Với số lượng lớn các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam như hiện nay thì hơn bao giờ hết, nhân sự chất lượng cao của Việt Nam làm việc trong các công ty là điều hoàn toàn dễ thấy. Không chỉ đầu tư vào các lĩnh vực nổi trội của mình như bán lẻ, tài chính – ngân hàng, thực phẩm… mà các lĩnh vực khác như Công nghệ thông tin cũng được “để mắt” tới nhằm tận dụng nguồn nhân lực được đánh giá rất cao của Việt Nam.
Trong chuỗi bài viết Phỏng vấn người Việt Nam hiện đang làm việc tại công ty Nhật hôm nay xin được mở đầu với bài viết về Thế Anh – chàng Developer (phát triển phần mềm) hiện đang làm việc cho một công ty IT 100% vốn đầu tư của Nhật Bản.
Thông tin cá nhân
- Họ tên : Nguyễn Thế Anh
- Sinh nhật : 10/09/1990
- Học vấn : Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin – Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Nghề nghiệp : Lập trình viên
- Nơi làm việc : Công ty Control HRT Việt Nam
- Kinh nghiệm : Có gần 7 năm kinh nghiệm làm việc thực tế với các ngôn ngữ lập trình như PHP, MySQL’s, Javascript… cũng như thành thạo các framework khác
- Ngoại ngữ : Toeic 600 và tiếng Nhật tương đương N3
Chào Thế Anh! Rất cảm ơn anh vì hôm nay đã nhận lời tham dự buổi phỏng vấn của jNavi. Đầu tiên xin được hỏi, cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề lập trình vậy?
Từ ngày còn đi học mình đã có sở thích tìm hiểu về máy tính (từ khi còn là chiếc máy tính thô kệch, màn hình lồi), nên ngay khi bước vào ngưỡng cửa Đại học, mình đã quyết định đăng ký vào khoa Công nghệ thông tin và quyết tâm thi đỗ.
Nếu nói chung là khoa Công nghệ thông tin thì sẽ có rất nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng tình cờ một hôm, mình có xem một chương trình trên TV giới thiệu về các hệ thống phần mềm của Việt Nam và thế giới, mình vô cùng thích thú và từ đó đã quyết định đi theo hướng trở thành lập trình viên với ước mơ tạo ra các hệ thống truy cập tự động và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Lập trình là việc tiếp xúc hàng ngày với máy tính và các dãy ký tự vô cùng rắc rối. Đâu là cảm hứng làm việc mỗi ngày cho anh?
Từ khi xác định theo nghề lập trình thì mình đã xác định tư tưởng “Máy tính sẽ là người bạn đồng hành với mình, còn code là ngôn ngữ để mình giao tiếp với người bạn đó”. Khi mới học viết từng dòng code để hệ thống có thể chạy theo ý mình và khi nó có thể chạy trơn tru thì quả thực cảm giác đó vô cùng phấn khích và cũng tiếp thêm cho mình động lực học hỏi mỗi ngày. Đến nay đã có 7 năm kinh nghiệm trong nghề, cảm hứng làm việc mỗi ngày là những lúc mình bắt tay vào xây dựng hệ thống mới, những chức năng phức tạp đòi hỏi nhiều phân tích và suy nghĩ và thời gian tìm hiểu những công nghệ mới trước khi bắt tay vào code, mình thấy nó cũng tương tự như việc gặp một bài toán khó, đòi hỏi sự tìm tòi để tìm ra đáp số và sau khi tìm được đáp án sẽ có động lực để giải quyết các bài toán tiếp theo.
Chương trình chạy sai kế hoạch hoặc không chạy được, lỗi (bug) tràn lan là điều coder nào cũng kêu than khi làm nghề này, cho tới thời điểm hiện tại đã có tới gần 7 năm gắn bó với nghề lập trình, khó khăn lớn nhất anh từng gặp phải là gì?
Khó khăn lớn nhất có lẽ là khi mới bắt đầu vào nghề, khi mà trong đầu mình có ý nghĩ cho rằng lập trình viên thì chỉ cần học code là được. Chính với ý nghĩ ban đầu như vậy mà mình chỉ tập trung học code và khi code đã gây ra rất nhiều lỗi (bug) và làm ảnh hưởng tới dự án.
Khi đó, anh đã lựa chọn cách khắc phục như thế nào?
Mỗi lần gặp lỗi như vậy thì mình luôn phải tìm hiểu xem lý do gây ra lỗi là gì và tìm cách cải thiện nó. Điều mình nhận ra là không chỉ nên tập trung vào code mà còn phải học thêm cách phân tích và giải quyết yêu cầu một cách chi tiết trước khi bắt tay vào code.
Anh có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại của mình được không?
Hiện tại mình đang phụ trách mảng phát triển hệ thống cho công ty Control HRT Việt Nam – một công ty công nghệ tự phát triển sản phẩm của Nhật Bản có chi nhánh tại Việt Nam áp dụng quy trình làm việc với những yêu cầu chặt chẽ và quy trình phát triển phần mềm chuyên nghiệp của Nhật Bản. Ban đầu, đây là sản phẩm hướng tới người Việt Nam sống ở Nhật, và kế hoạch trong tương lai là phát triển thêm cả ở thị trường Việt Nam, Đông Nam Á và sau đó là mở rộng ra phát triển ở toàn bộ châu Á.
Control HRT Việt Nam là một công ty Nhật Bản tự phát triển sản phẩm của mình, các sản phẩm được tạo ra như chính “những đứa con tinh thần” của họ. Anh nhận thấy những công ty tự phát triển sản phẩm như vậy có ưu thế gì hơn so với các công ty outsourcing?
Mình nhận thấy 3 yếu tố nổi trội của công ty product hiện tại.
1. Sự chủ động trong công việc :
– Bạn sẽ không bị phụ thuộc vào sự thay đổi yêu cầu bất ngờ về phía khách hàng
– Luôn chủ động trong việc cải tiến nâng cấp sản phẩm để mang lại hiệu quả cao nhất
– Chủ động về thời gian phát triển và kế hoạch công bố sản phẩm
2. Dành nhiều thời gian cho việc phân tích hệ thống
– Ví sản phẩm như “đứa con tinh thần” quả không sai nên thời gian phân tích và thiết kế chi tiết được coi là ưu tiên hàng đầu và chiếm tới 70% thời gian phát triển sản phẩm
– Không còn áp lực về thời gian nữa mà chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất với cả team
3. Học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm
– Sự tỉ mỉ trong từng bước phát triển là điều học hỏi được nhiều nhất ở các công ty product
– Học được những quy trình phát triển phần mềm theo hướng xây dựng và phát triển một cách bài bản nhất
– Tính kỷ luật cao về bảo mật thông tin là nghĩa vụ mà mỗi nhân viên phải tuân theo
– Được tham gia tìm hiểu phân tích nghiệp vụ hệ thống nhằm giúp bạn nâng cao kỹ năng của bản thân
– Cải thiện kỹ năng giao tiếp và team work giữa các thành viên trong team.
4. Công việc mang tính ổn định
Việc phát triển sản phẩm do chính công ty mình làm chủ sẽ mang lại tính ổn định rất lớn cho những ai có định hướng phát triển nghề nghiệp rõ ràng và lâu dài.
Anh có lời khuyên gì cho các bạn lập trình viên đang định hướng tương lai sẽ gia nhập các công ty IT của Nhật không?
Như các bạn đã biết, các công ty Nhật Bản luôn khắt khe trong quy trình làm việc và đặc biệt với các công ty IT thì tính bảo mật còn tăng lên gấp bội.
Do đó khi quyết định gia nhập một công ty IT của Nhật, bạn phải xác định bản thân đang mong muốn và có thể làm việc trong một môi trường có quy trình làm việc rõ ràng, chặt chẽ với những yêu cầu cao về chất lượng và luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn phát triển sản phẩm.
Nếu bạn có đủ tự tin và đáp ứng được các yêu cầu công ty đưa ra thì định hướng phát triển trong tương lai tại các công ty IT của Nhật là hoàn toàn có cơ sở.
Theo anh, đâu là thách thức lớn nhất của nghề lập trình viên?
Để trở thành một Developer khác với việc bạn trở thành một Coder. Ngoài việc học code, chúng ta cần phải học cách phân tích thiết kế hệ thống một cách bài bản, chi tiết để khi triển khai hệ thống tránh được những lỗi cơ bản và làm ảnh hưởng tới tiến độ của dự án.
Việc liên tục cập nhật được những công nghệ mới hay làm việc kịp với tiến độ cũng là những thách thức không nhỏ của nghề này.
Anh có lời gì muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang học lập trình và định hướng tương lai làm Dev như anh không ạ?
Khi bạn đã quyết định bước chân vào con đường lập trình viên tức là bạn đã thành công một nửa rồi, sau đó chỉ cần cố gắng kiên trì và quyết tâm theo đuổi nó. Để có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp, ngoài việc học code các bạn hãy học cách phân tích và phát triển hệ thống theo những mô hình phát triển phần mềm phổ biến nhất hiện nay, thêm nữa là việc học ngoại ngữ để có thể làm việc ở những công ty nước ngoài nhằm giúp nắm bắt được những công nghệ mới nhất trên thế giới.
Cảm ơn anh đã giúp sức hoàn thành buổi phỏng vấn. Chúc anh luôn khỏe mạnh và đạt được nhiều bước tiến mới trong công việc.