Tháng 4 năm 2019, một tư cách lưu trú mang tên “Kỹ năng đặc định” cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đã được ra đời. Mặc dù trước đây cũng đã áp dụng “chế độ thực tập sinh kỹ năng”cho ngành điều dưỡng – ngành mà cũng đang trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng do ảnh hưởng của xã hội giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số, nhưng với sự ra đời của visa kỹ năng đặc định dành cho ngành điều dưỡng đã giúp người nước ngoài có thể làm việc dưới tư cách là người lao động chứ không phải là thực tập sinh.
Theo thông tin mới nhất tính đến tháng 3 năm 2020, số lượng người lao động nước ngoài trong lĩnh vực điều dưỡng theo diện kỹ năng đặc định chỉ có 19 người (quốc tịch là Indonesia, Philippines, Việt Nam) và tất cả đều theo tuyến ứng viên điều dưỡng, hộ lý theo chương trình của Hiệp định EPA. (Theo công bố của Bộ tư pháp, tính đến tháng 12 năm 2019) Do mục tiêu tiếp nhận trong năm 2019 của chính phủ là 5.000 người, nên có thể thấy rằng con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, trong số 14 ngành kỹ năng đặc định thì “Điều dưỡng” là một trong những ngành có chỉ tiêu tiếp nhận lao động cao nhất, nên đây chắc chắn sẽ là chế độ nhận được rất nhiều chú ý.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của chương trình kỹ năng đặc định là sự chậm trễ trong công tác tổ chức thi kỹ năng, tuy nhiên so với những ngành khác thì việc triển khai trong lĩnh vực điều dưỡng vẫn đang tiến triển tốt, cụ thể là số người thi đỗ kỳ thi đánh giá kỹ năng đặc định cuối tháng 2 năm 2020 phần thi kỹ năng là 1.949 người và phần thi tiếng Nhật là 1.988 người, theo đó sau năm 2020, số người nước ngoài được cấp visa kỹ năng đặc định ngành điều dưỡng sẽ bắt đầu có dấu hiệu tăng dần lên.
Bạn đang băn khoăn không biết “người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng sẽ có chế độ và tư cách lưu trú như thế nào?” Dựa trên những điều cơ bản đó, chúng tôi sẽ giải thích về “Kỹ năng đặc định” ngành điều dưỡng trong bài viết này.
Người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng là gì?
Hiện tại, người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng đang được nhận vào làm việc hoặc nghiên cứu với tư cách lưu trú dưới đây.
- Tư cách lưu trú “Ngành điều dưỡng”
- “Ứng viên điều dưỡng, hộ lý theo chương trình của Hiệp định EPA”
- “Thực tập sinh kỹ năng (Điều dưỡng)”
- “Kỹ năng đặc định số 1” ngành điều dưỡng
Cho đến hiện tại, để người nước ngoài có thể làm việc với tư cách là nhân viên chính thức trong lĩnh vực điều dưỡng, họ cần phải học 2 năm trở lên tại các cơ sở đào tạo điều dưỡng, hộ lý và phải lấy được tư cách lưu trú “Điều dưỡng” bằng cách vượt qua kỳ thi chứng chỉ quốc gia Nhật Bản có tên là “Điều dưỡng, hộ lý”.
Do đó, quy trình đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản theo chương trình của Hiệp định EPA (Hiệp định đối tác kinh tế) sẽ là vừa được nhận vào thực tập tại các cơ sở điều dưỡng thực tế dưới tư cách là ứng viên điều dưỡng, hộ lý, vừa được tham dự kỳ thi quốc gia. Ưu điểm của Hiệp định EPA chính là có thể chuyển từ tư cách ứng viên điều dưỡng, hộ lý theo chương trình của Hiệp định EPA sang tư cách lưu trú “Điều dưỡng” cho phép bạn làm việc gần như vô thời hạn miễn là bạn được cấp tư cách lưu trú. Nếu bạn có đủ tư cách, ngay cả sau khi đã trở về nước, bạn vẫn có khả năng được tuyển dụng lại nếu bạn mong muốn được làm việc.
Chế độ thực tập sinh kỹ năng là chế độ có mục đích “Chuyển giao công nghệ ra nước ngoài”, tuy nhiên bằng việc thay thế “Chế độ thực tập sinh kỹ năng” với mục tiêu bù đắp sự thiếu hụt lao động thành tư cách lưu trú “Kỹ năng đặc định” mới thành lập năm 20219 với mục đích thuê người nước ngoài làm nguồn lực lao động, được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của “Chế độ thực tập sinh kỹ năng” có thực tế xa rời với mục đích.
Bản chất của Kỹ năng đặc định “Ngành điều dưỡng” là gì?
Kỹ năng đặc định là visa lao động (tư cách lưu trú) cho phép người nước ngoài làm việc giới hạn trong 14 ngành nghề được chỉ định, bao gồm cả những công việc đơn giản. Trong số 14 ngành nghề đó có cả “Ngành điều dưỡng”. Do ngành này chỉ cho phép “Kỹ năng đặc định số 1”, nên tối đa chỉ có thể làm việc trong 5 năm.
Tuy nhiên, trong tương lai, nếu ngành điều dưỡng được chứng nhận là ngành được phép áp dụng visa “Kỹ năng đặc định số 2”, thì bạn cũng có thể làm việc tại Nhật Bản vô thời hạn như các loại visa lao động khác miễn là được gia hạn. Thêm vào đó, ưu điểm của kỹ năng đặc định chính là bạn vẫn có thể được thuê làm việc dài hạn 5 năm ngay cả khi bạn không có chứng chỉ quốc gia về “Điều dưỡng, hộ lý”. Ngoài ra, ngày 8 tháng 2 năm 2017 nội các Nhật Bản đã đưa ra quyết định như sau.
Ngoài những người có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên làm việc thực tế theo các chương trình khác với tư cách du học sinh và tư cách thực tập sinh kỹ năng trong ngành điều dưỡng, phải cấp tư cách lưu trú cho những người nước ngoài đã tham gia nghiên cứu, làm việc thực tế và đã thi đỗ kỳ thi quốc gia về điều dưỡng, hộ lý.
Nguồn trích dẫn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi – “Suy nghĩ về việc tiếp nhận nhân lực điều dưỡng nước ngoài”
Do đó, trong tương lai, Nhật Bản dự định sẽ hoàn thành một hệ thống cho phép người lao động chuyển sang tư cách lưu trú “Người nước ngoài có kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng”, nếu thỏa mãn được các điều kiện sau: Có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên làm việc theo diện kỹ năng đặc định, đã tham gia khóa nghiên cứu và làm việc thực tế, đã đỗ kỳ thi chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia. (Tại thời điểm cuối tháng 3 năm 2020, ngày thực thi vẫn chưa được ấn định)
Người nước ngoài đã lấy được tư cách kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng và đang làm việc được gọi là “Người nước ngoài có kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng”. Một điểm cần lưu ý là số lượng người nước ngoài có kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng không được vượt quá tổng số người Nhật thuộc đơn vị làm việc.
Những công việc có thể tham gia với Kỹ năng đặc định điều dưỡng số 1 là gì?
Nhược điểm của kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng là bạn không được phép tham gia vào dịch vụ chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trước tiên, bạn phải quen với công việc và chuẩn bị sẵn tâm lý có khả năng phải làm ca đêm. Chi tết xin tham khảo bảng bên dưới.
Có thể tham gia | Công việc hỗ trợ như giúp đỡ việc tắm rửa, ăn uống, đi vệ sinh tùy theo tình trạng thể chất của người sử dụng dịch vụ chăm sóc (hoạt động giải trí, hỗ trợ tập luyện hồi phục chức năng, v.v…) |
Không thể tham gia | Dịch vụ chăm sóc tại nhà |
Hình thức tuyển dụng | Chỉ được phép tuyển dụng trực tiếp. Không tiếp nhận phái cử. |
Làm thế nào để thuê người nước ngoài có Kỹ năng đặc định điều dưỡng số 1?
Trường hợp cơ sở điều dưỡng muốn thuê người nước ngoài có kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng, thì cần phải thuê người nước ngoài đáp ứng được các điều kiện xin visa và phải tiến hành các thủ tục xin tư cách lưu trú “Kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng” cho người nước ngoài đó bằng cách nộp hồ sơ xin cấp giấy xác nhận tư cách lưu trú hoặc đơn xin chuyển tư cách lưu trú và các giấy tờ cần thiết đến Cục quản lý xuất nhập cảnh.
Những yêu cầu mà người nước ngoài phải đáp ứng được
- Thi đỗ kỳ thi đánh giá kỹ năng điều dưỡng hoặc hoàn thành xong chương trình đào tạo điều dưỡng, hộ lý
- Thi đỗ kỳ thi tiếng Nhật cơ bản do Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tổ chức hoặc kỳ thi năng lực tiếng Nhật (Từ N4 trở lên)
- Thi đỗ kỳ thi đánh giá tiếng Nhật ngành điều dưỡng
Kỳ thi đánh giá kỹ năng là gì?
Để lấy được tư cách lưu trú kỹ năng đặc định, về cơ bản cần phải vượt qua kỳ thi tiếng Nhật và kỳ thi kỹ năng của từng ngành nghề. Bởi vì cần phải đảm bảo xem bạn có đủ “Kinh nghiệm hoặc kiến thức ở trình độ tương đương” để tham gia vào công việc liên quan đến “Kỹ năng đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn” hay không. Vì vậy ngành điều dưỡng cũng không phải ngoại lệ, vẫn có kỳ thi kỹ năng. Thêm vào đó, để xác nhận trình độ tiếng Nhật cơ bản, bạn cần phải thi đỗ “Kỳ thi tiếng Nhật cơ bản do Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tổ chức” hoặc “Kỳ thi năng lực tiếng Nhật (đạt N4 trở lên)” và phải thi đỗ “Kỳ thi đánh giá tiếng Nhật ngành điều dưỡng” bao gồm những câu hỏi tiếng Nhật chuyên ngành được sử dụng trong ngành điều dưỡng.
Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, đối với người nước ngoài đã hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 ngành điều dưỡng (3 năm) hoặc hoàn thành xong chương trình đào tạo điều dưỡng, hộ lý sẽ được miễn các kỳ thi trên và nếu xin cấp tư cách lưu trú kỹ năng đặc định và được chấp nhận, thì có thể làm việc dưới tư cách là người nước ngoài có kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng.
Cơ sở đào tạo điều dưỡng, hộ lý là gì?
Cơ sở đào tạo điều dưỡng, hộ lý là một trường học được Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chỉ định làm “Cơ sở điều dưỡng được chỉ định”. Chủ yếu là chỉ định các trường trung cấp học về ngành điều dưỡng.
Nguồn tham khảo: Báo cáo của Công ty cổ phần nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ – “Công việc nghiên cứu điều tra hướng tới việc chuẩn bị môi trường tiếp nhận nhân lực điều dưỡng nước ngoài “
Những yêu cầu mà cơ sở tiếp nhận điều dưỡng phải đáp ứng
Cơ sở tiếp nhận điều dưỡng (các doanh nghiệp thuê người nước ngoài theo diện kỹ năng đặc định được gọi chung là cơ quan liên kết kỹ năng đặc định) cần phải đáp ứng được các điều kiện dưới đây.
- Tiếp nhận người nước ngoài không được vượt quá tổng số người Nhật đang làm việc ở cơ sở đó.
- Phải tham gia Hội đồng kỹ năng đặc định ngành điều dưỡng.
- Không được sao nhãng việc hợp tác cần thiết đối với Hội đồng.
- Phải phối hợp với sự chỉ đạo điều tra của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi hoặc các cơ quan được ủy quyền.
Ngoài ra, trường hợp thuê người nước ngoài có kỹ năng đặc định số 1 ngành điều dưỡng, thì phải thuê với mức lương và đãi ngộ bằng hoặc cao hơn so với người Nhật. Bên cạnh đó, liên quan đến vị trí hỗ trợ công việc, để đảm bảo tính an toàn cho việc chăm sóc, trong khoảng thời gian nhất định cho đến khi người nước ngoài quen với công việc, cần phải lập một hệ thống giám sát chẳng hạn như đội chăm sóc để hỗ trợ và hướng dẫn công việc.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế, Lao động và Phúc Lợi – “Về việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới ngành điều dưỡng (tư cách lưu trú “Kỹ năng đặc đinh”)”
Tổng kết
Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp những khái quát và yêu cầu liên quan tới chương trình Kỹ năng đặc định “Ngành điều dưỡng”. Nếu bạn đang đang có dự định sang Nhật làm việc hoặc bạn là Xí nghiệp phái cử, cũng cần phải nắm chắc kiến thức liên quan đến việc xây dựng “Kế hoạch hỗ trợ” và các tài liệu cần thiết để xin visa (tư cách lưu trú) kỹ năng đặc định.
Hi vọng bài viết cung cấp thông tin hữu ích đến với bạn!