đó. Nếu bạn chưa hiểu rõ về văn hóa, tập quán của Nhật Bản, bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng Internet hoặc kết nối với những tiền bối đã từng sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, họ có thể sẽ đưa cho bạn vô vàn lời khuyên hữu ích.

Chuẩn bị sức khỏe

Sức khỏe là yếu tố hàng đầu mà các xí nghiệp, nghiệp đoàn Nhật Bản đặt ra cho các ứng viên khi tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật. Để được chấp nhận, kết quả khám sức khỏe của lao động phải tốt và đạt chứng nhận từ cơ quan y tế Việt Nam được cấp phép theo tiêu chuẩn của đại sứ quán Nhật Bản.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã quy định 13 bệnh truyền nhiễm bị cấm đi xuất khẩu. Nếu người lao động mắc một trong các loại bệnh này thì không đủ điều kiện đi thực tập sinh Nhật Bản. Chi tiết 13 nhóm bệnh phía Chính phủ Nhật Bản cấm nhập cảnh như sau:

– Nhóm bệnh thần kinh: Rối loạn vận động, u não, xơ hoá cột bên teo cơ, …
– Nhóm bệnh tim mạch: Tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim, hở van tim, …
– Nhóm bệnh tiêu hóa: Viêm gan, loét dạ dày tá tràng có hẹp môn vị, ung thư đường tiêu hóa, …
– Nhóm bệnh hô hấp: Hen phế quản, tràn dịch màng phổi, xơ phổi, …
– Nhóm bệnh nội tiết: Đái nhạt, u tuyến thượng thận, cường giáp, …
– Nhóm bệnh về cơ quan sinh dục: Sa sinh dục, u nang buồng trứng, ung thư bàng quang, …
– Nhóm bệnh tâm thần: Histeria, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, …
– Nhóm bệnh về mắt: Thoái hóa võng mạc, viêm màng bồ đào, thiên đầu thống, …
– Nhóm bệnh về da liễu – hoa liễu: Vảy rồng, các loại xăm trổ trên da, HIV/ AIDS, …
– Nhóm bệnh về thận và tiết niệu: Viêm cầu thận cấp và mãn tính, thận đa u thận, sỏi đường tiết niệu, …
– Nhóm bệnh về cơ xương khớp: Thoái hóa cột sống giai đoạn 3, viêm xương, viêm cột sống dính khớp, …
– Nhóm bệnh tai mũi họng: Áp xe phổi, tắc nghẽn đường hô hấp, viêm dày dính màng phổi, …
– Nhóm bệnh về răng hàm mặt: Dị tật hàm mặt, nang vùng răng miệng và các loại u, …

Lưu ý khi tham gia phỏng vấn thực tập sinh

Thái độ

Theo kinh nghiệm phỏng vấn thực tập sinh Nhật Bản, thái độ cầu thị sẽ giúp bạn “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Đặc biệt, người Nhật nổi tiếng với tác phong làm việc chỉn chu. Họ luôn đúng giờ. Vì thế, trước mỗi cuộc phỏng vấn, bạn hãy đến sớm từ 10-15 phút để có tinh thần chuẩn bị tốt nhất.

Ngoại hình và trang phục

Hiển nhiên bạn không thể tham gia cuộc phỏng vấn quan trọng này với bộ áo quần xộc xệch, màu tóc xanh đỏ lẫn lộn. Người Nhật Bản rất quan tâm đến hình thức của người đăng ký thi tuyển, vậy nên để không phải sớm nhận những cái lắc đầu từ phía tuyển dụng, bạn cần quan tâm đến trang phục, đầu tóc của mình khi đi phỏng vấn.

Về ngoại hình:

– Tóc: cắt gọn gàng, không để mái che phần trán, tóc không được cắt quá ngắn. Lưu ý: Tóc không được để bù xù, không nhuộm tóc.
– Đối với nam: Không được để râu dài.
– Đối với nữ: Không để móng tay dài, không đeo trang sức, đồng hồ, không mang điện thoại vào phòng thi, … tóc không để che phần mặt.

Về trang phục:

– Quần áo: bạn có thể mặc đồng phục công ty, hoặc mặc áo sơ mi trắng và quần âu sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã có một sự chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn. Hơn nữa, mặc áo sơ mi trắng trông bạn sẽ gọn gàng, lịch sự hơn rất nhiều so với việc bạn chọn những trang phục đi làm thông thường. Tuyệt đối không được mặc quần ngắn, áo phông đến buổi phỏng vấn.
– Giày, dép: Nên đi giày thể thao dạng mềm cho cả nam và nữ.

Trong quá trình phỏng vấn

Đây là vấn đề người lao động cần đặc biệt chú ý khi thực hiện phỏng vấn thực tập sinh Nhật Bản. Vì vậy hãy nắm vững các quy tắc sau:

– Gõ cửa. Bước vào sau khi người phỏng vấn cho phép.
– Mở cửa và bước vào phòng, hướng nhìn về phía người phỏng vấn, nhẹ nhàng mỉm cười và nói Shitsureishimasu (Tôi xin phép) đồng thời cúi người chào 1 góc 45 độ.
– Bắt đầu ngồi xuống với tư thế thoải mái nhưng vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Ngồi thẳng lưng ngay ngắn
  • Không chống cằm
  • Không tựa lưng vào ghế
  • Không rung đùi, rung chân
  • Thân trên thẳng người giống với tư thế lúc đứng

– Trả lời các câu hỏi của người phỏng vấn một cách rõ ràng và rành mạch.
Các bạn cũng nên tìm hiểu thêm về công ty và đặt câu hỏi cho người phỏng vấn. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công việc cũng như đơn vị bạn đã đặt niềm tin khi đi Nhật.
– Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, bạn không nên rời phòng ngay, hãy đứng lên và đừng quên nói lời cảm ơn trước khi đứng dậy. Điều này, sẽ giúp người phỏng vấn thấy được sự chuyên nghiệp của bạn và điều này cũng giúp bạn ghi điểm trong mắt đơn vị tổ chức thi tuyển.

Lời khuyên

Bên cạnh những sự chuẩn bị đã nêu ở trên,các bạn cần lưu ý thêm những điểm sau để có thể dễ dàng hơn trong việc chinh phục “giấc mơ Nhật Bản” nhé:

Thứ nhất: Hãy chắc chắn rằng trình độ tiếng Nhật của bạn đủ để có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Nhật với những câu hỏi thông dụng nhất. Trong khi trả lời thì cách truyền đạt cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Thứ hai: Hãy cố gắng sử dụng thành ngữ khi nói chuyện. Thành ngữ sẽ giúp cho bạn trở nên khiêm tốn cũng như thái độ biết ơn hơn đối với đối phương.
Thứ ba: Người Nhật luôn đề cao người khiêm tốn. Vì vậy, không cần thiết bộc lộ hết khả năng của bản thân, không khoe khoang thành tích đang có. Người Nhật sẽ ưu tiên làm nhiều hơn nói.

Các lưu ý khác

Ngoài những lưu ý ở trên, ứng viên tham gia thi tuyển TTS kỹ năng cũng cần lưu ý đến việc hiểu đúng về chế độ thực tập kỹ năng, mục đích cũng như lợi ích của chế độ này.

Bên cạnh đó, các bạn cần phải học trước những quy tắc cần thiết trong cuộc sống tại Nhật Bản để tránh những rủi ro không đáng có.

Ngoài các tips đã nêu ở trên, các bạn cần đặc biệt chuẩn bị về tài chính. Vì để có thể qua nước ngoài làm việc thì tài chính là yếu tố không thể thiếu. Phải có một nền tảng tài chính vững chắc thì các bạn mới thuyết phục được đơn vị tiếp nhận lao động. Các bạn có thể tìm hiểu thêm qua các tư vấn viên cũng như sách hướng dẫn mà đơn vị tiếp nhận lao động cung cấp để biết thêm chi tiết.

Tổng kết

Khi tham gia thi tuyển, sẽ có rất nhiều điều thực tập sinh cần lưu ý và chuẩn bị. Hi vọng những gợi ý ở trên sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tham gia thi tuyển thực tập kỹ năng. Hãy nỗ lực cố gắng, thành công sẽ đến với các bạn!