Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường
Không quan trọng con đường bạn bước đi như thế nào, không quan trọng bạn đã bước đúng đường hay chưa. Điều quan trọng nhất là bạn có ý chí, có quyết tâm và không bao giờ chùn bước trước mọi thử thách, thì bất cứ nơi đâu cũng có cánh cửa mở đến tương lai.
Câu chuyện ngày hôm nay jNavi xin chia sẻ tới các bạn câu chuyện về một chàng trai như thế, từ cách anh tìm tới tiếng Nhật, quyết định đi Nhật và đổi hướng sự nghiệp sang một trang mới.
NGUYỄN HỮU HOAN
THÁNG 9/2016 : TỐT NGHIỆP TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG SỐ 1
THÁNG 10/206 : GIỮ CHỨC VỤ GIÁM SÁT THI CÔNG TẠI CÔNG TY MEKONG GROUP
THÁNG 4/2017 : SANG NHẬT DU HỌC TẠI TRƯỜNG NHẬT NGỮ KIJ (KOBE)
THÁNG 12/2018 : ĐẠT CHỨNG CHỈ TIẾNG NHẬT JLPT N2
THÁNG 7/2019 : TRỞ VỀ VIỆT NAM
THÁNG 8/2019 – NAY : LEADER CHO DỰ ÁN CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG NHẬT BẢN- CÔNG TY BELLSYSTEM 24 HOA SAO
Chào Hoan! Rất cảm ơn bạn đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn của Trang thông tin Nhật Bản jNavi ngày hôm nay.
Q1. Theo như phần thông tin cá nhân ở trên, anh tốt nghiệp và từng đảm nhiệm công việc của một kỹ sư xây dựng. Phải chăng từ đầu công việc tương lai anh định hướng sẽ theo ngành xây dựng?
Mình cũng như nhiều bạn trẻ khác nhau, mình có nhiều ước mơ lắm (cười). Ngày cấp 3, mình từng mong ước trở thành một hướng dẫn viên du lịch để được đi đó đây. Nhưng ngày thi Đại học, mình đã rẽ sang một hướng mới là thi vào khoa Môi trường của Đại học Nông nghiệp nhưng sau năm học đầu tiên, quả thật mình nhận thấy bản thân không phù hợp với môi trường đó. Ngay năm sau đó, mình thi lại và theo học ngành xây dựng và sau khi tốt nghiệp rất may mắn vì mình đã tìm được công việc ngay, đó là vị trí giám sát khâu thi công và hoàn thiện cho công ty xây dựng Mekong.
Q2. Đang giữ vai trò giám sát thi công cho các dự án xây dựng, điều gì đã khiến anh từ bỏ và quyết định học tiếng Nhật vậy?
Ở vai trò giám sát thi công, mình đã được trải nghiệm và học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên, cái “nghề công trình” phải đi xa nhà nhiều lại khiến mình thấy cuộc sống diễn ra nhanh quá và đôi khi chưa kịp cảm nhận thì đã vụt qua mất. Ở thời điểm ấy, người Việt mình như một xu thế cũng bắt đầu học tiếng Nhật và đi Nhật đông lắm. Nếu nói về yếu tố gia đình thì mình cũng muốn được học hỏi thêm nhiều ngoại ngữ để bắt kịp các chị gái, vì nhà mình các chị hầu như ai cũng thành thạo từ 1-2 ngoại ngữ như : tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Đức…nên chỉ trong 2 ngày thôi, mình quyết định sẽ sang Nhật du học.
Sau khi nghe quyết định đó của mình, các anh đồng nghiệp và cấp trên ở công ty cũng động viên mình rất nhiều, mình vẫn nhớ như in các anh có bảo “Sau dự án của công ty có mở rộng ra nước ngoài thì biết thêm ngoại ngữ chẳng phải tốt hơn hay sao?”. Tuổi trẻ mà, với từng ấy lý do mình đã lên đường sang Nhật.
Q3. Đã có hơn 2 năm sinh sống tại Kobe (Nhật Bản), anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình về thành phố đó không?
Cảm nhận ban đầu của mình thì đó là một thành phố rất yên tĩnh, vắng người. Thậm chí ở đó còn có rất nhiều quạ, hồi mới đến mình rất hoang mang không biết rằng đây có đúng là điểm dừng chân của mình không nữa. Nhưng sau đó khoảng 1 tuần, mình tích cực ra ngoài đi dạo và khám phá xung quanh nhiều hơn thì mình lại bắt đầu cảm thấy yêu mến thành phố này bởi sự tĩnh lặng và hiền hòa của người dân, ngoài ra thì cũng chẳng hề gặp động đất hay thiên tai như mọi người hay nói về Nhật Bản.
Có một điểm thay đổi rất tích cực từ khi sang Nhật là buổi sáng hầu như mình không có cảm giác muốn ngủ nướng mà luôn muốn dậy sớm để đi tập thể dục và ngắm bình minh, nhờ đó mà thể trạng trở nên khỏe khoắn hơn khá nhiều.
Q4. Có rất nhiều bạn du học sinh thời gian đầu ở Nhật gặp rất nhiều khó khăn để bắt nhịp với cuộc sống địa phương. Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình để trải qua thời gian đó được không?
Chắc mình cũng giống đa phần các bạn du học sinh, khó khăn nhất chính xác là tháng đầu tiên sau khi đặt chân tới Nhật. Đầu tiên như đã nói ở trên, mình khá chịu khó đi bộ quanh khu nhà để biết các siêu thị bán đồ ăn và đồ dùng thiết yếu cũng như làm quen để tránh đi lạc.
Khó hơn nữa mình gặp phải đó là việc xin đi làm thêm. Mình tìm được một công việc làm cơm hộp bento chỉ đơn giản là đứng không một chỗ và sắp xếp cơm vào hộp theo yêu cầu. Công việc đó với mình khá là bí bách bởi mình muốn làm việc một cách năng động và được giao tiếp nhiều hơn. Sau đó mình có tìm kiếm các công việc nhà hàng khác trên các Website tìm kiếm việc làm ở Nhật và đã trải qua 96 cuộc phỏng vấn chỉ trong 23 ngày và cuối cùng cũng được một quán sushi nhận. Lý do bởi khi đó tiếng Nhật của mình rất kém, đi đâu cũng chỉ biết nói 「頑張ります。」”Tôi sẽ cố gắng!”.
Suốt 2 tháng đầu làm ở quán sushi, mình chỉ rửa bát. Rồi đôi khi không giao tiếp được với mọi người, bị mắng, bị hiểu lầm mà không giải thích được thực sự thấy vô cùng bất lực. Nhưng không nản lòng, mình suy nghĩ “nếu tiếng kém thế này thì chắc chỉ có nước tiếp tục rửa bát thôi”, mình quyết tâm học nhiều hơn, học mọi lúc mọi nơi bất cứ ở nhà, ở quán hay ở trường. Ngoài ra, khi đi làm mình cố rửa dọn thật nhanh để được sang quầy sushi mà khách ngồi ăn hay quầy lễ tân để học hỏi thêm và sau tháng thứ 6 làm tại quán mình đã được đề cử lên vị trí Quản lý. Mình rất biết ơn các bà, các cô cùng làm ở quán đã luôn động viên và chăm sóc, quan tâm tới mình.
Q5. Với lối sống và cách suy nghĩ hoàn toàn khác Việt Nam, anh đã có sự tìm hiểu trước về đất nước Nhật Bản hay chưa? Và anh đã tìm hiểu những nguồn thông tin đó ở đâu?
Trước đây mình chỉ nghe và biết tới Nhật Bản qua thời sự và ấn tượng về người Nhật là những con người nghiêm ngắc, quy tắc và Nhật Bản là một đất nước rất văn minh. Khi chuẩn bị đi Nhật, mình nghĩ chắc đi Nhật sẽ như là đi bộ đội vậy (😄) nên khi sang Nhật mình đã chuẩn bị tinh thần như là “đi bộ đội” vậy nên không có quá nhiều bất ngờ.
Còn về lối sống quy củ tại Nhật, thú thực ông ngoại mình là một quân nhân nên từ nhỏ nề nếp đã được ông huấn luyện nên từ tác phong hay giờ giấc có thể nói là khá giống người Nhật.
Còn về thông tin chủ yếu mình lên Youtube trực tiếp xem vlog của những người có kinh nghiệm sống tại Nhật Bản về các chủ đề như “Tết của Nhật” hay “Cách tìm việc ở Nhật”. Ở Nhật mà có điều gì chưa hiểu mình cũng mạnh dạn hỏi ngay những người Nhật xung quanh và mọi người cũng rất nhiệt tình trả lời cho mình.
Về vấn đề tìm nhà ở thì mình có lang thang trên các trang mạng xã hội Facebook như Kobe 24h (group cho du học sinh Kobe) để tìm kiếm thông tin và tham khảo ý kiến của mọi người.
Bật mí với các bạn là toàn bộ thông tin Hoan phải đi kiếm ở trên khi mới sang Nhật đều được jNavi tổng hợp đầy đủ nhé.
① Series “Chi phí sinh hoạt ở Nhật” Phần ⑦ Thành phố Kobe – tỉnh Hyogo
② Nhật Bản đón Tết như thế nào?
③ Tìm nhà ở tại Nhật!
Q6. Trở về nước vào tháng 7 và bắt đầu công việc ngay vào tháng 8, việc bắt nhịp lại với cuộc sống ở Việt Nam của anh có gặp trở ngại gì không?
Gần như là cũng không có vấn đề cả đâu. Mới về thì mình gặp khó khăn một chút với giao thông đi lại vì có khi đi còn bị lạc đường. Vả lại ở Nhật mình thường xuyên đi bộ, về Việt Nam thì không đi bộ nữa được nữa vì đường xá đông đúc quá. Mình cũng khá nhớ các món ăn Nhật thường ăn ở bên kia.
Về công việc thì ở công ty mình đa phần là các bạn trẻ cũng mới ở Nhật về hoặc học tiếng Nhật tại Việt Nam nên có thể nói là môi trường khá năng động nên tạo cơ hội để mình bắt nhịp và làm quen với công việc khá nhanh.
Q7. Công việc hiện tại của anh là Leader cho dự án chăm sóc khách hàng bên Nhật, sau gần 5 tháng đảm nhiệm công việc này anh có cảm thấy gặp khó khăn gì không?
Có chứ. Làm việc chủ yếu với khách hàng qua email nên bắt buộc việc phải nâng cao nghiệp vụ mỗi ngày. Ban đầu mình chỉ nghĩ chỉ cần nói tốt là được rồi nhưng việc viết ra ý nghĩ của mình mới thực sự là khó. Ngoài ra vì là đối ứng với khách hàng nên tất cả đều phải dùng kính ngữ, so với khi nói chuyện thông thường thì đó là một việc khá khó.
Q8. Tiếng Nhật đang dần trở thành ngôn ngữ phổ biến được rất nhiều người Việt Nam theo học. Từ kinh nghiệm của một người trái ngành sang học ngoại ngữ, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Nhật của mình được không?
Việc học ngoại ngữ rất khó đòi hỏi sự kiên trì. Từ kinh nghiệm của bản thân mình chỉ có thể chia sẻ rằng nên học mọi lúc, mọi nơi, học gì lấy ví dụ đấy. Nữa là cần thực hành nhiều và giao tiếp chính bằng những gì mình đã học, vậy mới khiến các bạn thuộc nhanh và nhớ lâu. Ngoài ra mình còn tạo dựng thói quen xem phim và thời sự bằng tiếng Nhật, có thể vẫn còn những chỗ không hiểu nhưng sẽ giúp mình luyện nghe rất tốt. Điện thoại mình cũng chuyển sang dùng bằng tiếng Nhật, vậy là mình có cơ hội gặp tiếng Nhật mọi lúc, mọi nơi.
Q9. Để có thể làm việc trong một công ty Nhật, ngoài tiếng Nhật ra anh nghĩ còn cần thêm những kỹ năng gì nữa?
Dĩ nhiên nếu giỏi tiếng Nhật, đó là một lợi thế của các bạn. Bên cạnh đó nên trải nghiệm thêm về phong thái làm việc cũng như văn hóa kinh doanh trong các công ty Nhật để hòa nhập với tập thể một cách dễ dàng hơn.
Thực ra mình thấy các công ty Nhật phỏng vấn ứng viên không quá khó, dù tiếng các bạn chưa được tốt, dù kỹ năng còn thiếu nhưng quan trọng là bộc lộ được quyết tâm của mình.
Ngoài ra, các bạn cũng nên để ý một chút tới những người Nhật xung quanh khi làm việc để học hỏi thêm về kỹ năng và tác phong làm việc “làm ra làm, chơi ra chơi”, không chỉ có công việc mà họ cũng rất cẩn thận để ý những việc xung quanh chẳng hạn như vệ sinh chỗ ngồi hay dọn dẹp không gian làm việc chung…
Q10. Cuối cùng, anh có lời gì muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang học tiếng Nhật hay không?
Mình khuyên các bạn nên đặt cho mình mục tiêu rõ ràng và định hướng trước xem tương lai gần mình sẽ làm công việc gì? Sẽ sử dụng tiếng Nhật để làm gì? Và sẽ nỗ lực để cải thiện tiếng Nhật của mình như thế nào?
Khi đã xác định rõ mục tiêu, chẳng còn cách nào khác ngoài sự chăm chỉ và quyết tâm của bản thân cả.
Tiếng Nhật và văn hóa Nhật rất thú vị nhưng nó vốn không dành cho người lười biếng và chạy theo xu thế. Vậy nên, “đừng coi tiếng Nhật như một thú vui nhất thời” và hãy nỗ lực theo đuổi nó tới cùng nhé.
Cảm ơn anh đã nhiệt tình tham gia buổi phỏng vấn của jNavi ngày hôm nay. Chúc anh nhiều sức khỏe và gặp nhiều thành công trong công việc.