Giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển. Trong khi, số lượng người cư trú bất hợp pháp, bỏ trốn, phạm tội lại đang tăng lên tập trung chủ yếu ở đối tượng Thực tập sinh, Du học sinh.
Gần đây, tin tức “người Việt bị bắt” xuất hiện liên tục trên các bản tin thời sự ở Nhật Bản. Đây là một vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây. Chúng ta là người Việt, cần nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề này.
Hành động vi phạm pháp luật, thay vì truy cứu “ai đã làm việc đó” thì tốt hơn hãy tìm ra nguyên nhân “tại sao” việc đó lại xảy ra. Cần giúp nhiều người hiểu hơn nữa về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trong bối cảnh dịch CO-VID19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người Việt Nam vẫn đang phải lưu lại Nhật Bản với các tư cách khác nhau. Bên cạnh đó, hiện tại cũng có rất nhiều người đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Chỉ cần một hành động sai lầm như phạm tội của một người nào đó sẽ để lại hình ảnh xấu trong mắt người Nhật. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức rõ ràng vấn đề này và thay đổi để góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt-Nhật trong tương lai.
Đại Sứ Quán xem xét vấn đề này và đưa ra những “Lưu ý” đối với Xí nghiệp tiếp nhận tại Nhật Bản.
Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cung cấp số liệu và tình trạng hiện tại của lao động người VN tại Nhật (tính đến 1/2020). Theo như thống kê của Đại sứ quán Nhật Bản, người Việt Nam đang dẫn đầu danh sách các vấn đề xã hội tại Nhật Bản : Tỉ lệ cư trú bất hợp pháp, tỉ lệ bỏ trốn và tỉ lệ phạm pháp hình sự.
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về tài liệu này nhằm giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan nhất. Các bạn có thể tham khảo nội dung tài liệu theo đường link dưới đây:
Tài liệu tham khảo
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam <ベトナム人技能実習生の受入れに係る留意事項>
Thực trạng cư trú bất hợp pháp, bỏ trốn và phạm tội
Tỉ lệ lưu trú bất hợp pháp nhiều nhất
Tỉ lệ người Việt Nam lưu trú bất hợp pháp tại Nhật Bản đang ở mức cao nhất là 15,561 người, chiếm 18,8% tổng số người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp tại Nhật. Tỉ lệ này đã tăng 14 lần theo thống kê từ 1/1/2013 đến 1/1/2020. Trong khi đó, tổng số người Việt trên tổng số người nước ngoài ở Nhật chiếm 14 %, tăng 7,9 lần theo thống kê từ năm 2012-2019.
Tỉ lệ TTS bỏ trốn nhiều nhất
Tỉ lệ TTS Việt Nam bỏ trốn tại Nhật là 6,105 người, chiếm 69,4% tổng số TTS người nước ngoài bỏ trốn tại Nhật, tăng 12,3 lần trong giai đoạn từ 2012-2019. Trong khi số TTS Việt Nam nói chung chiếm 53,2%, tăng 13,1 lần trong giai đoạn 2012-2019.
Tỉ lệ phạm pháp bị bắt giữ nhiều nhất
Tỉ lệ phạm pháp hình sự nhiều nhất là 3,021 người, chiếm 33% tổng số người nước ngoài phạm pháp hình sự tại Nhật, tăng 2,5 lần so với niên độ 2012-2019
Nguyên nhân
– Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bỏ trốn là vấn đề tài chính. Để được sang Nhật Bản làm việc, TTS kỹ năng phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn. Hầu hết số chi phí này, TTS kỹ năng không tự túc được mà phải vay ngân hàng hoặc vay lãi bên ngoài. Mức chi phí cao này chính là gánh nặng, làm cho lao động phải cố gắng bằng mọi cách kiếm thật nhiều tiền để trả khoản nợ lãi và nhiều người trong số đó nghĩ đến cách bỏ trốn để làm việc bất hợp pháp bên ngoài ngay trong thời hạn hợp đồng.
Có trường hợp TTS kỹ năng sau khi kết thúc hợp đồng lao động 3 năm sẽ trốn ra ngoài và ở lại làm việc tiếp.
– Mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động , quản lý người Nhật, chủ khắt khe, hành xử thô bạo, ép làm việc, lương thấp…
– Bạn bè, môi giới xuất khẩu lao động rủ rê bỏ trốn ra ngoài với hứa hẹn thu nhập cao, tự do, công việc tốt…
Theo như theo quy định của Việt Nam, chi phí đi Nhật vào khoảng 50 man yên (tương đương khoảng 110 triệu đồng).
Theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) thì Cơ quan phái cử sẽ nhận hồ sơ ứng tuyển của Người lao động, thực hiện đào tạo và phái cử sang Nhật Bản. Trong đó phí giới thiệu đưa thực tập sinh sang Nhật Bản phải đảm bảo thu phí dịch vụ không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm, phí đào tạo không quá 5,9 triệu đồng, ngoài ra chưa bao gồm phí khám sức khỏe, phí làm hộ chiếu.
Với những quy định này sẽ phần nào hạn chế được tỉ lệ bỏ trốn do vấn đề tài chính của TTS kỹ năng.
Lưu ý đối với Xí nghiệp tiếp nhận Nhật Bản
Đa số TTS Việt Nam sang Nhật mang theo mình những ước mơ như “Học hỏi kỹ năng làm việc của người Nhật”, “Cải thiện cuộc sống cho gia đình”. Ngay từ đầu các bạn TTS không hề có ý định bỏ trốn, trộm cắp ở Nhật.
Do vậy để tránh tình trạng như bỏ trốn của TTS thì Xí nghiệp tiếp nhận ngoài việc phải hướng dẫn về pháp luật, đảm bảo điều kiện làm việc hợp lý, bên cạnh đó cũng phải gần gũi, nắm bắt được suy nghĩ của TTS.
Ngay cả khi Xí nghiệp đã nỗ lực làm những việc này rồi, nhưng nếu TTS đến Nhật với 1 khoản nợ lớn trên vai, thì rất dễ bị dụ dỗ với công việc lương cao hơn, dẫn đến nguy cơ bỏ trốn, phạm tội tăng lên.
Những vụ bỏ trốn, phạm tội là sự việc đáng tiếc cho chính bản thân TTS và ngay cả đối với Xí nghiệp tiếp nhận, điều này không những làm tăng chi phí quản lý nguồn nhân lực mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Xí nghiệp tiếp nhận.
Do vậy trước khi tiếp nhận TTS Việt Nam, Đại Sứ Quán Nhật yêu cầu Xí nghiệp tiếp nhận tuyển dụng TTS đảm bảo quy trình sau:
Xác nhận 1: Khi đi Nhật TTS có phải trả vượt quá số tiền phí định mức theo quy định của Pháp luật VN không?
+ Đối với TTS phải chi quá số tiền theo quy định, phải xác nhận được cụ thể: chi cho ai, khi nào, thuộc loại danh mục phí gì?
+ Đối với Nghiệp đoàn tiếp nhận, Cơ quan phái cử: Nắm được tỉ lệ bỏ trốn ra sao?
Xác nhận 2: Làm việc chặt chẽ với Nghiệp đoàn, Cơ quan phái cử để đưa ra biện pháp hạn chế nguy cơ bỏ trốn của TTS.
Bên cạnh những nỗ lực từ phía Xí nghiệp tiếp nhận Nhật Bản, bản thân TTS kỹ năng cũng cần nhìn nhận chương trình TTS kỹ năng 1 cách đúng đắn. Chương trình TTS kỹ năng mục đích nhằm đào tạo kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức của các ngành Công nghiệp Nhật Bản thúc đẩy chuyển giao công nghệ Nhật Bản, đóng góp cho sự phát triển của nước ngoài.
Đối với ngành nghề khác nhau, tùy mức độ phức tạp, độ khó của từng ngành nghề mà thu nhập của chương trình cũng khác nhau. TTS kỹ năng nên tìm hiểu thông tin và chọn ngành nghề phù hợp với nguyện vọng của mình.
Về phía Cơ quan phái cử (Công ty Xuất khẩu lao động) cần chú trọng hơn nữa đến việc tuyển chọn, đào tạo và định hướng cho các bạn TTS kỹ năng. Việc đào tạo tiếng Nhật, văn hóa Nhật và hướng dẫn về Pháp luật là rất quan trọng. Hạn chế tuyển dụng qua nhiều khâu trung gian, kiểm soát được phí môi giới lao động.
Cơ quan phái cử đồng thời liên kết chặt chẽ với gia đình, TTS kỹ năng và Xí nghiệp tiếp nhận để có giải pháp kịp thời khi TTS kỹ năng gặp khó khăn khi ở Nhật Bản.
Về phía Nghiệp đoàn cần tìm kiếm chọn lọc những Công ty phái cử uy tín, những Xí nghiệp tiếp nhận uy tín có môi trường làm việc tốt giúp TTS kỹ năng yên tâm làm việc.
Tổng kết
Tỉ lệ cư trú bất hợp pháp, bỏ trốn, phạm tội của người Việt Nam tại Nhật đặc biệt ở đối tượng là TTS kỹ năng đứng top 1 tại Nhật như hiện tại, sẽ tạo bất lợi cho mối quan hệ song phương hai nước Nhật-Việt. Điều này có thể dẫn đến việc Đại Sứ Quán có thể sẽ thắt chặt hơn quá trình cấp visa Nhật cho người có quốc tịch Việt Nam là điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Chúng ta mỗi người Việt Nam cần nhận thức và hành động góp phần đẩy lùi thực trạng cư trú bất hợp pháp, bỏ trốn, phạm tội của người Việt Nam tại Nhật.