Bạn biết gì về người Nhật?

Bạn biết gì về người Nhật?

Với những bạn làm việc trong công ty Nhật Bản, dĩ nhiên hàng ngày người sẽ trực tiếp làm việc cùng các bạn là các quản lý và “sếp” người Nhật. Đa phần tất cả các nhân viên đều cho rằng “công việc chỉ thực sự hiệu quả khi đạt được sự ăn ý giữa những cộng sự với nhau”, vậy liệu bạn đã thực sự hiểu được những nét tính cách của người Nhật chưa? Nhằm trả lời cho câu hỏi đó, ngày hôm nay jNavi xin cùng bạn thảo luận về chủ đề này.

Không phải lẽ dĩ nhiên mà người ta coi Nhật Bản là cái nôi đào tạo ra những nhân sự nổi tiếng chăm chỉ và hết mình với công việc. Có lẽ tất cả đều xuất phát từ những nét tính cách dưới đây.

Tinh thần giữ gìn bản sắc truyền thống

Nhật Bản là một quốc gia không mấy may mắn ở châu Á khi liên tục phải hứng chịu những thảm họa thiên nhiên. Chính điều đó đã phá hủy đi không ít công trình kiến trúc cổ của “đất nước mặt trời mọc”, tuy nhiên bằng mọi nỗ lực của mình Nhật Bản đã khôi phục lại tất cả để thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng và thán phục. Làn sóng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa du nhập một cách mạnh mẽ vào Nhật Bản nhưng giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc không hề bị mất đi bởi người Nhật luôn biết cách giữ gìn và phát huy nó.

Cho tới nay, các loại hình nghệ thuật ở Nhật Bản vẫn được coi trọng và đánh giá cao:

  • Nền ca múa nhạc dân tộc : kịch No, kịch Kabuki… vẫn có sức hút rất lớn với người Nhật và được người dân coi trọng.
  • Các loại hình nghệ thuật truyền thống như : trà đào, trang phục kimono, sumo… vẫn được người dân ưa chuộng và không bị ảnh hưởng bởi các trào lưu âm nhạc phương Tây.
  • Những khu suối nước nóng (Onsen) vẫn được rất đông người dân lui tới nghỉ dưỡng và thưởng thức các món ăn truyền thống.
  • Tại các khu ngoại ô, không khó để bắt gặp những ngôi nhà thiết kế truyền thống với mái ngói, cửa gỗ, trải chiếu tatami, có vườn cây tiểu cảnh…)
  • Mỗi ngôi làng đều có đền thờ Thần đạo
  • Các lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức đều đặn

Sự sạch sẽ

Nếu có cơ hội tới Nhật, bạn sẽ được nhìn thấy một Nhật Bản sạch sẽ, thuần khiết và cực kỳ ý thức trong việc “giữ gìn vệ sinh”.

  • Người Nhật luôn giữ cho bản thân sạch sẽ từ trang phục tới giày dép.
  • Họ luôn chú ý giữ vệ sinh chung, ở bất cứ đâu đều tháo giày rồi mới bước vào cửa (học sinh phải cởi giày trước khi vào lớp, mọi người phải tháo giày trước khi đi vào đền, chùa…)
  • Nhà máy nước của Nhật có kỹ thuật lọc nước rất cao, vì vậy trên khắp đường phố Nhật Bản có rất nhiều vòi nước để mọi người có thể uống giải khát trực tiếp.
  • Dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ là rất ít nên chỉ cần một lần rửa dưới vòi nước là có thể ăn.
  • Việc phân loại rác ở Nhật được phân loại vô cùng kỹ lưỡng. (Tham khảo bài viết : Cách phân loại rác ở Nhật)
  • Ngành dịch vụ vệ sinh công cộng hoạt động rất chuyên nghiệp (việc quét dọn tàu điện hoàn thành trong 7 phút, khi lượt khách hàng tiếp theo bước lên tàu mọi thứ đều thơm tho và như mới)
  • Người dân ý thức cao không xả rác bừa bãi ra đường, cũng rất hiếm thấy các thùng rác đặt công khai trên đường. Người Nhật thường đem rác về nhà vứt hoặc đem tới nơi cho phép đổ rác)
  • Khác với trường học ở Việt Nam, các trường học ở Nhật không thuê lao công dọn dẹp mà người làm vệ sinh trường lớp chính là các em học sinh. Các em được rèn luyện thói quen từ khi còn rất nhỏ và ý thức rằng giữ gìn vệ sinh là phạm trù đạo đức chứ không phải là công việc khi người lớn giao mới làm)

Lịch sự và tôn trọng người khác

  • Ở những nơi đông người hay các không gian công cộng, mọi người thường hạ giọng xuống khi nói chuyện điện thoại, cũng như một lời thông báo nhẹ nhàng với đối phương rằng tôi đang di chuyển và sẽ liên lạc lại sau. Ở các ga tàu cũng thường có biển báo đề nghị hành khách tắt máy, để im lặng hoặc hạn chế trả lời điện thoại để tránh làm phiền những người bên cạnh.
  • Người Nhật rất tôn trọng người đối diện nên không bao giờ dùng tay để chỉ trỏ vào ai đó. Họ luôn nở nụ cười, cúi chào để bày tỏ lòng kính trọng và đưa đồ cho người khác luôn bằng hai tay.

Sự trung thực

Lòng tự tôn của người Nhật đã có từ xa xưa và dường như đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng khi nói về người Nhật.

  • Nhật Bản là quốc gia có số lượng máy bán hàng tự động lớn nhất thế giới. Dù trong máy có số lượng hàng hóa và tiền có giá trị lớn và được đặt trong các con ngõ vắng vẻ nhưng chưa bao giờ người ta phải lo lắng về việc liệu nó có bị trộm cắp hay phá hoại không?
  • Có thể dễ dàng bắt gặp các “gian hàng không người bán” đặt bên vệ đường ở những vùng nông thông nhưng cũng không hề xảy ra mất trộm. (Mỗi ngày, người nông dân sẽ thu hoạch nông sản và mang ra bày tại gian hàng đính kèm giá vào sản phẩm. Nếu ai muốn mua sẽ tự cân và bỏ tiền vào hộp. Cuối ngày, chủ quầy hàng sẽ tới dọn hàng và thu tiền).
  • Người Nhật ý thức rất lớn việc không tùy tiện sử dụng đồ của người khác. Nếu bạn quên ô hoặc đồ ở nhà ga hoặc bất cứ nơi nào, có rất nhiều trường hợp đã có thể tìm lại được món đồ đó ở chính tại địa điểm để quên hoặc đồn cảnh sát gần nhất.

Đúng giờ

  • Một trong những điều quan trọng nhất người ta học được khi sống ở Nhật là luôn đúng giờ. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng người khác mà còn khiến mọi việc tiến triển suôn sẻ và hiệu quả hơn.
  • Ở Nhật, “thời gian là kim chỉ nam” cho mọi công việc nên thời gian biểu của xe buýt, tàu điện hay tàu điện ngầm đều phải chính xác tới từng giây. Đặc biệt sự chính xác được biểu hiện rõ nhất trong các buổi hẹn, giờ đi làm, giờ dự tiệc hoặc thời gian tham dự các buổi họp.
  • Nếu là người thường xuyên trễ giờ hẹn, chắc chắn bạn sẽ nhận được “một ánh nhìn” khác của người Nhật bởi họ đều là những người rất nghiêm túc và coi trọng chuyện giờ giấc. Đến kể cả khi tàu chậm, hành khách sẽ nhận được giấy xác nhận của nhà ga để làm lý do báo cáo lại với cấp trên.

Ngoài ra, liên quan đến việc tuân thủ giờ giấc, người Nhật còn một số quy tắc khác như :

  • Nhân viên luôn được yêu cầu tuân thủ tuyệt đối giờ hẹn, không để khách chờ.
  • Việc tới trước giờ hẹn 5 phút được coi là phép lịch sự tối thiểu.
  • Đặt lịch hẹn trước qua điện thoại là một phép lịch sự tối thiểu. Nếu vì một lý do nào đó không thể tới cuộc hẹn đúng giờ hoặc hủy hẹn thì cần thông báo trước qua điện thoại.
  • Bằng mọi giá thu xếp tới công ty sớm, ít nhất là đúng giờ.
  • Nếu không tôn trọng giờ giấc với khách hàng thì sẽ đánh mất uy tín và tín nhiệm của công ty mình. Vì vậy, nếu là một nhân viên công ty Nhật, hãy cố gắng khắc phục tất cả các khó khăn để có thể tới công ty đúng hẹn.

Tiết kiệm và làm việc chăm chỉ

Người Nhật tằn tiện trong chi tiêu và cần cù trong lao động. Do đó, sau 30 năm từ một nước bị chiến tranh tàn phá họ đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế.

Tiết kiệm tiền bạc

  • Sử dụng một phần thu nhập để gửi tiết kiệm. Và đây cũng chính là một nguồn vốn quan trọng tạo thuận lợi cho kinh tế Nhật phát triển.
  • Với những công việc trong gia đình, ngoại trừ khi không thể thực hiện được. Còn không, các gia đình người Nhật đều cố thực hiện nó chứ không có thói quen thuê người dọn dẹp, lau chùi.

Tiết kiệm năng lượng

Ở các thành phố lớn, người Nhật chọn tàu điện ngầm làm phương tiện di chuyển chính, còn những khu vực tàu điện không phổ biến thì xe đạp sẽ là sự lựa chọn hàng đầu.
Mỗi khi trời chuyển rét, người Nhật sẽ không bật máy sưởi hoặc điều hòa để làm ấm cả căn nhà mà chỉ sử dụng tại những phòng có người ở.
Khi trời nóng cũng vậy, mặc dù các thiết bị làm lạnh luôn để ở chế độ tiết kiệm điện nhưng mỗi khi cảm thấy phòng đủ mát điều hòa sẽ được tắt đi. Điều này vừa giúp tiết kiệm tiền điện và bảo vệ môi trường.

Tiết kiệm trong khẩu phần ăn

Khi đi ăn tại nhà hàng, người Nhật sẵn sàng đem đồ ăn thừa về nhà để sơ chế lại, chế biến thành các món ăn khác để tránh lãng phí đồ ăn.
Các bà nội trợ Nhật khi đi chợ cũng luôn tính toán kỹ lưỡng lượng thức ăn và lượng calo mỗi người sử dụng trong bữa ăn.
Các món ăn được nấu với lượng vừa đủ, đảm bảo ăn hết tránh gây ra tình trạng dư thừa bỏ phí thức ăn.

Sử dụng đồ tái chế

Tại Nhật có rất nhiều nhà máy tái chế đồ cũ với công nghệ hiện đại.
Nếu đến Nhật, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được các cửa hàng đồ tái chế hoặc các chợ đồ cũ bán những vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày.

Tiết kiệm thời gian

  • Để tiết kiệm thời gian, người Nhật đã có phát minh vĩ đại ra tàu Shinkansen với vận tốc lên tới 500km/h. Đây là phát kiến quan trọng giúp người Nhật giảm thiểu thời gian đi lại trên những cung đường xa.
  • Làm việc với thái độ rất nghiêm túc, tập trung cao độ để hoàn thành công việc.
  • Tại các thành phố lớn hoặc ga tàu đông người, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân Nhật Bản đi rất nhanh hoặc tranh thủ ngủ hoặc làm việc trên tàu để thời gian không trôi qua một cách lãng phí.

Coi trọng học vấn

Nhật Bản nghèo tài nguyên nhưng có một thứ lại giàu có, đó là con người. Hệ thống giáo dục được xem là chìa khóa làm cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Việc đầu tư cho giáo dục có ý nghĩa vô cùng to lớn vì suốt hàng thế kỷ qua đã tạo ra hệ thống nhân sự có hiệu quả cao, góp phần đưa đất nước phát triển.

Là một đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên lại luôn phải đối mặt với những thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa… nên người dân Nhật Bản luôn ý thức được việc dựa vào chính sức mình để tồn tại. Chính thiên nhiên khắc nghiệt đã rèn cho người Nhật tính tự lập, tự cường và có suy nghĩ con người là yếu tố quan trọng nhất. Muốn đất nước phát triển không có cách nào khác ngoài đào tạo nguồn nhân lực hùng hậu và chất lượng. Và phần lớn người Nhật đều muốn hoàn thiện mình hơn và học hỏi là con đường duy nhất để đạt được mục đích đó.

Tổng kết

Giao lưu với một nền văn hóa khác vừa là thách thức, cũng vừa là cơ hội để bạn bước gần hơn tới sự giao lưu hợp tác quốc tế. Mong rằng những chia sẻ trên đây của jNavi là một bước tiến giúp xóa tan khoảng cách giữa bạn và những đồng nghiệp “người Nhật”, cũng là cơ hội giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa của người Nhật Bản.