Cách phân loại rác ở Nhật

Cách phân loại rác ở Nhật

Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới là một đất nước quy củ và kỷ luật. Việc tuân thủ quy định ấy được thực hiện ngay từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày – “Phân loại rác thải”.

Ở Việt Nam, tất cả các loại rác được vứt chung với nhau và tới giờ quy định thì mang ra nơi tập kết rác hoặc những công nhân dọn vệ sinh sẽ tới thu rác tận nhà. Tuy nhiên, ở Nhật trước khi vứt rác, bạn phải phân loại rác thành từng loại khác nhau theo quy định rồi mới được đem đi vứt. Tùy theo quy định từng vùng sẽ có những quy định khác nhau, tuy nhiên, cũng có những quy định chung được phổ biến trên cả nước.

Hôm nay jNavi xin chia sẻ với các bạn chi tiết về cách vứt cũng như phân loại rác tại Nhật.

Rác cháy được (rác thông thường không tái chế)

Rác thải thông thường không tái chế được gọi là やすごみ hoặc 可燃かねんごみ, cả hai từ này đều dùng để chỉ những loại rác có thể đốt được.

Rác thải thông thường được quy định ở mục này là rác thải thực phẩm, quần áo hoặc cũ hoặc chất thải giấy.

Rác thải thực phẩm (なまごみ)

生ごみ là cụm từ để chỉ các rác thải sinh hoạt trong nhà bếp như rau cú, vỏ trái cây, các loại thực phẩm ôi thiu để lại mùi hôi khó chịu. Với những loại 生ごみ hoặc rác thải tươi sống, do đặc điểm thời tiết khá ẩm ướt và nóng vào mùa hè nên người Nhật thường gói vào những túi riêng biệt hoặc bọc vào báo rồi vứt đi để tránh mùi hôi và ẩm mốc. Lưu ý phải lọc bỏ hết nước trước khi vứt đi nhé!

Có một lưu ý nhỏ cho các bạn là ở Nhật có quy định “Không được phép đổ dầu ăn thừa trực tiếp xuống bồn rửa bát”. Do đó, khi rửa những chiếc nồi hoặc chảo có dính dầu mỡ các bạn phải dùng vải hoặc giấy để thấm toàn bộ lượng dầu mỡ dư đó rồi mới rửa.

Hoặc theo kinh nghiệm của những người Nhật, có rất nhiều gia đình họ tận dụng chính những tờ báo và tạp chí cũ gấp lại thành một chiếc hộp giấy nhỏ và đổ lượng dầu mỡ thừa vào đó, vừa thấm hút nhanh lại có thể tận dụng được số lượng sách, báo cũ bỏ đi. Các bạn có thể tham khảo hình dưới đây :

Chất thải giấy và hộp nhựa

Là những loại giấy phế thải không còn công dụng tái chế. Ví dụ như : tã, bỉm trẻ sơ sinh, các hộp đựng thực phẩm và nước uống bằng giấy (hộp sữa, hộp trà), sách báo, tạp chí cũ, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa cháy được (hộp natto, hộp maiyonnaise), v.v…

Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ cho các bạn đó là toàn bộ các hộp nhựa và hộp giấy trước khi vứt đi phải rửa sạch phía bên trong hộp và cắt bỏ hai đầu theo hướng dẫn ghi trên thân hộp. Các bạn có tham khảo theo như hình dưới đây :

Rác không cháy được

やさないごみ và 不燃ふねんごみ là hai từ dùng để chỉ loại rác không cháy được ở Nhật Bản.

Đây là loại rác nguy hiểm nếu không xử lý đúng cách và cẩn thận có thể gây nguy hại cho con người và môi trường. Việc thu gom cũng được tiến hành rất nghiêm túc hầu như sẽ diễn ra 1 tháng 2 lần vào thứ 6 của tuần đầu tiên và tuần thứ ba trong tháng.

Các loại rác không cháy được có thể kể đến như :

  • Vật liệu thủy tinh (bóng đèn, bình thủy tinh, hộp thủy tinh…)
  • Các loại chai xịt
  • Dụng cụ nấu bếp (nồi, xoong, chào…)
  • Bật lửa,
  • Dao, kéo, thủy tinh vỡ (hãy ghi thêm chữ “危ない – nguy hiểm” khi vứt nó ở bên ngoài

Rác có thể tái chế

Các rác thải có thể tái chế ở Nhật gọi là 資源しげんごみ. Việc tái chế rác thải ở Nhật khá phức tạp.

Cách xử lý rác có thể tái chế

Tại Nhật, bạn sẽ phải phân loại rác thải tái chế thành 3 loại khác nhau.

カン (lon, hộp sắt)


びん (bình thủy tinh, chai thủy tinh)


ペットボトル (chai nhựa).

Trước tiên, bạn cần xé tấm giấy dán bọc ngoài vỏ chai hoặc lon. Hầu hết, các nhà sản xuất ở Nhật sẽ đục lỗ phần gói trên chai để cho người dùng dễ dàng xé bỏ. Ngoài ra, với những sản phẩm chai, lọ các bạn cần tháo bỏ nắp chai và đổ hết nước còn sót lại bên trong.

Lon, chai thủy tinh và chai nhựa thường sẽ có lịch trình vứt rác riêng. Các bạn nên để ý để phân loại rác cho kịp trước khi rác được thu gom nhé.

Ngoài ra, theo như thông tin mình được biết, ở một vài khu phố không quá đông đúc tỉnh Kanagawa, người dân sẽ được phát một tờ lịch vứt rác trong suốt cả năm dùng từ tháng 4 năm nay tới tháng 3 năm sau (tính theo năm tài khóa của Nhật).

Các bình nhựa tái chế

Ở Nhật có một loại rác được gọi là 容器包装ようきほうそうリサイクル. Đây thường là những chai nhựa đựng dầu gội, sữa tắm hoặc khay, hộp nhựa đựng thức ăn. Trước khi phân loại chúng đều phải được rửa sạch và không còn dư thừa gì bên trong.

Tùy vào quy định của từng thành phố, loại rác này có thể được vứt cùng ngày với các loại rác không cháy được kể trên hoặc vứt vào một ngày khác.

Rác cỡ lớn

Rác quá khổ ở Nhật được biểu hiện qua cụm từ 粗大そだいごみ. Đây là loại rác thải (thường là đồ cũ bỏ đi) có độ dài lớn hơn 30cm. So với các quốc gia khác thì việc xử lý rác thải cỡ lớn tại Nhật là khá phức tạp và sẽ mất phí để vứt đi.

Tuy nhiên bạn có thể hỏi thăm người chủ nhà hoặc phía công ty bất động sản để nhờ tư vấn nơi vứt đi hợp lý. Hoặc trao đổi với những người chủ đại lý bán hàng hoặc cửa hàng đồ tái chế xem có thể giúp thu mua đồ cũ đó không.

Hoặc bạn có thể gọi tới trung tâm thu gom rác thải yêu cầu họ tới thu gom giúp. Chỉ cần tìm cụm từ 粗大そだいごみ trên Internet sẽ có thể cho ra những kết quả phù hợp gần với nơi bạn sống.

Phí thu gom và vận chuyển giao động từ 3000 Yên tới 10.000 Yên tùy vào kích cỡ của món đồ. Tuyệt đối lưu ý không vứt những rác thải cồng kềnh ra ngoài đường không đúng quy định, nếu bị phát hiện thì việc trở thành tội phạm hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Các điểm lưu ý khi vứt rác ở Nhật

  • Rác phải cho vào túi ni lông chuyên dụng. Loại túi này có nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau được bán rộng rãi tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng 100 Yên.
  • Nếu không biết địa điểm và thời gian vứt rác, hãy hỏi những người hàng xóm xung quanh nhà bạn để tuân thủ đúng quy định ở Nhật nhé.
  • Luôn đảm bảo vệ sinh và nghiêm túc thực hiện việc phân loại rác.
  • Liên hệ ngay với quản lý khu nhà hoặc công ty bất động sản để xin trợ giúp khi cần thiết, hay có thắc mắc gì liên quan tới chế độ sinh hoạt.

So với Việt Nam thì cuộc sống ở Nhật có những điều tỉ mỉ và chi tiết hơn. Nhưng “nhập gia tùy tục”, hãy cố nhanh chóng hòa đồng với cuộc sống ở nước bạn và chúc tất cả các bạn có một cuộc sống an toàn.