Dù làm việc ở bất cứ đâu, Việt Nam hay Nhật Bản thì tiền lương chắc hẳn là vấn đề đều được tất cả mọi người quan tâm. Nếu bạn làm việc ở Nhật, khi nhận được lương trả bằng tiền mặt hay chuyển khoản ngân hàng thì bạn sẽ đều được nhận kèm một tờ phiếu kê khai chi tiết lương cũng như các khoản khấu trừ, trong tiếng Nhật gọi là 給与明細書
Trong bài viết ngày hôm nay, jNavi sẽ giới thiệu tới các bạn cách đọc bảng lương của mình. Đây là quyền lợi của các bạn khi đi làm nên hãy cùng chia sẻ để cho những bạn khác cũng nắm được nhé.
Các mục có trong bảng lương
Bảng lương sẽ có định dạng hoặc form mẫu khác nhau tùy từng công ty nhưng hầu hết đều sẽ được chia ra làm 4 mục lớn :
- 勤怠 (Chuyên cần)
- 支給 (Thu nhập)
- 控除 (Các khoản khấu trừ)
- 差引支給額 (Tổng thu nhập sau khấu trừ)
勤怠 (Chuyên cần)
Ở phần này bao gồm những mục nhỏ như sau
- 出勤日数・労働日数・勤務日数 : Số ngày làm việc thực tế
- 欠勤日数 : Số ngày vắng mặt
- 残業時間 : Thời gian làm thêm giờ
- 有給消化日数 : Số ngày nghỉ phép có lương
- 有給残日数 : Số ngày nghỉ phép còn lại
支給 (Thu nhập)
- 基本給 : Lương cơ bản
- 役職手当 : Trợ cấp chức vụ
- 住宅手当 : Trợ cấp nhà ở
- 家族手当 : Trợ cấp cho người có gia đình
- 時間外労働手当 : Trợ cấp làm thêm ngoài giờ
- 深夜労働手当 : Trợ cấp làm đêm
- 休日労働手当 : Trợ cấp đi làm vào ngày nghỉ
- 通勤手当 : Trợ cấp đi lại
控除 (Các khoản khấu trừ)
- 健康保険料 : Bảo hiểm y tế
- 介護保険料 : Bảo hiểm điều dưỡng
- 厚生年金保険料 : Bảo hiểm hưu trí
- 雇用保険料 : Bảo hiểm thất nghiệp
- 所得税 : Thuế thu nhập cá nhân
- 住民税 : Thuế cư trú
差引支給額 (Tổng thu nhập sau khấu trừ)
Được tính bằng công thức : 支給 (Thu nhập) – 控除 (Các khoản khấu trừ)
Giải thích các thuật ngữ có trong bảng lương
勤怠 (Chuyên cần)
- Số ngày đi làm : số ngày làm việc thực tế tính tới ngày chốt lương.
- Số ngày vắng mặt : số ngày nghỉ làm tính tới ngày chốt lương
- Thời gian làm thêm : Thời gian làm việc vượt quá quy định trong tháng tính tới ngày chốt lương (quy định thời gian làm việc tiêu chuẩn là 8 tiếng/ ngày)
- Số ngày nghỉ phép có lương : số ngày phép đã sử dụng tính tới ngày chốt lương. (Nghỉ phép là ngày nghỉ nhưng vẫn được hưởng lương, theo quy định ở Nhật, người lao động có ngày nghỉ phép khi đã làm việc trên 6 tháng và có số ngày đi làm từ 80% trở lên)
- Số ngày nghỉ phép còn lại : một năm sẽ có 10 ngày nghỉ phép – số ngày phép đã sử dụng.
Ngày chốt lương là ngày kết toán tiền lương hàng tháng. Nếu công ty làm việc từ ngày mùng 1 thì sẽ chốt lương vào ngày cuối cùng trong tháng, còn trường hợp thời gian làm việc tính từ ngày 21 tháng này tới 20 tháng sau thì sẽ chốt lương vào ngày 20 hàng tháng.
支給 (Thu nhập)
- Lương cơ bản : mức lương cơ bản theo như thỏa thuận đã ký trong hợp đồng lao động. (Đây cũng chính là tiêu chuẩn được nhiều công ty lựa chọn để tính toán tiền thưởng cho nhân viên)
- Trợ cấp chức vụ : là khoản trợ cấp dành riêng cho các vị trí lãnh đạo như quản lý, trưởng phòng…
- Trợ cấp nhà ở : là khoản trợ cấp hỗ trợ tiền thuê nhà (nếu có)
- Trợ cấp cho người có gia đình : là khoản trợ cấp riêng cho người đã xây dựng gia đình. Điều này phụ thuộc vào chính sách của từng công ty “có” hoặc “không” và cũng khác nhau về khoản trợ cấp.
- Trợ cấp làm thêm ngoài giờ : tính bởi công thức Số giờ tăng ca x lương theo giờ x 1,25. Lương theo giờ =Tiền lương cơ bản của tháng : số giờ làm việc theo quy định. Tuy nhiên, có một số công ty áp dụng chế độ “dự tính số giờ làm thêm” và đã bao gồm luôn trong lương cơ bản, vì vậy hãy xác nhận kỹ nội dung của bản hợp đồng nhé.
- Trợ cấp làm đêm : là khoản trợ cấp tăng ca đêm cho khoảng thời gian làm việc từ 10 giờ đêm tới 5 giờ sáng. Tính bởi công thức Số giờ tăng ca x lương theo giờ x 1,5
- Trợ cấp đi lại : khoản hỗ trợ chi phí đi lại (nếu có)
- Trợ cấp đi làm vào ngày nghỉ : x2 so với ngày làm bình thường.
控除 (Các khoản khấu trừ)
- Bảo hiểm y tế : khi vào công ty, bạn sẽ tham gia vào hiệp hội bảo hiểm y tế mà công ty đã đăng ký, thường các công ty nhỏ có thể là trường hợp bảo hiểm y tế quốc gia. Trong trường hợp là bảo hiểm y tế do công ty đăng ký, phí bảo hiểm sẽ do công ty đóng 50%, người lao động đóng 50%. Tham gia bảo hiểm y tế sẽ giúp bạn chỉ phải chi trả 30% chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
- Bảo hiểm hưu trí : khoản tiền được thêm vào quỹ lương hưu nhà nước, với những người nước ngoài có thời gian lưu trú tại Nhật Bản trong một vài năm, các thông tin về khoản bảo hiểm này xin vui lòng xác nhận tại đây.
- Bảo hiểm thất nghiệp : khoản tiền nhằm thực hiện các lợi ích cần thiết để ổn định cuộc sống và việc làm khi người lao động thất nghiệp hoặc không thể tiếp tục làm việc. Cũng có trường hợp dùng để hỗ trợ khi nghỉ thai sản hoặc đau ốm. Khoản bảo hiểm này được tính bằng công thức (Tổng tiền lương và các khoản phụ cấp) x 0,3 (quy định năm 2018)
=> Ba loại bảo hiểm trên gọi chung là 社会保険 (bảo hiểm xã hội)
- Bảo hiểm điều dưỡng : khoản phí hỗ trợ chăm sóc y tế cho người cao tuổi ở Nhật. Vì số lượng người cao tuổi ở Nhật là khá đông nên việc hỗ trợ cho người cao tuổi được quy định rõ ràng trong văn bản. Tuy nhiên, theo quy định bảo hiểm điều dưỡng chỉ bắt buộc những người lao động trên 40 tuổi phải tham gia.
- Thuế thu nhập cá nhân : Có quy định rõ ràng về mức đóng thuế trên tổng thu nhập. Thu nhập càng lớn thì số tiền chịu thuế càng lớn.
- Thuế cư trú : là số tiền đóng góp cho thành phố nơi bạn đang sinh sống để phục vụ cho các hoạt động an sinh xã hội.
差引支給額 (Tổng thu nhập sau khấu trừ)
Là khoản tiền lương thực lĩnh sau khi đã trừ đi mọi khoản chi phí. Đây là số tiền bạn sẽ nhận được bằng tiền mặt hoặc được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bạn.
Bảng kê chi tiết lương là loại giấy tờ vô cùng quan trọng để xác minh cho việc nhận lương cũng như các khoản khấu trừ thuế và bảo hiểm. Do đó hãy luôn xác nhận các thông tin được ghi trong bảng lương là chính xác và cất giữ chúng cẩn thận khi cần.