Đầu năm và cuối năm là những dịp quan trọng trong năm để tổ chức họp mặt giữa các thành viên trong gia đình hoặc nhân viên trong cùng công ty. Năm cũ khép lại, năm mới bước sang là thời điểm quên đi những điều xui xẻo trong năm cũ và đón chào những điều tốt đẹp của năm mới sắp sang.
Trong bài viết ngày hôm nay, jNavi xin giới thiệu tới các bạn văn hóa tổ chức và tham dự tiệc cuối cũng như đầu năm ở Nhật để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về các sự kiện tập thể này nhé.
「忘年会」- 「新年会」là gì?
「忘年会」đúng như từng chữ Hán trong cấu tạo của nó, đây là bữa tiệc để “quên hết mọi phiền muộn trong năm, hy vọng cho một năm mới thắng lợi và thành công”.
Còn 「新年会」là tiệc chào đón năm mới, để hy vọng cho một năm mới sức khỏe thành công và gặp nhiều may mắn.
Nếu theo văn hóa ở Việt Nam thì đây chính là bữa tiệc “tất niên” và “tân niên” cũng với ý nghĩa tương tự.
Thời gian và địa điểm tổ chức tiệc「忘年会」
Tiệc 「忘年会」 thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ giữa tháng 12 trở đi, cũng có những công ty tổ chức sớm hơn từ đầu tháng 12. Để không ảnh hưởng tới tiến độ công việc cũng như lịch trình cá nhân của mọi người, bữa tiệc thường sẽ tổ chức vào tối thứ 6 hoặc tối thứ 7.
Đối tượng tham gia là các nhân viên và lãnh đạo trong cùng một công ty. Thực tế là trong văn hóa của bữa tiệc tất niên, người Nhật chia sẻ rằng “Đây là bữa tiệc nội bộ trong công ty, do đó chúng tôi sẽ tránh việc gọi thêm những người thân quen, thành viên trong gia đình hoặc đối tác”. Điều này hơi khác với người Việt Nam ở quan điểm “càng đông càng vui”, tuy nhiên nếu làm việc trong công ty Nhật, hãy tuân thủ quan điểm “Tiệc công ty chỉ dành cho người trong cùng công ty” các bạn nhé!
Với những công ty lớn, tiệc cuối năm có thể được tổ chức ngay tại sảnh công ty hoặc đặt bàn tại các quán rượu hay nhà hàng gần công ty.
Các hoạt động trong bữa tiệc「忘年会」
Với tiết trời giá rét những ngày cuối tháng 12, lẩu là lựa chọn số một cho các buổi tiệc 「忘年会」, một số món ăn khác cũng được khá nhiều người lựa chọn như gà chiên, gà xiên nướng, đậu nành… và một số loại sushi khác tùy vào thực phẩm địa phương.
Đồ uống được sử dụng trong bữa tiệc chủ yếu là đồ uống có cồn chẳng hạn như bia hơi, rượu nóng (atsukan), rượu sake hoặc các loại whisky…
Vừa thưởng thức các món ăn nóng hổi, vừa cùng nhau uống mừng, ngoài ra có thể tổ chức thêm một vài trò chơi để thay đổi không khí như : trò chơi bingo, bốc thăm may mắn hay hát karaoke… Cũng có những người khác thích sự yên tĩnh lại chọn khoảng thời gian trong buổi tiệc để cùng nhau ngồi trò chuyện và tâm sự những việc đã qua trong năm.
Lợi ích khi tham gia tiệc「忘年会」
Tuy là sự kiện một năm chỉ diễn ra một lần nhưng hẳn là vẫn có những người cảm thấy không thoải mái khi tham gia bữa tiệc. Chẳng hạn như họ nghĩ : “Tại sao tôi phải tham gia một bữa tiệc một ép cách ép buộc như vậy? Không phải là tôi có thể về nhà ngay sau giờ làm hay sao?”. Tuy nhiên tôi khuyên các bạn nên suy nghĩ một cách cẩn trọng về việc “có tham gia hay không?”
Các lợi ích của việc tham gia tiệc「忘年会」
- Có cơ hội mở rộng, cải thiện quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên :
Như đã đề cập trong bài viết có tựa đề “Series “Để tạo mối quan hệ tốt trong công ty Nhật” ④ Văn hóa bàn tiệc “after 5”“, các bữa tiệc chính là cơ hội để bạn cải thiện mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp. Người Nhật vốn nổi tiếng với tính cách nghiêm túc trong công việc tuyệt đối không bàn tán hay nói chuyện riêng, do đó, tiệc tất niên là thời điểm quý giá để có cơ hội nói chuyện riêng với cấp trên và đồng nghiệp. - Có cơ hội nắm bắt được các thông tin quan trọng của công ty :
Cuối năm là thời điểm quan trọng để các công ty lên kế hoạch và chuẩn bị phương án cho năm mới sắp sang. Việc tham dự vào bữa tiệc tất niên có thể giúp bạn biết được phần nào kế hoạch làm việc cũng như những sự thay đổi sắp diễn ra nếu được cấp trên chia sẻ. - Tạo thiện cảm với đồng nghiệp và cấp trên :
Không chỉ qua công việc, nếu bạn là người tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể như vậy sẽ chứng minh với cấp trên và các tiền bối rằng bạn là người không chỉ chăm chỉ làm việc còn rất hoạt bát và nhiệt tình trong những công việc chung. Từ đó sẽ có cái nhìn rộng hơn về con người bạn để có thể tin tưởng giao cho nhiều việc hơn.
Các lưu ý khi tham gia tiệc 「忘年会」
Bạn không nên căng thẳng quá, hãy giữ đúng tinh thần của buổi tiệc tất niên là “quên đi mọi phiền muộn của năm cũ”. Tuy nhiên, các bạn cũng nên lưu ý những điều sau để giữ đúng tinh thần cũng như văn hóa buổi tiệc.
Trả lời sớm lời mời có tham dự tiệc 「忘年会」hay không?
Việc trả lời sớm có thể tham dự tiệc hay không là một điều vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp bạn cho ban tổ chức có thể dự trù được chi phí cũng như địa điểm tổ chức. Do đó, bạn cần sắp xếp kế hoạch của bản thân để có thể trả lời dứt khoát là có tham gia hay không? Nếu vì lý do cá nhân không thể tham gia được đề nghị nêu rõ lý do.
Không tới muộn
Người Nhật nổi tiếng thế giới với kỷ luật và sự tôn trọng tổ chức. Do đó, việc tới muộn dù với bất cứ lý do gì đều là điều khó có thể chấp nhận được. Hãy sắp xếp lịch trình để có thể tới tham dự bữa tiệc đúng giờ nhé.
Vị trí chỗ ngồi
Do có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao trong công ty nên việc ngồi theo đúng vị trí là vô cùng quan trọng.
Thông thường vị trí 上座 (thường ở trong cùng) sẽ dành cho các cấp trên hoặc người có chức vụ cao nhất, còn các nhân viên ở dưới sẽ ngồi ở các vị trí 下座 (chỗ gần cửa) để thuận tiện cho tiện gọi món hoặc chuyển bát đĩa cho người phục vụ bên ngoài. Dù cho 幹事 (người phụ trách bữa tiệc) có bảo ngồi đâu cũng được thì bạn cũng nên chọn vị trí chỗ gần cửa để phụ giúp cho các hoạt động trong bữa tiệc nhé.
Rót rượu
Trong văn hóa Nhật Bản có một từ gọi là お酌 , tức là việc thể hiện tình cảm và sự tôn trọng đối phương qua ly rượu. Nếu thấy ly rượu của đối phương đã hết tại sao bạn không thử chủ động mời họ một ly nhỉ? Khi rót rượu cho đối phương, chú ý rót bằng hai tay và đừng quên nói những câu như 「今年ありがとうございました。」”Năm nay cảm ơn anh/ chị đã luôn giúp đỡ tôi”.「またよろしくお願いします。」”Rất mong lại được anh/ chị tiếp tục giúp đỡ”.
Ngoài ra, bạn có thể tạo được thiện cảm tốt với những người xung quanh qua việc cầm chai rượu và đi xung quanh mời mỗi người một ly. Ngoài việc cầm chai rượu lịch sự bằng hai tay, hãy nhớ luôn hướng nhãn chai rượu ra ngoài để đối phương có thể nhìn thấy đó là loại rượu gì nhé.
Điều cuối cùng nãy hãy áp dụng cho cả bản thân mình nhé. Nếu bạn không muốn uống nữa, hãy để lại một chút trong ly rượu của bạn, đối phương sẽ nghĩ bạn vẫn còn đồ uống. Còn nếu trường hợp bạn uống hết đồ uống trong ly, mọi người sẽ hiểu rằng bạn vẫn còn muốn uống tiếp và rót rượu mời bạn đấy. Hãy quan sát cả những người xung quanh để không làm khó mọi người nhé.
Giữ tinh thần vui vẻ trong suốt buổi tiệc, không uống quá chén
「忘年会」không phải là bữa tiệc rượu nhậu nhẹt mà đơn thuần là dịp để mọi người trong công ty ngồi lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong năm đã qua, trò chuyện và gắn kết tình đồng nghiệp lại hơn. Do đó, dù rất vui vẻ nhưng cũng đừng uống quá chén mà hãy tận dụng khoảng thời gian này để tham gia vào cuộc trò chuyện cùng mọi người. Bởi khi bạn giữ được thái độ vui vẻ và tích cực tham gia thì buổi “tiệc tất niên” sẽ trở nên thoải mái và có ý nghĩa hơn.
Việc uống quá chén sẽ khiến bạn trở nên thật “phiền toái” trong mặt đồng nghiệp và cấp trên, ngoài ra có thể nó sẽ gây trở ngại với chính bản thân bạn. Đã có rất nhiều trường hợp những người say rượu ngủ quên ở ga tàu hoặc trên tàu, rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc uống có chừng mực cũng là một cách thể hiện thái độ tôn trọng của bạn với chính bản thân mình và những người xung quanh.
Tổng kết
“Tiệc tất niên” là dịp lễ quan trọng trong năm với các công ty Nhật. Đây là dịp hiếm có để mọi người trong công ty có thể ngồi lại với nhau và có cơ hội tương tác, trò chuyện và kết nối với nhau nhiều hơn. jNavi xin chúc các bạn một mùa “Bonenkai” vui vẻ, an toàn, tạo tiền đề cho một năm mới thành công rực rỡ.