Nhật Bản nổi tiếng là đất nước của sự chăm chỉ và nghiêm túc làm việc. Họ có thể làm việc quên ăn, quên ngủ và quên luôn cả thời gian đang trôi qua. Đây là một nét văn hóa trong các công ty Nhật từ xưa đến nay nhằm gia tăng sự ổn định trong công ty. Xu hướng mang tính chất đảm bảo khối lượng công việc đề ra mà không làm thay đổi bộ máy nhân sự hay các bộ phận trong công ty, do đó chỉ còn cách tăng thời gian làm việc của nhân viên để vượt qua khoảng thời gian khó khăn công việc dồn dập.
Đây cũng là vấn đề được nhiều bạn đang làm việc tại Nhật quan tâm bởi nó cũng ảnh hưởng phần nào tới thu nhập lương tháng của các bạn. Hôm nay jNavi sẽ chia sẻ cùng các bạn về các quy định làm thêm giờ trong công ty Nhật.
Thời gian làm việc
Đầu tiên các bạn phải hiểu và phân biệt được các khái niệm sau:
- 法定労働時間 : Thời gian lao động theo Luật pháp quy định (thời gian pháp định)
- 所定労働時間 : Thời gian làm việc được quy định theo hợp đồng (thời gian sở định)
Thời gian pháp định
Thời gian lao động cơ bản được pháp luật Nhật Bản quy định là 40 giờ / tuần, và 8 giờ/ ngày. Đây cũng được gọi là thời gian lao động cơ bản. Cũng có một số người lại nói rằng “Công ty tôi làm việc 10 giờ/ ngày và điều đó được ghi rõ trong hợp đồng lao động”, trong trường hợp này đã quá 2 tiếng so với thời gian làm việc 8 tiếng quy định, do đó sẽ được tính 8 tiếng làm cơ bản và 2 tiếng thời gian làm thêm giờ.
Thời gian sở định
Dựa trên thời gian pháp định được pháp luật quy định, các công ty có quyền tự quyết định khoảng thời gian làm việc phù hợp. Nhưng nhất định phải tuân theo khoảng thời gian không quá 40 giờ / tuần và 8 tiếng / ngày.
Chẳng hạn như “Để tăng hiệu suất làm việc công ty chúng tôi quyết định làm việc 7 giờ 30 phút mỗi ngày hoặc 35 tiếng / tuần ( 7 giờ mỗi ngày). Giờ làm việc được quyết định bởi đặc trưng riêng của công ty hoặc theo quy định được ghi trong hợp đồng lao động.
Việc rút ngắn thời gian làm việc của công ty hiện đang là một chiến lược được nhiều công ty sử dụng bởi nó là một điểm hấp dẫn thu hút việc tuyển dụng trong công ty. Cùng một mức lương nhưng rõ ràng làm việc 7 tiếng và làm việc 8 tiếng sẽ có sự khác biệt.
Việc làm thêm giờ
Thời gian làm thêm giờ trong tiếng Nhật gọi là 時間外労働 hoặc 残業時間. Tương tự như thời gian làm việc nêu trên, thời gian làm thêm giờ cũng được chia làm 2 loại :
- Làm thêm giờ ngoài thời gian lao động pháp định : Thời gian làm việc mà pháp luật quy định là không quá 8 giờ / ngày và 40 tiếng / tuần, nếu vượt quá thời gian này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và nhận trợ cấp làm thêm.
- Làm thêm giờ ngoài thời gian sở định : Nếu người lao động phát sinh thời gian làm thêm nhưng không vượt quá thời gian lao động pháp định (8 tiếng / ngày và 40 giờ/ tuần) thì đó là thời gian làm thêm hợp pháp theo quy định và công ty chỉ có nghĩa vụ thanh toán tiền lương cơ bản có ghi trên hợp đồng.
Quy định về việc tính lương làm thêm giờ
Luật pháp Nhật Bản quy định về các mức tính lương làm thêm giờ như sau :
① Số giờ làm thực tế – 8 giờ làm chính thức = Số giờ làm thêm x 25% lương cơ bản
② Thời gian làm đêm từ 10 giờ đêm tới 5 giờ sáng hôm sau : Số giờ làm thêm x 50% lương cơ bản
③ Làm thêm vào ngày nghỉ, nghỉ lễ : Số giờ làm thêm x 35% lương cơ bản
④ Làm thêm vào buổi đêm của ngày nghỉ : Số giờ làm làm thêm x 60% lương cơ bản
⑤ Đối với các trường hợp nhận lương cố định theo tháng sẽ áp dụng các cách tính khác do phải trừ đi các khoản phụ cấp và phúc lợi riêng rồi chia tiền lương cho số giờ làm chính thức và số giờ làm thêm.
Giới hạn về thời gian làm thêm
Làm thêm không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong ngày (ví dụ quy định ngày làm 8 tiếng thì làm thêm không được phép vượt quá 4 tiếng)
Từ ngày 1/4/2019, chính phủ Nhật Bản ra quy định thời gian làm thêm của Nhật không được vượt quá 45 giờ/ tháng và 360 giờ/ năm. Tuy nhiên các công ty có thể tự động điều chỉnh số giờ làm thêm này cho phù hợp với tiến độ công việc ở những đợt cao điểm, mức điều chỉnh tối đa trong 6 tháng/ năm và không được vượt quá 100 giờ/ tháng và 720 giờ/ năm.
Luật trên được ban hành nhằm cân đối lại nguồn lao động, tránh tình trạng lao động quá sức đang xảy ra ở Nhật Bản – nơi đang xảy ra vấn đề thiếu hụt nhân lực ở tất cả các ngành nghề do già hóa dân số và tỉ lệ sinh con tiếp tục suy giảm.
Tổng kết
Như vậy là tôi đã giải thích cho các bạn một cách cơ bản nhất để hiểu được về “vấn đề làm thêm giờ” ỏ Nhật. Các bạn hãy đọc và nắm được những thông tin trên nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bản thân mình nhé.