Cách gửi đồ về Việt Nam thông qua Bưu điện Nhật Bản

Cách gửi đồ về Việt Nam thông qua Bưu điện Nhật Bản

Sau một thời gian sống ở Nhật, chắc hẳn các bạn đều có nhu cầu gửi đồ về nhà cho người thân của mình đúng không nhỉ? Có rất nhiều cách thức để các bạn có thể vận chuyển đồ về Việt Nam chẳng hạn như sử dụng dịch vụ của các bên tư nhân hoặc dịch vụ EMS của bưu điện Nhật Bản. Nhưng đa phần để đảm bảo tính xác thực cũng như thời gian giao hàng thì chuyển hàng bằng dịch vụ EMS của bưu điện Nhật Bản là lựa chọn được nhiều người nước ngoài tin tưởng.

Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giới thiệu với các bạn cách thức đăng ký chuyển hàng từ Nhật Bản về Việt Nam bằng dịch vụ chuyển phát nhanh EMS của bưu điện Nhật Bản.

Thủ tục gửi hàng qua EMS

EMS (expressmail service) là dịch vụ nhận, gửi, vận chuyển các loại thư từ, tài liệu, bưu phẩm, hàng hóa theo thời gian chuẩn được Công ty bưu chính viễn thông công bố.

Nhiệm vụ của bạn là mang hàng cần gửi ra bưu cục gần nhất, và điền vào tờ khai ghi địa chỉ và danh mục hàng hóa. Bạn cần ghi chính xác địa chỉ của cả người gửi và người nhận (ghi cả mã bưu điện, nếu có). Vì nếu ghi không rõ người vận chuyển có thể không giao chính xác được tới địa chỉ của người nhận, và nếu địa chỉ của người gửi không ghi rõ, đơn hàng sẽ không thể được hoàn về đúng địa chỉ ban đầu trong trường hợp không giao được hàng.

Đóng gói hàng

Do bưu cục không tiếp nhận việc giúp bạn đóng gói nên trước khi chuyển đi, bạn cần tự mình đóng gói cẩn thận, tốt nhất nên đóng kín và gói chặt trong thùng carton và ghi trên đó họ tên, địa chỉ và số điện thoại người nhận.

Giấy tờ cần điền

Như đã nêu ở trên, bạn cần điền 2 loại giấy tờ gồm :

  • Tờ khai địa chỉ và danh mục hàng hóa gửi
  • Tờ khai thuế
Nguồn : Bưu điện Nhật Bản

Với Tờ khai địa chỉ và danh mục hàng hóa gửi, có một vài mục cần lưu ý dưới đây. Ngoài việc phải ghi chính xác địa chỉ, bạn cần lưu ý nhất ở ô số 21, ở đây chia ra làm 3 cột :

  • Cột 1 : Ghi rõ tên loại hàng gửi đi (Có thể hỏi lại nhân viên bưu cục để ghi cho chính xác)
  • Cột 2 : Mã số dành cho hàng gửi với mục đích thương mại (Nếu gửi cho người thân dưới dạng quà tặng thì không cần điền)
  • Cột 3 : Thông tin chi tiết về món hàng (bao gồm số lượng hàng tính theo đơn vị, khối lượng hàng, giá trị ước tính)

Ô số 22 và 23, bạn đánh dâu vào ô thích hợp nếu món đồ bạn gửi là một trong số các danh mục dưới đây :

  • Quà tặng (gift)
  • Mẫu dùng thử (Sample)
  • Hàng bán thương mại (Merchandise)
  • Đồ cá nhân (Personal effects)
  • Tài liệu (Document)
  • Các loại khác…

Ô số 16, ghi rõ danh mục hàng hóa và số lượng đồ gửi đi.

Ô số 39, ký tên.

Nguồn : Bưu điện Nhật Bản

Với tờ khai thuế, bạn ghi chép y nguyên như với tờ điền thông tin ở ô số 21 và phần địa chỉ.

Giá cả hàng gửi

Giá cả hàng gửi sẽ được tính dựa vào khối lượng và hình thức vận chuyển.

Chẳng hạn như vận chuyển bằng đường hàng không với trọng lượng từ 0.5 – 2kg sẽ có giá cụ tể như sau :

Khối lượngGiá tiền
~500g1400 Yên
~600g1540 Yên
~700g1680 Yên
~800g1820 Yên
~900g1960 Yên
~1kg2100 Yên
~1.25kg2400 Yên
~1.5kg2700 Yên
~1.75kg3000 Yên
~2kg3300 Yên

Bảng giá chi tiết và các khối lượng khác, các bạn tham khảo thêm tại : https://www.post.japanpost.jp/int/charge/list/ems_all_en.html

Ngoài ra, tùy theo loại hàng hóa mà phía Việt Nam sẽ phải đóng thuế nhập khẩu. Thuế suất của từng loại hàng hóa được quy định cụ thể trên Website của Hải quan Việt Nam.

Theo dõi đơn hàng và tra cứu giá cước

Sau khi hoàn tất thủ tục gửi hàng, bạn hoàn toàn có thể theo dõi đơn hàng cũng như đối soát thông tin hàng gửi của mình trực tiếp trên website của Bưu điện Nhật Bản ( https://trackings.post.japanpost.jp/services/srv/search/input?locale=en ) bằng một mã vận đơn chứa 13 chữ số ghi trên hóa đơn gửi hàng. Và bạn cũng có thể tra cứu tiến trình giao hàng sau khi hàng đến Việt Nam qua Wevsite của Bưu điện Việt Nam ( http://www.vnpost.vn/ )

Ngoài ra, các bạn cũng có thể truy cập vào website của Bưu điện Nhật Bản và lần lượt điền các thông tin như

  • Loại hàng hóa
  • Khối lượng hàng hóa
  • Địa chỉ người gửi
  • Địa chỉ người nhận

Sau đó thao tác bấm  「次へ」 để hoàn thành tra cứu. Qua thao tác này, bạn có thể ước tính được chi phí vận chuyển cũng như thời gian cần thiết để giao hàng thành công. Nhưng đây cũng chỉ là các thông tin tham khảo vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh như điều kiện thời tiết, hay chẳng hạn như giảm tần suất chuyến bay trong thời gian dịch bệnh hiện tại.

Tổng kết

Trên đây là những thao tác cơ bản nhất giúp các bạn chuyển đồ về Việt Nam một cách nhanh chóng và thuận tiện. Các bưu cục của Bưu điện Nhật Bản nằm rải rác trên khắp nước Nhật nên hãy tìm bưu cục gần nơi bạn sinh sống nhất để thuận tiện cho việc đi gửi đồ nhé.