Phỏng vấn người Việt Nam đã từng sống tại Nhật Bản ①”Tiếng Nhật đã thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào?”

Phỏng vấn người Việt Nam đã từng sống tại Nhật Bản ①”Tiếng Nhật đã thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào?”

“Nhanh” nghĩa là từ từ nhưng liên tục. Sự nỗ lực của bạn sớm muộn rồi cũng sẽ có kết quả, quan trọng là bền bỉ theo đuổi nó tới đâu!

Chiều Hà Nội trở rét, tôi ngồi đối diện nơi làm việc chờ An – anh Leader trẻ tuổi của một dự án chăm sóc khách hàng Nhật Bản trực thuộc Công ty cổ phần Bell System 24 Hoa Sao – Hà Nội.

Tan làm, An chạy vội sang quán cafe bên đường gặp tôi cho đúng giờ hẹn. Ấn tượng thoạt đầu toát lên một chàng trai vô cùng ân cần, trìu mến, và hoạt bát. Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ trò chuyện với An, tôi mới hiểu đằng sau con người ấy là ý chí và nỗ lực phi thường tới nhường nào để đạt được kết quả như ngày hôm nay.


Thông tin cá nhân

HỒ ĐỨC AN

  • Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2014
  • Cuối năm 2014 đạt được chứng chỉ Ielts 7.0
  • Tháng 4/2016, qua Nhật theo diện du học sinh trường Nhật ngữ thành phố Yokohama
  • Tháng 12/2017 đạt được chứng chỉ tiếng Nhật N2
  • Tháng 5/2018 trở về nước cho tới nay, chính thức trở thành Leader tại dự án chăm sóc khách hàng Nhật Bản tại công ty cổ phần Bell system 24 Hoa Sao

Chào An! Sau một ngày làm việc vất vả, rất cảm ơn bạn đã nhận lời tham dự buổi phỏng vấn của jNavi ngày hôm nay.

Q1. Được biết tháng 4/2016, An có qua Nhật theo diện du học sinh trường Nhật ngữ thành phố Yokohama (Nhật Bản). Với một người đã sở hữu tấm bằng Ielts với điểm số ấn tượng 7.0, động lực nào đã khiến An chuyển hướng sang học tiếng Nhật vậy?

Chia sẻ thực sự với bạn, mình lớn lên cùng với Anime và Manga. Từ nhỏ đó là niềm yêu thích cũng như say mê của bản thân mình. Rồi tới ngày học Đại học, mình có đọc khoảng 2 tới 3 cuốn tiểu thuyết của tác giả Nhật Bản Murakami Haruki. Do đó càng khơi dậy trong mình sự tò mò về đất nước, con người và không khí ở Nhật Bản.
Và điều quan trọng nhất dẫn tới lý do đi Nhật là tại thời điểm đó công việc của mình không được thuận lợi. Nếu như cứ tiếp tục công việc đó thì mọi thứ khá bình ổn và không có sự bứt phá nào. Sau khi biết được bản thân có cơ hội du học 2 năm, mình đã quyết định theo đuổi và tìm cho bản thân những cánh cửa mới với thử thách “tiếng Nhật”.


Q2. Trong suốt 2 năm ở Nhật, ngoài việc học và trau dồi ngôn ngữ, An có đi làm thêm công việc gì không?

Có chứ. Giống đa phần sinh viên Việt Nam sống ở Nhật mình cũng có đi làm thêm để trang trải sinh hoạt phí và đóng tiền học. Mình có từng làm phụ bếp trong một quán cơm Nhật và nhân viên phục vụ cho quán sushi băng chuyền.


Q3. Vậy công việc đó bạn tìm kiếm qua nguồn thông tin nào? Và qua công việc ấy, An cảm thấy mình đã tích lũy được những kinh nghiệm gì cho bản thân?

Công việc đầu tiên ở quán Sushi băng chuyền là do có một người bạn của mình đang làm trong quán giới thiệu cho. Còn việc làm ở quán cơm là do mình tình cờ thấy tin đăng tuyển dụng của một công ty giới thiệu nhân sự trên Facebook.

Điều mình nhận thấy tích lũy được nhiều nhất chính là “tiếng Nhật”. Hơn nữa việc đi làm giúp mình có cơ hội tiếp xúc với người Nhật trên thực tế, nhờ đó mà mình đã học hỏi được thái độ chuyên nghiệp và nghiêm túc khi làm việc. Ngoài ra những người ở chỗ làm cũng chỉ bảo cho mình rất nhiều về quy tắc ứng xử nơi làm việc (マナー) và điều đó thực sự giúp ích cho mình rất nhiều trong công việc hiện tại.


Q4. Thời gian sống ở Nhật khoảng thời gian nào làm bạn cảm thấy khó khăn nhất? Và bạn đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Khó khăn nhất có lẽ là khoảng thời gian 1-2 tháng đầu. Khi ấy mới xa nhà, không có bố mẹ, người thân hay bạn bè ở bên, mọi thứ đến mình lạ lẫm lắm. Hơn nữa việc không biết tiếng Nhật khiến mình khá stress vì chẳng thể giao tiếp với những người xung quanh. Nhiều hôm đi làm thêm về rất mệt, mà mình không biết phải chia sẻ với ai cả.

Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trôi qua, mình bắt nhịp dần được với cuộc sống và đặc biệt may mắn khi gặp được những người tốt như là giáo viên ở trường luôn giúp đỡ mình khi cần. Mình luôn tâm niệm “Ngoài bản thân mình ra không ai giúp được mình cả”. Vì thế, ngoài ý chí và bản lĩnh ra thì không có cách nào khác giúp mình đứng lên để vượt qua những stress đó cả.


Q5. Nhật Bản là một đất nước có văn hóa và lối sống khác xa với Việt Nam. Vậy để giải đáp cho những điều chưa biết rõ, An tìm kiếm nguồn thông tin ở đâu?

Như đã chia sẻ thì mình là một người khá “nghiền” Manga và Anime nên cũng đã có những hiểu biết nhất định và chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống mới.

Tuy nhiên, mình thường xuyên dạo qua các trang Fanpage liên quan tới Nhật Bản trên Facebook để cập nhật tình hình và tìm hiểu thêm những thông tin mới.

Trong thời gian ở Nhật, nếu có gì không hiểu mình sẽ hỏi ngay những người Nhật xung quanh. Ví dụ như 「これは何?」(Đây là cái gì?)「何のために使う?」(Cái này sử dụng để làm gì?)

Cá nhân một chút thì mình khá “chăm” đi du lịch. Mỗi chuyến đi như vậy, mình lại chụp ảnh, tìm tòi thêm được rất nhiều điều thú vị. Chỉ cần để ý xung quanh một chút thôi có lẽ bạn sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị đấy.


Q6. Hiện tại ở Bell System 24 Hoa Sao, An giữ vị trí leader của một team chuyên về dự án chăm sóc khách hàng người Nhật. Theo mình nhận định đây là một vị trí mà rất nhiều bạn trẻ giỏi tiếng Nhật mong muốn được đảm nhiệm. Từ quan điểm cá nhân, mong An chia sẻ để có thể đảm nhiệm được vị trí leader đó cần có những kỹ năng gì?

Đầu tiên cũng là quan trọng nhất đó là tiếng Nhật. Với vai trò là người leader trong team bạn sẽ phải là cầu nối truyền đạt thông tin với khách hàng, cấp trên và nhân viên. Ít nhất phải diễn đạt được để mọi người nắm được tình hình công việc.
Ngoài ra mình nghĩ cũng cần có kinh nghiệm làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không hẳn là bạn phải làm ở quá nhiều công ty trước đó mà kinh nghiệm đó có thể thu được từ việc đi thực tập hay tham gia các hoạt động tình nguyện.
Một yếu tố mình cũng khá coi trọng, đó là “hiểu rõ vị trí của bản thân mình đang nằm ở đâu”. Dù ở bất cứ vị trí nào, việc học hỏi kiến thức mới cũng chưa bao giờ là đủ cả.


Q7. Với một lượng công việc lớn mà leader phải chịu trách nhiệm, có khi nào An cảm thấy quá tải hay gặp trở ngại gì không?

Mình không có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty Nhật Bản. Tuy nhiên từng có thời gian đi thực tập tại phòng hành chính của khách sạn JW Marriott Hà Nội và đó là quãng thời gian mình học hỏi được khá nhiều.
Tuy doanh nghiệp Nhật Bản khác hẳn với các công ty Mỹ hay châu Âu nhưng tựu chung lại quan trọng là phải tự biết giúp mình hóa giải những áp lực thành động lực. Khi ở công ty, “hiệu quả công việc” được mình đặt lên hàng đầu nên nên dẫu đang có áp lực gì cũng phải dẹp nó sang một bên và giải quyết nó sau giờ làm. Đó là cách làm việc chuyên nghiệp mà mình đã được học hỏi và rèn luyện trong thời gian thực tập.


Q8. Nắm giữ vai trò là một người leader trong team, An sẽ là người trực tiếp đào tạo và hướng dẫn công việc cho các bạn sinh viên mới ra trường và lần đầu tiên đi làm. An có nhận xét gì về các bạn trẻ học tiếng Nhật ở Việt Nam?

Đầu tiên là các bạn học khá nhanh, tốt và nhớ lâu cũng như có sự bắt nhịp với công việc tốt. Ví dụ như ở công ty hiện tại mình xin được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 là các bạn sinh viên học tiếng Nhật tại Đại học chính quy ở Việt Nam. Nhóm 2 là các bạn đã từng đi Nhật theo diện du học sinh, thực tập sinh hoặc kỹ sư.
Ở nhóm 1, các bạn khá chắc ở mảng đọc hiểu, viết và ngữ pháp. Tuy nhiên phần nói hội thoại lại chưa được tốt cho lắm.
Còn nhóm 2 do ngày ở Nhật công việc yêu cầu phải nói nhiều nên dù tiếng Nhật chưa được chỉnh chu nhưng các bạn có phản xạ giao tiếp khá nhanh nhưng lại không chắc phần đọc, viết.
Đây chỉ là nhận định chung của mình còn có thể tùy vào mỗi cá nhân sẽ có điểm mạnh và điểm yếu riêng.


Q9. Vậy những kỹ năng còn thiếu cần bổ sung thì sao? Để có thể làm việc tại công ty Nhật, ngoài tiếng Nhật các bạn còn phải chuẩn bị những gì?

Tiếng Nhật là công cụ chính để làm việc. Bên cạnh đó, theo mình nghĩ còn có những kỹ năng mềm hay quy tắc ứng xử trong công ty chẳng hạn như với cấp trên, đồng nghiệp hay các nhân viên vào sau.
Ngoài ra các bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những khó khăn sẽ gặp phải trong công việc như việc bị giao gấp cần hoàn thành ngay, những nghiệp vụ khó hay những dự án kéo dài dẫn đến stress.
Cũng xin chia sẻ thêm, khi đi làm yếu tố may mắn là khá quan trọng (cười). Ví dụ như cùng vị trí và năng lực đó, nhưng bạn lại đến chậm chân hơn ứng viên trước thì dĩ nhiên cơ hội của bạn đã vụt mất rồi. Luôn biết tích lũy và chắt chiu cơ hội của bản thân mình nhé.


Q10. Cuối cùng, An có lời gì muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang học tiếng Nhật không?

“Do tiếng Nhật là điều vô cùng cần thiết để công việc của các bạn có thể diễn ra thuận lợi nên hãy cố gắng hết sức có thể để học tiếng Nhật nhé. Bên cạnh đó đừng quên tham gia các hoạt động bên ngoài để giúp mở rộng các mối quan hệ cũng như cải thiện kỹ năng mềm”.


Thay mặt cho ban biên tập Kênh thông tin Nhật Bản jNavi vô cùng cảm ơn bạn đã nhiệt tình tham gia trả lời buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc An sức khỏe và ngày càng thành công trên con đường mà mình đã chọn.